Mùa tựu trường: Trung Quốc dùng robot phun khử trùng, Cuba tiêm vắcxin cho trẻ trên 2 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ: Getty
Ảnh minh hoạ: Getty
TPO - Nhiều quốc gia đã khai giảng chào năm học mới bất chấp việc biến thể Delta tiếp tục làm gia tăng số ca mắc COVID-19, đặc biệt là ở trẻ em - nhóm đối tượng chưa đủ điều kiện tiêm chủng.

Chính phủ Anh đã quyết tâm đưa học sinh trở lại trường học sau 18 tháng gián đoạn vì phong toả, phải học từ xa và hoãn thi cử. Các trường học ở Anh đã đóng cửa hai lần, mỗi lần kéo dài ba tháng kể từ đầu năm 2020. Các kì thi quan trọng đã bị huỷ bỏ khiến việc tuyển sinh đại học trở nên hỗn loạn.

Trong khi hầu hết các quốc gia châu Âu vẫn duy trì một số lệnh hạn chế ở trường học, thì chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đang cố gắng đưa trường học trở về trạng thái gần như trước khi có dịch. Các quy định giữ khoảng cách và đeo khẩu trang đã và sẽ bị loại bỏ, tuỳ theo khu vực. Học sinh cũng không còn phải chia thành nhóm “bong bóng” để hạn chế sự lây lan của virus. Thay vào đó, chính phủ nói rằng học sinh nên được xét nghiệm thường xuyên, và các trường học sẽ được hướng dẫn về việc cải thiện hệ thống thông gió.

Nhóm các nhà khoa học thuộc hội đồng tư vấn cho chính phủ Anh thừa nhận việc mở cửa trường học bình thường trở lại là một canh bạc, vì quốc gia này vẫn chưa cấp phép tiêm vắc-xin cho nhóm 12 đến 15 tuổi. Anh - sau khi dỡ bỏ hầu hết các lệnh hạn chế vào tháng Bảy - hiện đang ghi nhận khoảng 30.000 ca mắc mới mỗi ngày, cao nhất nhì châu Âu.

Khác với Anh, các quốc gia Nam Âu khác như Ý Tây Ban Nha vẫn duy trì quy định giữ khoảng cách và đeo khẩu trang trong trường học. Cả Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều yêu cầu giáo viên xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính.

Pháp, nơi trường học mở cửa trở lại vào ngày 2/9, nhóm học sinh từ 6 tuổi trở lên sẽ phải đeo khẩu trang. Nếu một học sinh tiểu học mắc COVID-19 thì cả lớp sẽ phải nghỉ học.

Tại Israel - một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, học sinh đã trở lại trường vào ngày 1/9. Tuy nhiên, học sinh ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao vẫn phải học trực tuyến.

Ở bang Bắc Rhine-Westphalia (Đức), 30.000 học sinh và gần 300 giáo viên đang bị cách ly, hai tuần sau khi trường học mở cửa trở lại.

Tương tự ở Mỹ, hàng chục ổ dịch tại các trường học đã được ghi nhận khi học sinh bắt đầu đi học vào tháng trước. Tại một số bang, trẻ em chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các ca mắc COVID-19 mới. Không ít trường học đã phải đóng cửa hoặc chuyển sang học trực tuyến.

Trung Quốc, học kì mới đã bắt đầu vào ngày 1/9 với nhiều quy định phòng dịch nghiêm ngặt. Các trường học sẽ không được phép mở cửa trở lại nếu không đáp ứng tiêu chuẩn phòng dịch, hoặc không chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp. Tại trường tiểu học trực thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Đông Trung Quốc, học sinh được đo thân nhiệt ở cổng trường và hai lần trong suốt buổi học. Cửa sổ được mở để thông gió. Ở trường trung học Luwan (Thượng Hải), robot được sử dụng để phun thuốc khử trùng trong các hành lang. Trước học kỳ mới, nhà trường đã bố trí diễn tập phòng chống dịch trong trường hợp khẩn cấp.

Ngoài các biện pháp trên, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho học sinh. Hơn 124 triệu liều vắc-xin COVID-19 đã được sử dụng cho nhóm từ 12 đến 17 tuổi trên cả nước.

Mùa tựu trường: Trung Quốc dùng robot phun khử trùng, Cuba tiêm vắcxin cho trẻ trên 2 tuổi ảnh 1

Một học sinh ở Bắc Kinh (Trung Quốc) được đo thân nhiệt trước khi vào lớp. Ảnh: Global Times

Tại Cuba, chính quyền hôm 3/9 đã phát động chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho nhóm trẻ em từ 2 đến 18 tuổi. Đây được coi là điều kiện tiên quyết để các trường học mở cửa trở lại.

Trẻ vị thành niên từ 12 tuổi trở lên sẽ là nhóm đầu tiên được tiêm một trong hai loại vắc-xin sản xuất trong nước, Abdala và Soberana. Tiếp đến là nhóm đối tượng nhỏ tuổi hơn. Cơ quan Quản lý Dược (Cecmed) của Cuba mới đây đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Soberana 2 cho nhóm từ 2 đến 18 tuổi. .

Các trường học ở Cuba hầu hết đã đóng cửa từ tháng 3/2020. Năm học mới ở Cuba đã bắt đầu, nhưng học sinh sẽ tiếp tục học từ xa cho đến khi tất cả các trẻ em đủ điều kiện được tiêm chủng.

Theo CGTN, AP
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.