Mùa dị ứng mỹ phẩm

Mùa dị ứng mỹ phẩm
TP - Mùa đông với thời tiết hanh khô là thời điểm các loại mỹ phẩm dưỡng, làm ẩm da lên ngôi. Tuy nhiên, việc sử dụng tràn lan mỹ phẩm không nguồn gốc, không phù hợp với làn da khiến không ít người phải nhập viện do dị ứng.
Mùa dị ứng mỹ phẩm ảnh 1
BS Nguyễn Thành và những loại mỹ phẩm gây dị ứng da do bệnh nhân mang đến

Tại Viện Da liễu quốc gia, số người dị ứng mỹ phẩm đến khám trong những ngày thời tiết trở lạnh vừa qua khá nhiều. Bác sỹ Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh, cho biết, đa phần các ca dị ứng phải nhập viện đều từng dùng các loại mỹ phẩm không nguồn gốc.

Trong số những hộp kem trang điểm, làm trắng, dưỡng da do bệnh nhân mang đến, hầu hết đều bằng tiếng Trung Quốc, không có hướng dẫn phụ tiếng Việt.

Ngoài ra, có cả các loại kem tự chế theo công thức truyền miệng như trộn vitamin E, Trangala, kem sâm Trung Quốc… thành một hỗn hợp.

Thậm chí, có cả kem dưỡng trắng da gia truyền Bảo Lâm từng được nhiều chị em ưa chuộng vì hiệu quả là trắng rất nhanh, v.v…

Không biết mỹ phẩm, không biết... da mình

Hiện tượng dị ứng phổ biến là nổi mày đay tại vị trí bôi mỹ phẩm, da phù nề, mẩn đỏ, có mụn nước. Một số ca nặng hơn có hiện tượng dị ứng lan sang nhiều vùng da khác trên cơ thể, chảy nước… Một số trường hợp khác xuất hiện hiện tượng phồng rộp trên da như bị bỏng.

Theo TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Bỏng Quốc gia, dị ứng mỹ phẩm do dùng những loại không phù hợp, dùng kéo dài… có thể làm da bị tổn thương nặng. Một thói quen đáng lo ngại hiện nay là nhiều chị em dùng mỹ phẩm thụ động theo quảng cáo.

Thấy sản phẩm được quảng cáo nhiều, nhiều người dùng là mua, bất chấp nó có thích ứng với làn da của mình hay không. Nhiều người bỏ tiền ra mua loại mỹ phẩm đắt tiền và cho rằng đắt thì đảm bảo.

Chính vì vậy, khi thấy một vài dấu hiệu bất thường như đôi chút mẩn ngứa, khó chịu… thì cho là do da chưa kịp thích ứng, cộng với tâm lý tiếc của, nên tiếp tục dùng. Hậu quả tất yếu là da bị tổn thương nặng hơn, việc chữa trị kéo dài hơn.

Không hiếm trường hợp do không điều trị kịp thời đã dẫn đến dị ứng toàn thân hoặc để lại di chứng vết chàm da gây mất thẩm mỹ. Bác sỹ Nguyễn Thành, khẳng định, về bản chất, dị ứng mỹ phẩm hoàn toàn không liên quan tới thời tiết, môi trường.

Tuy nhiên, do đặc tính khô hanh của mùa đông nên số người sử dụng các loại kem làm ẩm, dưỡng da… tăng cao. Kéo theo đó là số người dùng các loại mỹ phẩm không nguồn gốc, không phù hợp cũng gia tăng, dẫn đến nhiều hậu quả xấu.

Trong năm qua, Viện Da liễu quốc gia tiếp nhận và điều trị cho khoảng hơn 200 ca dị ứng mỹ phẩm hầu hết đều tập trung vào thời điểm lập đông.

Nam giới không thoát dị ứng

Theo BS Thành, để tránh dị ứng mỹ phẩm, chỉ nên sử dụng các loại có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo. Trước khi dùng, nên thử bằng cách bôi một chút vào vùng da mỏng như da trong cánh tay, cổ tay, để trong vài giờ đến một ngày, nếu không có dấu hiệu dị ứng mới dùng tiếp.

Đặc biệt, người có cơ địa dị ứng, sẩn ngứa, mày đay, bị hen phế quản... càng nên thận trọng khi dùng mỹ phẩm. Nếu có dấu hiệu dị ứng, nhất thiết phải ngừng sử dụng mỹ phẩm ngay.

Tốt nhất, nên tới bác sỹ da liễu để thăm khám và điều trị bằng các loại thuốc thích hợp. Việc điều trị muộn sẽ làm tình trạng dị ứng nặng nề hơn, khó chữa hơn và để lại dấu vết trên da, gây mất thẩm mỹ.

Do tóc bạc sớm, đặc tính công việc lại thường xuyên phải gặp gỡ đối tác, anh N.K ở Hà Đông chọn giải pháp nhuộm tóc. Lần nào nhuộm xong anh cũng cảm thấy da đầu hơi ngưa ngứa nhưng thường bỏ qua vì cơn khó chịu chỉ một lúc là hết.

Song, lần gần đây, sau khi nhuộm đen tóc, cảm giác ngứa ngáy kéo dài không dứt. Sau một ngày, da đầu anh nổi mẩn đỏ và chảy nước. Anh N.K buộc phải tới Viện Da liễu quốc gia để điều trị.

Tại đây, anh được khuyên ngừng nhuộm tóc trong bất kỳ trường hợp nào kèm với uống thuốc điều trị. Theo bác sỹ da liễu, việc tái phát là chắc chắn nếu anh nhuộm tóc trở lại do anh N.K có cơ địa dị ứng.

Ngày càng nhiều nam giới ưa làm đẹp với các sản phẩm chủ yếu là nước hoa, dầu gội, thuốc nhuộm tóc. Trong đó, thuốc nhuộm tóc là nguyên nhân phổ biến gây dị ứng.

Theo bác sỹ Nguyễn Thành, đa số bệnh nhân là nam giới có hiểu biết rất hạn chế về mỹ phẩm. Họ thường tìm đến các cửa hàng gội đầu, massage và phó mặc việc lựa chọn hoá mỹ phẩm cho nhân viên cửa hàng.

Dị ứng sản phẩm nhuộm tóc tương đối phức tạp hơn các mỹ phẩm khác, vì hoá chất ngấm sâu vào chân tóc, không thể làm sạch nhanh chóng và vẫn có thể gây kích ứng trên da do các lần gội đầu sau đó.

Một số chuyên gia đưa ra lời khuyên nên dùng sản phẩm nhuộm cách chân tóc từ 1cm trở lên. Song rất nhiều người nhuộm tóc bạc phải thường xuyên “chấm chân” để che phần chân tóc trắng, làm cho tình trạng dị ứng càng kéo dài nặng nề hơn.

Khảo sát một số cửa hiệu làm tóc, đa số người đi nhuộm tóc chỉ quan tâm tới hiệu quả tạo màu, mà xem nhẹ chất lượng, thành phần, nguồn gốc... của thuốc nhuộm.

Trong khi đó, nếu không may bị dị ứng, bệnh nhân vừa phải điều trị phức tạp hơn các dị ứng mỹ phẩm khác, vừa có thể phải cạo tóc để bôi thuốc - gây ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ gương mặt.

MỚI - NÓNG