Mùa xét công nhận GS, PGS “êm” nhất

0:00 / 0:00
0:00
TP - Xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) năm 2021 đã kết thúc và chuẩn bị bước vào đợt xét duyệt năm 2022. Có thể thấy, sau 4 năm thực hiện Quyết định 37 của Chính phủ về xét công nhận chức danh GS, PGS, “mùa” xét năm 2021 được coi là “êm” nhất.

GS trẻ nhất đến từ trường ÐH ngoài công lập

Trong số 405 ứng viên được HĐGSNN bỏ phiếu tín nhiệm đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2021 có 12 người được công nhận là PGS, GS đến từ các trường ngoài đại học (ĐH) công lập.

Mùa xét công nhận GS, PGS “êm” nhất ảnh 1

Tân GS Phùng Văn Đồng trong một giờ lên giảng đường. Ảnh: Cẩm Lệ

Trong đó, GS trẻ nhất là ứng viên Phùng Văn Đồng (sinh năm 1981) đến từ trường ĐH Phenikaa. Tân GS Phùng Văn Đồng sinh năm 1981 tại Hà Nội, nhận bằng Tiến sĩ về Vật lý lý thuyết và Vật lý toán tại Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nghiên cứu sau Tiến sĩ tại KEK (Nhật Bản), CERN (Thuỵ Sĩ) và AS (Đài Loan). TS Đồng là nghiên cứu viên tại Viện Vật lý từ 2005 đến 2018; là Trưởng Phòng Vật lý năng lượng cao và Vũ trụ học, trường ĐH Phenikaa từ 2019 đến nay.

GS Phùng Văn Đồng được trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016 dành cho nhà khoa học trẻ với công trình nghiên cứu góp phần vào việc giải thích cấu tạo vật chất và năng lượng của vũ trụ. Đến nay, tân GS Phùng Văn Đồng công bố hơn 50 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI với trích dẫn khoảng 1400 lần và chỉ số H-index 23, chủ nhiệm 4 đề tài khoa học cấp quốc gia.

Sắp tới, tại phiên họp tổng kết, đánh giá công tác xét công nhận GS, PGS năm 2021, Hội đồng ngành Y sẽ có đề xuất làm sao để ngăn cản công bố quá nhiều trong thời gian ngắn, đứng tên ở những công trình quá nhiều tác giả.

Năm nay, ứng viên nhiều tuổi nhất được công nhận chức danh GS cũng đến từ trường ĐH ngoài công lập, GS Trần Công Luận, sinh năm 1953, ngành Dược học, hiện đang công tác ở trường ĐH Tây Đô.

Bên cạnh đó, mùa xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2021 cũng ghi nhận có 2 tân PGS đến từ 2 trường Cao đẳng (CĐ) là PGS Bùi Văn Hưng, trường CĐ Kỹ nghệ II, PGS Phạm Văn Tài, trường CĐ Kinh tế Đối ngoại. Đồng thời cũng có 3 tân PGS đến từ các sở ngành chuyên môn là PGS Phạm Thế Trịnh, Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk và PGS Vũ Việt Hùng, Sở GD&ĐT Sơn La, PGS Nguyễn Huy Ngọc, Sở Y tế Phú Thọ. Có 1 tân PGS đến từ Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD&ĐT là PGS Lê Trung Dũng.

Theo TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, số tân GS, PGS đến từ các trường ĐH ngoài công lập đang tăng lên là tín hiệu đáng mừng vì nhiều trường đã chú trọng đầu tư phát triển đội ngũ giảng viên, thu hút các tiến sĩ trẻ về làm việc. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo bên cạnh những trường phát triển bền vững thì có những trường phát triển ảo, sử dụng các loại chiêu để “bắt tay” trong công bố khoa học hay trong đào tạo.

Chú trọng vấn đề đạo đức của ứng viên

Theo GS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng GS (HĐGS) ngành Y, quá trình xét duyệt GS, PGS có một số ứng viên khai các bài đăng báo quốc tế trong những năm cuối khá nhiều. HĐGS ngành Y đã yêu cầu các ứng viên này giải trình, xem xét và thấy rằng vẫn đủ tiêu chuẩn, đến vòng xét của HĐGS Nhà nước cũng suôn sẻ. Đánh giá về việc xét GS, PGS năm 2021, GS Đặng Vạn Phước cho hay từ việc chuẩn bị đến xét duyệt đều làm kỹ. Việc phối hợp giữa HĐGS Nhà nước với HĐGS ngành/liên ngành khá tốt. Do vậy những thông tin qua lại, vướng mắc đều được chỉ đạo và làm rất tốt.

GS Đặng Vạn Phước cũng thông tin, để chuẩn bị cho đợt xét GS, PGS năm 2022, ngành Y sẽ có những đề xuất mới và nghiêm khắc với gian lận.

Tuy nhiên, theo GS Phước không thể đồng nhất giữa ngành này và ngành khác và ngay cả trong ngành y. Do vậy tìm được những điểm dung hòa cho 28 hội đồng các chuyên ngành khác nhau là không dễ. Do vậy những ngành, chuyên ngành khó dần dần sẽ không có ứng viên, dẫn tới chuyện không có lớp kế cận.

GS. Đặng Vạn Phước cho hay, những năm trước Hội đồng ngành Y có nhiều ý kiến liên quan đến chuyện bài báo khoa học cũng do quy định mới khiến ứng viên trở tay không kịp, cung cầu gặp nhau nên có cơ hội cho các tạp chí “săn mồi”. Năm nay đã chặn được những “chiêu” của các ứng viên. Nhưng ông khẳng định chính các ứng viên phải có đủ phẩm chất đạo đức trước. Khi chưa đủ điều kiện, thì yên tâm giảng dạy, nghiên cứu để chuẩn bị dần, không cần phải đối phó với các tiêu chuẩn, tiêu cực, tính toán, trở thành “con mồi” cho các tạp chí kém chất lượng đi “săn”.

MỚI - NÓNG