Mùa Tết ăn sao cho khỏe?

Mùa Tết ăn sao cho khỏe?
Cuối năm là mùa của liên hoan, tiệc tùng. Rồi tết, nhà nhà mâm cỗ ê hề, bánh mứt bắt mắt, ngon lành, khó cưỡng.

Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều, ngay cả những món ăn bổ dưỡng nhất cũng sẽ có hại cho cơ thể. Người già, trẻ em cần được chăm sóc đặc biệt đã đành, ngay cả chị em đang phơi phới tuổi xuân cũng cần ăn cho đúng cách.

Ăn ngon vẫn "nhon"

Thực phẩm tết thường rất hấp dẫn nên đa số mọi người khó mà ép mình tuân thủ một chế độ ăn uống theo hoạch định hoặc cân đối hàm lượng. Nhưng cũng rất khó cho các chị trong việc lựa chọn loại thực phẩm sao cho cân đối bởi đa phần những món ăn tết đều rất giàu đạm, béo và ngọt. Kết quả, “hậu” tết, chị em thường đối mặt với “vấn nạn”: tăng cân, đường cong biến mất, quần áo chật ních và mặt lấm tấm “những bông hoa nhỏ”…

TS Phan Thế Đồng, Trưởng khoa Khoa học cơ bản, ĐH Hoa Sen, phân tích: Điều quan trọng là cần hiểu rõ đặc tính của các món ăn truyền thống để có cách gia giảm lượng ăn, đồng thời bổ sung thêm những thực phẩm cần thiết. Các món ăn tết truyền thống như thịt kho, bánh chưng, lạp xưởng, thịt đông… không cân đối bởi chúng vừa rất thừa vừa rất thiếu chất.

Cái thiếu đầu tiên là dầu thực vật, song song với thừa chất béo động vật nên dễ dẫn đến thừa năng lượng, thừa cholesterol. Cái thiếu thứ hai là chất xơ do thành phần rau quả trong món ăn ngày tết khá ít, trong khi chất xơ có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể như nhuận trường, có khả năng làm giảm cholesterol trong máu.

Một số chất xơ hòa tan còn có chức năng tạo điều kiện cho lợi khuẩn đường ruột phát triển. Chất xơ còn làm giảm năng lượng cho bữa ăn vì rau củ tạo cảm giác no nhưng không sinh ra năng lượng. Rau quả tươi cũng là nguồn cung cấp vitamin chủ yếu song thức ăn truyền thống lại rất ít rau xanh và rau tươi sống. Các thành phần hỗ trợ sức khỏe giúp làm giảm mỡ máu, cholesterol... như các chất chống ôxy hóa, các chất béo omega-6; omega-3… hầu như thiếu vắng trong thực đơn tết.

Vì vậy, để cân bằng dinh dưỡng, đồng thời vẫn giữ dáng trong mùa tết, bà chủ nhà cần chú trọng tăng cường lượng rau dưa các loại: rau tươi sống, các loại rau gia vị (rau thơm), dưa cải… Dùng các loại trái cây tươi: cam, bưởi… thay thế cho bánh ngọt, mứt trong các món tráng miệng.

Đặc biệt, không nên uống các loại nước ngọt và hạn chế ăn kem. Các thức uống này cung cấp năng lượng, mang đến cảm giác “giải khát” tức thì nhưng đồng thời gây mất nước nhanh chóng. Nên thay thế bằng nước lọc hoặc các loại nước trái cây ép, sinh tố nhà làm.

Mùa xuân là mùa các loại rau tươi ngon, giàu dinh dưỡng, nhiều vitamin C, vitamin nhóm B, E, tiền vitamin A… giúp đẹp dáng, đẹp da. Vì vậy, chị em nên tăng cường tiêu thụ những thực phẩm như xà lách, cà rốt, su hào, bông cải, bưởi, quýt… Chế biến dạng luộc hoặc ăn tươi, hạn chế chiên xào. Một điều rất quan trọng để giữ gìn sức khỏe và nhan sắc là vẫn duy trì tập thể dục đều đặn và uống nhiều nước. Không nên bỏ bữa hay ăn quá nhanh.

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, khuyến cáo: “Thực tế, mọi người thường mua sắm thực phẩm cũng như chế biến quá nhiều món ăn. Bỏ dư thì tiếc nên hầu hết chị em thường phải “ăn cố” những món do mình làm ra. Hậu quả là “chính chủ” bị mất dáng, da xấu”. Chị em cũng nên hạn chế những món mặn, nhiều muối như khô, tôm khô, dưa món… vì chúng khiến cơ thể dễ bị thiếu nước, da khô… Chất cồn trong bia rượu cũng sinh ra nhiều năng lượng hơn cả cơm và tích lũy chúng thành mỡ.

Ăn sao cho khỏe?

Tết được nghỉ ngơi nhiều, tâm trạng thoải mái, gia đình sum họp và có rất nhiều thức ăn nên nhiều người bị mất điều độ trong sinh hoạt, ăn uống. Người già, trẻ em hay người có bệnh lý mãn tính rất dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Với người già, người bệnh, chế độ ăn cân đối và điều độ được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, dù đang đau ốm hoặc có sức khỏe bình thường thì cũng cần duy trì chế độ ăn, ngủ, sinh hoạt hoặc uống thuốc đều đặn như bình thường.

Do tuổi cao, chức năng gan, thận bắt đầu suy giảm theo thời gian nên việc ăn uống đúng cách, điều độ rất quan trọng. Cụ thể, khi thay thế món ăn bình thường bằng món tết, người cao tuổi cần chú ý khẩu phần, thực phẩm, năng lượng.

Ví dụ: ăn bánh chưng thì không ăn cơm, bún, miến trong cùng một bữa ăn, dễ bị thừa tinh bột. Hoặc đã ăn giò thủ thì không ăn thịt thịt kho trứng vì hai món này đều nhiều đạm. Còn như muốn thưởng thức nhiều món ăn thì chỉ có cách giảm lượng từng loại sao cho tương đương khẩu phần hằng ngày.

Người cao tuổi, dù có bệnh lý tim mạch hay không, cũng không nên ăn thực phẩm mặn như dưa món, thịt ngâm nước mắm, khô… rất có hại cho sức khỏe. Tuyệt đối, không nên dùng thức ăn cũ, hâm đi hâm lại nhiều lần hay thức ăn bắt đầu thay đổi màu sắc, mùi vị (dù còn hạn sử dụng) để tránh bị khó tiêu, ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra, các vị “bô lão” cũng không nên uống rượu bia vì các chức năng thải độc của cơ thể đã bị suy yếu theo tuổi tác. Cần tăng cường rau xanh và trái cây nhiều hơn so với bình thường. Ngoài ra, các cụ cần duy trì tập thể dục đều đặn và ngủ nghỉ đủ giấc, đúng giờ, không nên thức khuya.

Chuyện ăn của trẻ: Không nên lơ là

Ngày tết cha mẹ thường bận rộn tiếp khách, đi chúc tết, đi chơi… cộng thêm tâm lý “xõa” trong những ngày đầu xuân nên trẻ em không được chăm sóc chu đáo như ngày thường. Kết quả, trẻ có thể bị bỏ bữa, ăn qua loa, không đúng giờ hoặc ăn quá nhiều. Với trẻ thừa cân, béo phì, tết càng có nguy cơ “phì” hơn vì đi đâu cũng có cơ hội được thưởng thức nhiều món ăn “hạp” khẩu vị và “cơ hội” ăn mọi lúc mọi nơi. Do đó, dù bận rộn thế nào thì cha mẹ cũng cần để mắt đến những đứa con mũm mỉm, thừa cân.

Cũng không nên trữ đồ ăn quá nhiều trong nhà hay để những nơi dễ thấy, dễ lấy. Khi cho trẻ thừa cân ăn, cần theo nguyên tắc: “độn” nhiều trái cây và rau củ trước và trong khẩu phần ăn của trẻ, không cho trẻ xin thêm hay “thả ga” những món nhiều đạm, béo, đặc biệt nói không với bánh mứt, nước ngọt.

Với những trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, mùa tết càng dễ bị sụt cân vì trẻ vốn ham chơi, lại không được ăn đúng giờ, đúng bữa. Với đối tượng này, không cần quá kiêng cữ thực phẩm ngọt, nhưng phụ huynh lưu ý không nên cho trẻ ăn những món ngọt trước bữa ăn vì sẽ làm trẻ ngang dạ, không còn bụng để dung nạp thức ăn chính.

Thêm vào đó, thức ăn hàng quán, đường phố có thể không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trẻ có nguy cơ bị ngộ độc, tiêu chảy, nôn ói. Vì vậy, khi đi xa, cha mẹ cần lựa chọn kỹ thức ăn dành cho trẻ. Tranh thủ cho bé ăn trước ở nhà, và mang theo sữa tươi, phô mai, sữa chua, nước uống. Ngoài ra, có thể chuẩn bị một ít đồ ăn nhẹ như trứng luộc, cơm cuộn rau và thịt, cá… đề phòng trường hợp trẻ bị nhỡ bữa ăn.

Lưu ý, cần để xa tầm tay trẻ các loại thức ăn như hạt dưa, hạt bí, các loại trái cây có hạt nhỏ như mãng cầu, quýt, sapochê… vì có thể gây hóc, sặc hoặc trẻ nhét vào tai, mũi.

BS Trương Hữu Khanh, BV Nhi Đồng 1, nhắc nhở: “Trước tết, trẻ hay bị tai nạn phỏng do người lớn nấu nướng, làm bánh; uống nhầm hóa chất dùng để nấu nướng như nước tro tàu và hóa chất vệ sinh nhà cửa như nước tẩy, dầu lửa… nên cha mẹ cần đặc biệt lưu ý”. Ngoài ra, dù bé khỏe hoặc hay bị bệnh vặt, ba mẹ cũng nên “thủ” những loại thuốc: hạ sốt, chống ói, bù nước, bông băng, gạc, nhỏ mũi và sirô thảo dược trị ho.

Theo nguyên lý cân bằng âm dương, ThS-BS Nguyễn Văn Đàn, khoa Y học cổ truyền, trường ĐH Y Dược TP.HCM phân tích: Tiết xuân nếu ăn uống quá nhiều thứ cay nóng như rượu, gừng, hành, tỏi… dễ làm tổn thương âm dịch, khiến người khô khát, thích uống nước mát, ăn nhiều, mau đói hoặc lưỡi lở loét, táo bón, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô. Ăn nhiều chất béo dễ trợ thấp, sinh đờm và hóa nhiệt, nguy hiểm nhất là can dương quá thịnh có thể bị chứng trúng phong, biểu hiện tương tự như đột quỵ não.

Các thức ngọt tuy có tác dụng bồi bổ cơ thể, điều hòa tỳ vị, làm hòa hoãn các chứng cấp tính và làm khỏi đau, nhưng nếu ăn nhiều dễ gây ra trung mãn, sinh nhiệt lượng cao, hỏa và nhiệt lại dễ tổn thương tân dịch, gây ra các biến chứng như ung nhọt lở độc. Do vậy, cần hạn chế hoặc ăn vừa phải chất cay nóng, béo ngọt.

Tóm lại, nên ăn uống thanh đạm, đa dạng, bổ sung rau xanh, trái cây tươi, thiên về vị ngọt vừa phải, giảm vị chua để trợ tì vị. Ngoài những thực phẩm truyền thống, có thể bổ sung thêm vào thực đơn ngày tết một số loại thực phẩm có công dụng giải nội nhiệt bên trong, bổ âm, dưỡng dương như: đậu đen, đậu ván trắng, hạt sen, hạt kê, gạo lứt rang; dứa (thơm, khóm), đu đủ, khoai lang; rau má, rau diếp cá, ngó sen, rau kim châm, ngân nhĩ; thịt chim cút, thịt gà, thịt thỏ, cá chạch, lươn, ba ba…

Theo Theo Phụ nữ Online
MỚI - NÓNG