Mưa như Hà Nội, TP.HCM ngập nặng hơn

Mưa như Hà Nội, TP.HCM ngập nặng hơn
Trong khi nhiều đường phố tại thủ đô Hà Nội vẫn còn ngập nước sau những trận mưa bất thường, người dân tại TP.HCM lo lắng “đợt ngập lịch sử” này có thể xuất hiện ở TP.HCM. Ngành khí tượng cảnh báo điều này hoàn toàn có thể xảy ra.
Mưa như Hà Nội, TP.HCM ngập nặng hơn ảnh 1
Đường Nguyễn Thị Nhỏ (Q.11) có những chỗ ngập sâu hơn nửa mét sau cơn mưa lớn ngày 17-8 - Ảnh: C.Quốc

“Tại TP.HCM, lượng mưa từ 80-100mm là đã ngập khủng khiếp rồi. Nếu lượng mưa vượt quá 200mm cộng với đỉnh triều cường đạt 1,4m thì tình trạng ngập sẽ không thể tưởng tượng nổi (lượng mưa ngày 31-10 ở Hà Nội là 347mm)” - thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, phó phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, nhấn mạnh.

Mưa lớn gặp triều cường sẽ ngập khủng khiếp

Theo thạc sĩ Lan, trong mấy năm qua hầu như năm nào TP.HCM cũng xảy ra 2-3 cơn mưa có lượng mưa trên 100mm (có những năm nhiều hơn), thậm chí có thời điểm lượng mưa lên đến 180mm (năm 2000). Hầu hết các trận mưa với lượng mưa như vậy đều biến nhiều tuyến đường của TP thành sông, nhà cửa của hàng trăm hộ dân bị ngập hơn nửa mét.

Cụ thể là trận mưa đầu tháng 8/2008. Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, lượng mưa của cơn mưa chỉ khoảng 140mm nhưng hàng loạt tuyến đường khu vực trung tâm TP như Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh, Trần Hưng Đạo, Trần Đình Xu, Lê Thánh Tôn, Thái Văn Lung… chìm trong “biển nước”, có đoạn nước ngập gần tới yên xe máy.

Với cơn mưa này, hàng chục hộ dân trên đường Hồ Hảo Hớn (P.Cô Giang, Q.1) cho biết phải chịu trận trong tình trạng nước ngập hơn 5 tấc nhiều giờ liền, hàng loạt đồ dùng trong nhà bị hư hỏng. Hàng ngàn hộ dân khác tại các quận 3, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh... cũng mất ăn mất ngủ để tự cứu mình trước trận mưa lớn gây ngập bất ngờ.

Theo thống kê, cơn mưa “khủng khiếp” đã gây ngập trải dài trên địa bàn của 14 quận huyện TP với 87/100 điểm ngập. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ nhận định nguyên nhân khiến đường phố, nhà cửa của người dân bị ngập nặng, kéo dài do mưa lớn trùng thời điểm triều cường đang lên.

Tuy đỉnh triều cường chỉ đạt 1,1m nhưng đã hạn chế đáng kể khả năng thoát nước vốn đang bị nhiều “khuyết tật” và không đồng bộ của TP. Một nguyên nhân khác cũng góp phần gây ngập nặng thêm là việc thi công dự án đại lộ đông - tây làm hẹp dòng chảy của một số tuyến thoát nước.

“Chỉ với lượng mưa và triều cường như vậy TP đã ngập te tua. Nếu trường hợp xảy ra mưa như ở Hà Nội cộng với triều cường cao hơn một chút thì TP.HCM chắc chắn ngập hơn cả Hà Nội” - một cán bộ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM nhận định.

Thời tiết ngày càng bất thường

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, tình hình thời tiết thời gian gần đây diễn biến bất thường. Thông thường vào cuối tháng mười đầu tháng mười một, Hà Nội bước vào thu, mưa có thể xảy ra nhưng với lượng mưa nhỏ. Còn mưa với lượng mưa lên đến vài trăm milimet, kéo dài và xảy ra trên diện rộng như vừa qua là quá bất thường, có thể gọi đó là thiên tai (mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua).

Thời tiết bất thường không chỉ xảy ra ở khu vực phía Bắc mà còn diễn biến phức tạp tại khu vực Nam bộ. Qua số liệu thống kê cho thấy lượng mưa trung bình của các năm gần đây đều tăng so với những năm trước đó. Riêng lượng mưa trung bình tại TP.HCM trong mười tháng của năm 2008 đã vượt mức trung bình so với cả năm 2007 khoảng 25%, một số nơi lên đến 30%.

Kể từ tháng mười hai trở đi, VN sẽ chịu ảnh hưởng ít nhất 2-3 đợt không khí lạnh/tháng từ Trung Quốc tràn về. Nếu cường độ không khí lạnh yếu, chỉ di chuyển đến phía bắc của đèo Ngang sẽ gây mưa khu vực Nghệ An, Thanh Hóa. Nếu không khí lạnh có cường độ mạnh vượt qua đèo Ngang và đèo Hải Vân, khả năng mưa sẽ mở rộng ra khu vực từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đến Bình Định, Phú Yên.

Dự báo từ đây đến cuối năm cho thấy vẫn còn mưa nên lượng mưa trung bình năm nay sẽ còn cao hơn. Ngoài ra, theo chu kỳ thời tiết bình thường, tầm khoảng giữa tháng mười một hằng năm khu vực Nam bộ sẽ kết thúc mùa mưa nhưng năm nay mùa mưa kết thúc muộn hơn.

Nguyên nhân: trục rãnh thấp gây mưa tại khu vực Nam bộ vẫn còn tồn tại. Trục rãnh này là một dải nối liền những nhiễu động nhiệt đới, hình thành nên những đám mây dông gây ra mưa. Tuy nó đã suy yếu nhưng những ngày tới sẽ mạnh lên, có thể thành vùng áp thấp hoặc áp thấp nhiệt đới. Vì vậy, dự báo đến cuối tháng mười một hoặc có thể trễ hơn thì mùa mưa ở Nam bộ mới kết thúc.

Từ nay đến cuối năm có khả năng còn hai cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông, điều này cũng sẽ ảnh hưởng và gây mưa ở khu vực Nam bộ. Theo chu kỳ thời tiết bình thường thì những cơn bão hay áp thấp nhiệt đới chỉ xuất hiện vào những tháng giữa đến cuối năm, nhưng liên tục trong những năm gần đây bão và áp thấp cũng xuất hiện vào thời điểm đầu năm. Đó cũng là yếu tố tác động gây mưa to trên diện rộng.

Cần xây dựng ngay kịch bản ứng phó

Theo ông Hồ Long Phi - giảng viên bộ môn kỹ thuật tài nguyên nước Đại học Bách khoa TP.HCM, nếu xảy ra tổ hợp mưa lớn cộng triều cường thì những khu vực vùng trũng như khu vực bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), bến Mễ Cốc, Bình Đông, Phạm Thế Hiển (Q.8)... gần như bị nước cô lập.

Tuy nhiên, do khu vực này gần sông rạch, ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều nên thời gian ngập có thể không kéo dài. “Lo nhất là những quận có hạ tầng phát triển nhưng lại xa sông rạch như Tân Phú, Tân Bình, rốn lũ bùng binh Cây Gõ (Q.6)… Ở những nơi này tình trạng ngập có thể kéo dài 1-2 ngày” - ông Phi nói.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan đề xuất cần xây dựng ngay những kịch bản ngập như ở Hà Nội để không lúng túng trong công tác đối phó khi có tình huống xấu.

Trước mắt, những đơn vị có trách nhiệm như: Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, Sở Giao thông vận tải... nên triển khai cắm biển báo tại những vùng có khả năng bị ngập, nhất là khu vực đông dân cư như trường học, bệnh viện, chợ, một số tuyến đường ngập sâu hoặc những khu vực có nguy cơ bể bờ bao...

Biển báo phải cho biết cụ thể mức ngập tương ứng với lượng mưa hay mức ngập khi mưa cộng với triều cường để người dân căn cứ vào dự báo hằng ngày mà biết được mức độ ngập để đối phó. Chính quyền cũng cần có quy định cụ thể lực lượng nào tham gia ứng cứu, sơ tán dân khi có tình huống xấu. “Đừng để việc ngập nước xảy ra như ở Hà Nội rồi lúc đó ngồi trách cứ nhau” - bà Lan kết luận.

Hệ thống thoát nước của TP.HCM đã lạc hậu

Ông Trần Xuân Dũng - phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông vận tải phía Nam  - cho rằng các dự án thoát nước mà TP đang xây dựng như dự án vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là tín hiệu tốt để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và giải quyết ngập nước. Thế nhưng quy hoạch về thoát nước trước đây chỉ tính cho TP 2 hoặc 3 triệu dân, trong khi mật độ dân số TP đã tăng đến gần 10 triệu người. Như vậy hệ thống thoát nước của TP đã lạc hậu và cần phải tiếp tục cải tạo, trong đó cần tăng tiết diện cống thoát nước lớn để nước thoát nhanh.

Lãnh đạo TP.HCM cũng cần quan tâm xây dựng hệ thống trạm bơm nước để bảo đảm thoát nước nhanh. Cả TP Hà Nội mà chỉ có một trạm bơm nước thì ngập nước kéo dài là đương nhiên.

Nếu TP.HCM bị trận mưa lớn và ngập như ở Hà Nội thì thiệt hại càng nặng nề hơn vì TP đang có nhiều nhà cao tầng xây dựng hầm đậu xe. Hơn nữa, trong vài năm tới TP sẽ triển khai xây dựng nhiều tuyến metro, trong đó có những đoạn metro đi ngầm dưới đất, nếu bị ngập nước thì ách tắc giao thông trở nên rất trầm trọng.

N.Ẩn ghi

Theo Quang Khải
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.