Mưa lũ tại miền Trung: Nhiều nơi đối mặt với nạn đói

Mưa lũ tại miền Trung: Nhiều nơi đối mặt với nạn đói
TP - Mưa lũ hoành hành tại miền Trung trong những ngày vừa qua đang đẩy người dân vào tình cảnh chồng chất khó khăn. Nhiều nơi đang đối mặt với nạn đói. Có thêm nhiều người chết do mưa lũ.

Ông Lê Ngọc Kích, Phó chủ tịch huyện Nam Trà My, cho biết: “Tôi ở miền núi mấy mươi năm nhưng chưa khi nào thấy mưa lớn như vậy. Tình hình vẫn đang rất khó khăn. Lương thực thì còn nhưng thực phẩm đã hết. Ngay tại trung tâm huyện, cả trứng, muối cũng đã hết, chẳng có gì để bán”.

Ông Kích cho biết nhiều nơi ở huyện không có điện. Trạm xăng nếu có điện cũng không hoạt động được vì đã bị sập. Điện thoại về các xã cũng đã bị đứt nên mất liên lạc. Các tổ công tác chỉ biết giẫm chân tại huyện bởi không đi đâu được.

Tất cả vẫn trông chờ vào nước sông Trường nối với vùng thấp rút xuống, lúc đó, xe từ  Bắc Trà My mới đưa hàng lên được.

Tin mới nhất mà huyện nắm được, là em Hồ Văn Tin, người Xê Đăng, trú nóc Long Túc, thôn 5, xã Trà Nam, đi học về bị nước lũ cuốn trôi. Có 3 người ở Trà Vân , đi làm rẫy mấy ngày rồi không thấy về. 

Quảng Ngãi: 1 người chết vì sạt núi, thêm 1 người bị lũ cuốn

Trưa 27/11, tại địa phận Suối Nước Nâu, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng đã xảy ra một vụ sạt lở núi nghiêm trọng vùi lấp 3 giáo viên. Nạn nhân là vợ chồng anh Trần Hoàng Nhũ (30 tuổi) - chị Huỳnh Thị Kim Yến (29 tuổi), và cô Lê Na, 23 tuổi, đều là giáo viên trường tiểu học Trà Lãnh, huyện Tây Trà, quê ở huyện Trà Bồng.

Một khối đất lớn đổ xuống vùi lấp cả 3 người. May mà có 5 công nhân đang sửa chữa tuyến đường gần đó đã kịp thời đào bới đưa anh và chị Na đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Riêng chị Yến, đến 15 giờ chiều vẫn chưa tìm thấy xác.

Hiện 63 hộ dân tộc Cor (trên 380 nhân khẩu) ở làng Cheng, thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm, Trà Bồng, đang phải co ro chịu mưa lạnh trong những túp lều tạm bên tỉnh lộ 662B. Bà con phải sơ tán vì sợ núi Cà Bót đổ sập xuống bất cứ lúc nào.

Huyện đã cấp 3 tấn gạo (mỗi nhân khẩu được 10kg) và một số mì tôm, dầu thắp sáng, muối ăn... Nơi ở tạm bợ này quá nhếch nhác đang có nguy cơ dịch bệnh.

Bình Định : Hơn 10.000 nhà dân ngập trong lũ

Hiện nhiều xã khu đông huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn tiếp tục bị lũ cô lập, gần 5.000 hộ dân với 17.402 người dân ở vùng ngập lụt đang gặp khó khăn về lương thực, nước uống cần được cứu trợ khẩn cấp.

Phải mất nhiều giờ đồng hồ, vượt 3 lần đò chúng tôi mới tiếp cận được thôn Xuân Phương (xã Phước Sơn, Tuy Phước), một trong những địa phương đang bị lũ cô lập nặng.

Tính đến 16 giờ ngày 27/11, Bình Định đã có 8 người chết do lũ cuốn trôi, 6 người bị thương, 189 ngôi nhà bị sập hoàn toàn và 10.187 ngôi nhà ngập trong nước. Tỉnh và các huyện đã di dời khẩn cấp 523 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Sân bay Cam Ranh: Thời tiết xấu, 12 chuyến bay bị hủy

Ông Lương Văn Thảnh, GĐ Cảng hàng không Cam Ranh cho biết, do thời tiết xấu nên trong ngày 27/11, chỉ có hai chuyến bay của Vietnam Airlines từ Hà Nội vào sân bay Cam Ranh lúc 7 giờ 45 và từ sân bay Cam Ranh trở ra Hà Nội lúc 8 giờ 30 được thực hiện.

12/14 chuyến bay đến và đi từ sân bay Cam Ranh của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific Airlines đã bị huỷ, bao gồm 2 đôi chuyến của tuyến Nội Bài - Cam Ranh - Nội Bài, 2 đôi chuyến của tuyến Tân Sơn Nhất - Cam Ranh - Tân Sơn Nhất, 4 chuyến của tuyến Tân Sơn Nhất - Cam Ranh - Đà Nẵng và ngược lại.    

Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã chuyển 500 thùng mì tôm cứu trợ cho người dân các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, Vân Canh...; đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ 2 triệu đồng cho các hộ gia đình có người bị chết và các hộ có nhà bị sập.

Phú Yên: Thêm 2 tàu cá bị chìm

6 giờ sáng ngày 27/11, tại vùng biển bãi Ôm (thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương, Sông Cầu), tàu cá PY 6189 TS do ông Trịnh Văn May (1967, trú ở Xuân Thọ 1, huyện Sông Cầu) làm thuyền trưởng, với 3 lao động đang hành nghề giã cào, thì bị sóng to gió lớn đánh chìm.

May mắn các lao động đã được tàu PY 8210 TS của ông Nguyễn Ngọc Hùng cứu vớt.

Thừa Thiên - Huế: Sơ tán khẩn cấp nhiều hộ dân

Từ đêm 26 và ngày 27/11, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới kết hợp triều cường, vùng bờ biển Thuận An (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) liên tục có sóng lớn dâng cao gây xâm thực dữ dội tại thôn Hải Tiến. Đến chiều 27/11, nước biển đã lấn sâu vào bờ từ 6 - 10m, dài hơn 300m, xô ngã và cuốn ra biển nhiều đụn cát cao từ 2 - 10m.

Ban Chỉ huy PCBL huyện Phú Vang phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động 120 chiến sĩ và gần 1.000 người dân dùng 7.600 bao cát, 226 rọ đá, 2.000m vải bạt... hàn khẩu chỗ sạt lở, dựng kè chắn sóng bảo vệ bờ biển.

Khu vực bị biển xâm thực hiện có 31 hộ dân với 130 nhân khẩu sinh sống. Trong đó, gần 20 ngôi nhà dân chỉ còn cách mép nước biển xâm thực vài chục mét.

Đến chiều tối 27/11, tình trạng xâm thực cơ bản được khống chế, nhưng chính quyền địa phương vẫn di dời khẩn cấp 9 hộ dân (37 khẩu) nằm trong vùng nguy hiểm tới nơi an toàn.

Ban Chỉ huy PCLB huyện tiếp tục cử người trực theo dõi tình hình xâm thực 24/24 giờ để có những ứng phó, di dời dân kịp thời trong tình huống nguy cấp.

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.