Lý giải về hiện tượng này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết do đề thi năm nay lần đầu tiên thi theo hình thức mới là trắc nghiệm khách quan chuẩn hóa, khác hoàn toàn với đề thi trắc nghiệm và đề thi tự luận những năm vừa qua. Phổ kiến thức được thể hiện trong đề thi được trải rộng toàn bộ chương trình. Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Ga, nhiều điểm 10 không có gì lạ đối với đề thi trắc nghiệm khách quan được chuẩn hóa.
Thêm vào đó, cũng phải thừa nhận năm nay kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức thuận tiện hơn cho thí sinh. Thí sinh không phải di chuyển, học ở đâu thi ở đó. Đi thi như đi học nên tâm lý thoải mái hơn, bình tĩnh hơn nên cũng có tác động đáng kể đến kết quả bài thi.
Tuy nhiên, với việc hàng nghìn điểm 10, có thể thấy mới chỉ đạt được mục tiêu xét tốt nghiệp. Còn mục tiêu phân hóa để tuyển sinh ĐH có vẻ khó thuyết phục dư luận. Ngay cả các trường ĐH top trên cũng đang tỏ ra bối rối vì quá nhiều điểm cao. Số bài thi đạt điểm 10 đã nhiều, nhưng số bài thi đạt điểm 8, điểm 9 còn nhiều hơn rất nhiều lần.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay tiêu chí phụ sẽ chiếm vị trí quan trọng trong xét tuyển đối với các trường ĐH top trên. Cùng mức điểm, nhưng sẽ có thí sinh đỗ và thí sinh trượt. Sẽ có người cười, có kẻ khóc dù bằng điểm nhau.
Có thể nhận thấy rằng, vì năm nay là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức thi trắc nghiệm tất cả các môn thi, thi hai bài thi tổ hợp, nên đề thi ra ở mức “an toàn” cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng với việc xuất hiện hàng nghìn điểm 10 như năm nay, liệu yêu cầu phân hóa của đề thi có đạt, việc tuyển sinh của các trường ĐH có gặp khó? Câu trả lời chính xác nhất có lẽ sẽ phải chờ vào phổ điểm mà Bộ GD&ĐT công bố trong nay mai.