Mưa về, chạy diều trước chạy thóc sau

Mùa gió, về làng diều

Mùa gió, về làng diều
TP - Trời đang oi bức mà bỗng có gió là ối đàn bà con gái sợ vì chồng sẽ bắt đi thả diều. Những chuyện đang diễn ra ở làng diều Song Vân, huyện Tân Yên, Bắc Giang.

Những người mê chơi diều ở đây chỉ mong có gió về để thả. Nỗi ngóng gió đã ngấm sâu vào từng tế bào, từng bữa ăn giấc ngủ của người chơi diều ở Song Vân. Khi gió đồng đã reo, không ít người bỏ việc nhà để thả diều.

Vì thế, nhiều người phụ nữ ở đây không thích diều, thậm chí ghen với diều vì chồng mê mẩn nó quá. Trời đang oi bức, nóng nực mà bỗng có gió là ối đàn bà con gái sợ.

Tuy nhiên, không phải cứ thấy gió là thả được diều. Giống như cư dân sông nước biết nhìn dòng chảy, họ rất nhạy trong việc nghe gió. Gió quẩn, đổi hướng liên tục thì không thả diều được.

Nhưng dù ở dưới ngọn cây không lay động nhưng người chơi diều vẫn biết, có gió ở trên cao.

Ở Song Vân, ông Ngô Văn Bội - Chủ nhiệm CLB diều xã Song Vân được coi là một trong những tay chơi diều hạng nhất. Năm nay, ông Bội đã ngoài sáu mươi nhưng niềm đam mê diều vẫn còn hừng hực như người đang yêu.

Ông cũng là người sản xuất diều nên có tình huống đang phơi cung diều, sáo diều mà trời đổ mưa thì phải chạy diều trước, chạy thóc sau. Thóc có thể ướt chứ diều thì không - Ông Bội bảo vậy.

Ông chơi diều từ lúc còn là trẻ trâu tí tẹo, mua diều te te - loại diều nhỏ nhất về để chơi và nghiên cứu làm sao để diều bay cao và đứng trên trời lâu nhất.

Bây giờ, khi tóc điểm sương, ông có thể làm chủ được nguyên lý của diều, tìm ra những căn nguyên của bệnh chập lèo, hay làm diều bị đổ cả khi lên cao, từ đó, làm ra những chiếc diều đỗ được cả khi trời đang mưa, thậm chí có bão.

Ngoài chuyện phải nhẹ, phải cân đối thì cung trên phải to hơn cung dưới, như ông Bội bật mí. Để làm diều, ông Bội chọn những cây tre có mười năm tuổi và phơi liền ba tháng cho thật kiệt nước.

Thế nên, diều của ông dù rộng tới 4,18m lại kèm theo một ống sáo to bằng bọng chân, thì cũng chỉ nặng khoảng một cân mà vẫn có thể kéo được cả một cuộn dây bằng tre dài hai nghìn mét, nặng khoảng… mười cân!

Ở Song Vân, người ta chỉ chơi một loại diều sáo. Để phân biệt diều to nhỏ, người chơi diều ở Song Vân chỉ cần nghe tiếng sáo là biết.

Diều nhỏ nhất còn gọi là re re vì sáo kêu re re, lớn hơn một chút là diều ro ro, vô vô, vu vu, đu đu… loại to là diều sáo đi đi, khủng hơn là diều đì đì.

Vợ ông Bội, bà Mai, rất hiểu và tôn trọng niềm đam mê của chồng, nhưng nhiều khi khốn khổ. Mê mẩn đến bỏ việc nhà khi có gió để chơi thì đã đành, đằng này lại còn bắt vợ cầm dây cho mình thả diều. Nhiều khi cơm sôi tắt lửa, lợn kêu, con khóc cũng vẫn phải đi cầm dây diều.

“Có hôm ba giờ sáng, ông ấy nghe thấy gió mùa đông bắc về là lật chăn bắt vợ cùng đi thả diều” - Bà Mai tâm sự.

Nghe vợ nói, ông Bội còn tự chỉ trích mình bằng câu ai đó từng nói đổng đến ông: “Chó dại có mùa, người dở quanh năm” rồi cười khà khà.

Vì sao lại phải bắt vợ đi thả diều, ông Bội trả lời rằng, diều to quá nên một người thả không nổi, mà phải cần tới hai, ba người. Có người thả diều một mình, bị diều kéo cho chạy qua ba mặt ruộng.

Thực ra, ít nhiều bà Mai cũng mê diều vì bị ngấm niềm đam mê từ chồng. Hơn nữa, ngoài chuyện chơi diều và làm diều cho mấy đứa trẻ trong xóm, mỗi năm, ông Ngô Văn Bội sản xuất và bán hàng trăm con diều, ống sáo cho những người chơi trong xã, huyện.

Ống sáo nhỏ cũng bán được vài chục nghìn, to nhất bán hai trăm nghìn… Một năm số tiền ông Bội thu về từ diều có thể được hơn ba mươi triệu đồng.

Mùa gió, về làng diều ảnh 1

Ông Bội với ống sáo loại đì đì. Ảnh: Đỗ Sơn.

Diều lên mỏi cổ, diều đổ mỏi chân

Khi nghe chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu thú chơi diều, ông Giáp Văn Tín, Chủ tịch UBND xã Song Vân, cười tươi như thể được gãi đúng chỗ ngứa, như thể động vào niềm đam mê của ông.

Hóa ra, làm diều chơi diều sáo lại lắm công phu đến thế. Ngày xưa, để làm một con diều rộng mười thước (bốn mét), chủ diều thường phải thịt lợn, thịt chó mời anh em cùng chơi diều đến nhà để giúp. Kẻ chẻ tre vớt cung diều, làm dây diều; người lấy nhựa cây sán thuyền, cây bùa bụa hoặc quả hồng xanh giã nhỏ quét lên giấy dó nhằm bảo vệ cho diều khỏi rách. Để có một sợi dây diều đủ tầm, người ta phải chặt sáu, bảy cây tre.

Sáo diều làm bằng ống nứa, bương hoặc cây mai tước mỏng phần cật dùng gỗ mít khoét miệng sáo, lấy nhựa thông gắn vào tầm sáo. Tuỳ theo kích thước to nhỏ của diều mà gắn sáo cho phù hợp. Những diều khủng, rộng hơn bốn mét, sẽ gắn những ống sáo to gần bằng cái phích, dài hơn tám chục phân. 

Dân ở đây ai cũng thuộc câu: “Diều lên mỏi cổ, diều đổ mỏi chân”. Cái khổ của người chơi diều là khi diều lên thì mỏi cổ vì ngắm. Diều đổ hay còn gọi là ngã thì mỏi chân đi tìm diều, thu dây. Khổ là thế, nhưng nhiều người vẫn rừng rực niềm đam mê diều.

Ông Giáp Văn Tín cho biết, số diều trong xã lên tới hàng trăm chiếc. Hàng năm, thường vào dịp ngày rằm tháng Giêng sẽ tổ chức thi diều.

Cuộc thi này không trao giải, không tách bạch thắng thua nhưng người chơi vẫn biết và bái phục chủ nhân của diều nào to nhất, sáo hay nhất và đặc biệt là đỗ lâu nhất. Có con diều đứng ở trên trời ròng rã năm ngày năm đêm.   

Người chơi diều ở Song Vân không chỉ chơi diều vào mùa hè mà còn rất thích gió đông vì sự ổn định hướng gió và cũng là lúc nông nhàn. Đa số người chơi đều thừa nhận, chơi diều mất thời gian, công sức và dễ gặp rắc rối khi diều mắc vào dây điện.

Tuy nhiên, người ta cũng nói vui rằng, diều có chức năng chống trộm, vì người chơi có thể thức cả đêm. Họ nằm nhà nghe tiếng sáo là nhận ra diều của mình, không có sáo là biết diều đã ngã phải dậy thu về. Thế nên, khi thấy tiếng sáo diều là trộm tránh xa vì biết người thả diều vẫn thức.

MỚI - NÓNG