> Hà Nội ngổn ngang sau mưa bão
Chuyện thật như bịa: Tòa nhà Kengnam cao nhất Việt Nam bỗng chốc biến thành đảo, người dân chăng lưới bắt cá; dịch vụ dùng bồn tắm đẩy người từ nhà ra ngõ với giá 5.000-10.000 đồng/lượt...
Chưa hết, trong hai trận mưa dông chiều và đêm 17-8, Hà Nội đã mất gần 200 cây cổ thụ do gẫy đổ, bật gốc, một tài xế taxi Mai Linh đã tử vong tại chỗ do cây đổ đè trúng xe trên phố Lò Đúc.
Đại diện Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết, đây là con số kỷ lục bởi trong trận mưa lụt kinh hoàng năm 2008 cũng chỉ có 88 cây xanh bị đổ.
Nhiều người dân cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng này là do lòng đường, hè phố mấy năm gần đây đã bị đào xới liên tục, hết cáp điện ngầm lại đến cáp truyền hình, cấp thoát nước khiến nhiều rễ cây bị chặt đứt.
Lần đầu tiên, sau cơn mưa, đường phố thủ đô bỗng xuất hiện “hố tử thần” khủng rộng tới ba chục mét, sâu hun hút ngót chục mét, khiến con đường Lê Văn Lương kéo dài vừa khánh thành năm 2010 - công trình trọng điểm chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội - bị chặt làm đôi.
May mắn không xảy ra tai nạn vì “hố tử thần” xuất hiện vào thời điểm sáng sớm, muộn chút nữa rất có thể hàng chục ô tô lẫn xe máy đã nằm gọn dưới lòng hố đen ngòm kia? “Hố tử thần” cũng từng xuất hiện tại TPHCM như nấm sau mưa.
Mới đây theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, người dân thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng đang hoang mang về tình trạng xuất hiện hàng loạt “hố tử thần” dọc các con đường tại khu trung tâm thành phố, điều mà kiến trúc sư người Đức Alexander Glaser cho rằng do việc rút ruột các công trình đường ống ngầm gây ra. Hy vọng “hố tử thần” tại Hà Nội có nguyên nhân khác.
Xem ra căn bệnh “hễ mưa là ngập” ở thủ đô mỗi ngày một thêm nặng, bất chấp hàng trăm triệu USD đã đổ ra cho các dự án thoát nước của Hà Nội kể từ năm 1996 tới nay.
Điều lạ là, những khu phố, biệt thự do người Pháp xây từ thế kỷ nay vẫn khô ráo, nhưng hầu hết các khu đô thị mới lại bị ngập nặng nhất.
Nhiều chuyên gia phân tích, nếu ta vẫn xây đô thị theo kiểu thiếu quy hoạch tổng thể, xây công trình trước, thoát nước theo sau như hiện nay thì ngập vẫn hoàn ngập, tiền mất mà tật vẫn mang.
Hà Nội vốn là “làng trong phố”, rất nhiều khu dân cư trong nội thành vốn là làng quê với đầy rẫy hồ ao và cánh đồng, nay lần lượt bị bê tông hóa một cách hầu như tự phát.
Chừng nào quy hoạch, thiết kế thoát nước của Hà Nội còn đuổi theo tốc độ đô thị hóa chóng mặt như hiện nay, chừng đó Hà Nội còn ngập mỗi khi trời mưa.