'Mùa hè xanh' chuyển giao

TP - Sinh viên tình nguyện của ÐH Ðà Lạt đã đổi mới cách làm, chú trọng chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật để giúp đồng bào K’Ho vùng sâu vùng xa làm xanh lại những vườn cây trái còi cọc, vàng vọt…
Sinh viên ÐH Ðà Lạt chuyển giao công nghệ ủ phân từ vỏ cà phê cho đồng bào K’Ho. ẢNh: K.A.

Từng đến tình nguyện ở các buôn làng K’Ho xa xôi vào những mùa hè trước nên chàng sinh viên khoa Sinh học Huỳnh Hữu Duy hiểu rõ nguyên nhân khiến nhiều hộ người K’Ho mãi nghèo khó. Mùa hè năm nay, với “vốn” lận lưng là đề tài “Công nghệ ủ phân từ vỏ cà phê và phế phụ phẩm nông nghiệp” vừa được nghiệm thu, chủ nhiệm đề tài Huỳnh Hữu Duy cùng một số sinh viên đã tình nguyện đến thôn Preteing 2 (xã Phú Sơn, Lâm Hà, Lâm Ðồng) để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.

Suốt 20 ngày qua, trời liên tục đổ mưa. Mặc dù thời tiết bất lợi nhưng tổ sinh viên tình nguyện do Duy phụ trách vẫn lội bùn đến từng nhà để hướng dẫn người dân kỹ thuật phối trộn, ủ phân, đo nồng độ, kiểm tra chất lượng... “Quy trình ủ phân không khó, bà con chỉ cần trộn lẫn vỏ cà phê và chế phẩm sinh học theo một tỉ lệ thích hợp rồi ủ khoảng 2 - 3 tháng cho hỗn hợp này phân hủy. Ðến khi phân đạt nồng độ và chất lượng thì mang ra vườn bón cho cây cà phê như một dạng phân hữu cơ, vừa rẻ tiền, tốt cho cây mà lại thân thiện với môi trường”, Duy chia sẻ.

Là chủ vườn cà phê rộng 6.000m2, chị K’Dung rất hào hứng với cách tự làm phân bón này. Chị bảo lâu nay toàn bán rẻ vỏ cà phê cho thương lái trong khi phải mua phân hóa học về bón cho cây, tốn hàng chục triệu đồng mỗi mùa. “Bây giờ, được sinh viên bày cho cách ủ phân, mình mới biết có thể tận dụng vỏ cà phê làm phân bón, vừa tiết kiệm vừa dễ thực hiện. Chồng đi làm xa, còn con trai mới bị gãy chân, nếu không có các bạn sinh viên đến giúp đỡ thì mình không biết xoay xở thế nào”, chị K’Dung nói.

Một đội sinh viên tình nguyện khác triển khai mô hình “Chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, chống sâu bệnh trong canh tác cây cà phê” cho nông dân thôn 5 (xã Phi Tô, Lâm Hà). Các sinh viên đã lấy mẫu đất, gửi đi xét nghiệm xem thừa và thiếu những chất gì để hướng dẫn các hộ dân bón loại phân thích hợp. Sau đó hướng dẫn bà con bón phân theo tán cây: cào nhẹ lớp đất trên bề mặt hai bên gốc đối xứng với tán cây, nơi có những bộ rễ tơ để cây dễ hấp thụ dinh dưỡng, sau đó lấp đất lại cho phân đỡ bị trôi hoặc bốc hơi. Các sinh viên còn hướng dẫn bà con cách chọn cây giống tốt; tỉa cành, dọn vệ sinh vườn cho thông thoáng để ngăn ngừa dịch bệnh.

Anh Phan Tuấn Anh, Bí thư Ðoàn trường ÐH Ðà Lạt cho biết, “Mùa hè xanh” năm nay Ðoàn trường muốn thay đổi phương thức hoạt động bằng cách khai thác thế mạnh về kiến thức của sinh viên. “Chúng tôi khuyến khích sinh viên chuyển giao những kỹ thuật tiên tiến cho nông dân mà các bạn tích lũy được qua học tập. Làm sao để khi chiến dịch kết thúc, những công trình mà các bạn mang đến buôn làng vẫn phát huy tác dụng và được nhân rộng, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân”, anh Tuấn Anh nói.