Tháng 10 là mùa hạt dẻ ở những cánh rừng Tân Kỳ. Đây là một sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho người dân ở vùng đồi núi cao, đất cằn cỗi, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Công việc nhặt lượm nhưng không hề nhàn hạ. Người dân thường dậy từ lúc sáng sớm đi nhặt cho tới khi xế chiều, cặm cụi, kiên nhẫn trên những cánh rừng rậm rạp.
Khi chín hạt dẻ rơi xuống đất có màu nâu đen, nhưng một số hạt còn nằm trong lớp vỏ đầy gai.
Để tránh lũ muỗi, mỗi người phải tự trang bị cho mình trang phục kín đáo. Ngoài ra, để hạn chế bị lớp vỏ đầy gai của hạt dẻ đâm vào tay thì người dân nào cũng đeo lớp găng tay dầy khi đi nhặt hạt dẻ.
Một số hạt dẻ treo lơ lửng trên cành
Để nhặt được nhiều hạt dẻ hơn, nhiều người còn trèo cây rung cành
Một cô bé "khoe" chiến lợi phẩm của mình. Một ngày nếu chăm chỉ nhặt lượm, một người có thể thu được 5 đến 7 kg.
Hạt dẻ là một loại hạt được rất nhiều người ưa chuộng. Năm nay, do đợt nắng nóng kéo dài, dẻ ra ít hạt nên giá hạt dẻ cao hơn mọi năm (chừng 40 nghìn đồng /kg), là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi này.
Vào những ngày mưa hay lúc nhàn rỗi, một nắm hạt dẻ cũng làm cho ta thích thú. Muốn hạt dẻ dẻo mềm và dậy mùi thơm chỉ cần rang nhỏ lửa, đều tay cho tới khi hạt dẻ "cười" lộ lớp nhân trắng.