Được nhà khoa học Thuỵ Điển Alfred Nobel sáng lập, giải thưởng Nobel ra đời từ 120 năm trước để vinh danh những người có đóng góp lớn cho nhân loại trong các lĩnh vực Y học, Vật lý, Hoá học, Văn học và Hoà bình, cùng với giải thưởng Kinh tế ra đời sau đó.
Dù danh sách đề cử được giữ bí mật, những chuyên gia về Nobel nói rằng công nghệ mRNA được dùng để tạo ra các loại vắc-xin COVID-19 của Moderna và Pfizer/BioNTech là ứng viên sáng giá cho giải thưởng Y học hoặc Hoá học năm nay.
“Sẽ là sai lầm nếu Uỷ ban Nobel không trao giải cho công nghệ mRNA”, nhà báo mảng khoa học người Thuỵ Điển Ulrika Bjorksten đánh giá.
Nhà báo này cho rằng Katalin Kariko từ Hungary và Drew Weissman của Mỹ - hai nhà khoa học tiên phong trong công nghệ vắc-xin mRNA – hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng này.
Những vắc-xin được tạo ra bằng công nghệ mRNA đã được tiêm cho hơn 1 tỷ người trên khắp thế giới trong cuộc đua với căn bệnh đã cướp đi mạng sống của hơn 4,7 triệu người.
Kariko và Weissman đã nhận được nhiều giải thưởng chuyên ngành, như giải Lasker ở Mỹ, một giải được coi như tiền nhân của giải Nobel.
Những công nghệ khác có thể được lựa chọn để trao giải như giao tiếp tế bào, sự hoạt động của hệ miễn dịch, phát hiện gien gây ung thư vú, biểu sinh và kháng kháng sinh.
Giải Y học mở đầu mùa giải Nobel vào ngày 4/10, tiếp theo là giải Vật lý, Hoá học, Văn học và Hoà bình. Giải Kinh tế được công bố cuối cùng, vào ngày 11/10.
Những ứng viên được dự đoán sẽ giành giải Nobel Hoà bình năm nay gồm các lãnh đạo đối lập ở Belarus, những nhà hoạt động khí hậu như Greta Thunberg.
Uy tín của giải thưởng Hoà bình bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong những năm qua vì một trong những người nhận giải là Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã bị kéo vào một cuộc chiến tranh.
Một người khác là nhà lãnh đạo Myanamar Aung San Suu Kyi, người bị chỉ trích là đã bảo vệ quân đội nước này trước những hành động nhằm vào cộng đồng thiểu số Rohingya.