Mưa đèo Cả

Mưa đèo Cả
TP - Hôm nọ, ngày kỷ niệm tròn trặn 400 năm kể từ năm 1611 ra đời danh xưng Phú Yên, tôi lần tìm về chốn mà các thi sĩ Tản Đà, Hữu Loan từng đặt chân và tạc các dấu ấn thi ca. Đó là vùng đèo Cả, Vũng Rô mà thời xưa có cái tên Ơ Rô.

Bác Tản Đà buông có mỗi một câu “Đa tình con mắt Phú Yên” trong bài thơ “Thú ăn chơi” thuộc hàng đệ nhất ăn chơi của bác khiến ngót trăm năm nay, người xứ nẫu vẫn còn nức nở. “Giời sinh ra bác Tản Đà/Quê hương thời có, cửa nhà thời không”. Một đẫy một gậy, thế là vào cuộc rong chơi suốt nước non ba miền, cái thời chuyện đi lại xuyên Việt còn gian nan như vào đất Thục. Nhất là cái vùng túi gió Tuy Hòa, sâu cao hơn nữa là Vũng Rô, là đèo Cả, là ngọn Đá Bia phía nam trập trùng đá với đá ở chốn một thời biên viễn Phú Yên.

Tản Đà từng đến đây, đâu như vào khoảng những năm đầu 1930. Giai đoạn bần hàn kham khó nhất của thi sĩ. Có người bảo những cuộc đi kiểu ấy ngoài thú giang hồ xê dịch, còn là một kiểu “trốn nợ” của tác giả Khối tình con khi An Nam tạp chí do ông làm chủ đang sa sút, nợ nần.

Nghe kể trong hang đá ở Bãi Hang có khắc 4 câu thơ của thi sĩ tới từ phương xa khi thù tạc với văn nhân địa phương. Nước chảy đá mòn, giờ những câu thơ ấy đã theo mây bay gió thổi ngoài kia. Bên cạnh không xa, Bãi Ngà, tương truyền một hôm những vị tiên hạ giáng xuống đánh ván cờ thiên cổ cùng những câu thơ có thể đọc xuôi ngược: “Kỳ cục đả thanh phong giáp trận/Tửu hồ khuynh bạch tuyết hòa bôi” (Bôi hòa tuyết bạch nghiêng hồ rượu - Trận giáp phong thanh đánh cuộc cờ”.

Vậy nên, giữa chốn phong thủy hữu tình, với bầu rượu chắt ra từ nước suối Đá Bia và phong nhiêu ngồn ngộn các món đưa cay là những cua những ốc những hàu tươi rói xứ này, thì thơ đề gì dù không còn ai biết, nhưng rốt lại cũng không ngoài “nòi chơi, nòi tình”. Kiểu như “Chơi cho biết mặt sơn hà/Cho sơn hà biết ai là mặt chơi/Trăm năm thơ túi rượu vò/Nghìn năm thi sĩ tửu đề là ai”.

…Đèo Cả đang mưa. Mưa quất chéo mặt. Dù chưa một lần trong đời có cơ may được diện kiến thi sĩ Hữu Loan, nhưng nom qua hình ảnh, tôi thấy ông có đôi mắt thật đa tình. Cả vóc vạc thần thái cũng toát lên cái Tình thật lớn. Cái tình phóng khoáng, cái tình kiên trinh của một thi nhân, một kẻ sĩ thượng thừa về tài năng đức độ.

Tôi cho rằng Hữu Loan là người quân tử chói sáng nhất trong giới văn nhân đương thời. Vượt mưa tìm về đèo Cả lần này, tôi chỉ để thắp một nén tâm hương bái vọng ông. “Đèo Cả !/ Đèo Cả ! /Núi cao ngút/Mây trời Ai Lao/Sầu đại dương/… Những người trấn Đèo Cả/Về bên suối đánh cờ/Người hái cam rừng/ ăn nheo mắt/Người vá áo/ thiếu kim, mài sắt/ Người đập mảnh chai/vểnh cằm/cạo râu/Suối mang bóng người/soi/những/về đâu?”.

Với bài thơ Đèo Cả từ những năm đầu kháng chiến, Hữu Loan đã kéo dài thêm tuổi tên ngọn đèo trấn biên này dài và vang xa hút tắp thêm bao trăm năm nữa về phía mai sau.

Còn đương mù mờ về một tiểu quốc Hoa Anh bên chân ngọn đèo cao trên 500 mét này sau năm 1470, khi vua Lê Thánh Tôn thân chinh soái lãnh 26 vạn quân hạ thành Đồ Bàn (Quy Nhơn) thừa thắng tiến đến Vũng Rô – đèo Cả lấy núi Đá Bia làm ranh giới Việt – Chiêm.

Đèo Cả được chạm vào Tuyên đỉnh trong bộ Cửu đỉnh đặt tại Thế Miếu – Hoàng thành Huế từ năm Bính Thân (1836) - danh mục những nơi tôn kính. Bốn năm sau tế lễ ở Đại Lãnh tầm vóc tương đương lễ tế ở Ngự Bình kinh kỳ Huế với lễ vật một trâu, một lợn.

Hồi đầu thế kỷ trước, nhà văn Pháp Roland Dorgelès trong cuốn ký sự Trên đường cái quan (Sur la route mandarine) đã mô tả đèo Cả: “Những hòn đá cao quá bắt ngộp, nghiêng mình mà trầm tư mặc tưởng, những cái thác nhỏ trắng phau, chảy từ cao xuống hố thẳm, những cây suôn đuột lên trời, bốn bên dây lá leo phủ, thật là một cảnh cỏ cây chen đá lá chen hoa…”.

Ngọn núi đá mồ côi hình tháp Chàm
Ngọn núi đá mồ côi hình tháp Chàm Ảnh: Trần Tuấn

Ngang qua vực Đá Đen được coi là khối đá lớn nhất Đông Nam Á, thấy chênh vênh bên vách vực một khối đá rêu phong sướt mướt mang nguyên hình hài một cái tháp Chăm. Chợt nhớ câu ca dao khuyết danh thời kháng chiến Một ở khu Năm: “Trên đèo Cả thấy mả Cao Biền/ Thương anh Vệ quốc giữ yên nước nhà/Thằng Tây nó muốn lấn ra/Thây phơi hầm đá, làm ma không chồng”.

Dân gian Phú Yên tương truyền mả viên tướng người Tàu Cao Biền đâu ở phía huyện Tuy An bên đầm Ô Loan ngoài thành phố Tuy Hòa cơ mà ? Mả Cao Biền, hay cái Linga cô độc bên đường đèo nhắc nhớ về sự lãng quên và sinh tồn sinh sôi sau dằng dặc những binh đao.

Cuộc Nam tiến trong lửa đạn của anh Vệ quốc đoàn Hữu Loan với những trận đánh khốc liệt nơi đèo Cả có khác chi cuộc giang hồ thong dong bình rượu túi thơ của bác Tản Đà? Có chung cái tình, tình người, tình sông núi, tình trong đôi mắt người gái đẹp

Đường lên đỉnh Đá Bia mỗi lúc một mù mịt hơi mưa hơi sương, khói trắng tỏa lan trên từng chóp đá. Những bậc đá, cây cầu xuyên qua đá là của tuổi trẻ Phú Yên góp phần làm nên mới vài năm trước, để lối lên ngọn đỉnh huyền thoại này bớt bao nhiêu gian khó.

“Dặm về heo hút/Đá Bia mù sương/Bên quán Hồng Quân/Người ngựa mỏi” (Đèo Cả - Hữu Loan). Truyền thuyết của người Chăm H’Roi ở Tây Nguyên kể, Đá Bia có tên là Hdươn Ktol, nghĩa là núi Cùi Bắp vì từ xa trông giống chiếc cùi bắp dựng trên đỉnh núi. Một ngày kia, thủ lĩnh bộ tộc ra lệnh cho các chiến binh thử cung tên bằng cách đứng trên ngọn núi Chư Sê đồng loạt giương cung bắn về núi Cùi Bắp.

Ngàn vạn mũi tên đồng loạt xuyên thủng ngọn núi tạo thành một đường hầm chạy ra biển. Còn những nhà hàng hải người Pháp gọi Đá Bia là Ngón tay Chúa vì trông từ biển giống như ngón tay chỉ lên trời cao. Mũi Điện - ngọn hải đăng do sĩ quan hải quân Pháp Varella cho xây dựng hơn 100 năm trước dựa vào hình thế nổi bật của Đá Bia.

Nhớ câu chuyện khi ngồi với ông chủ tịch xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa) Trần Văn Ngãi. Một xã chỉ có mỗi hai thôn là Hảo Sơn và Vũng Rô, rộng bạt ngàn trùng điệp trên sáu ngàn rưỡi hecta sở hữu toàn những núi cùng non đủ chứa hết kho lịch sử bi hùng của đất Trấn Biên. Ông chủ tịch xã bảo muốn đi hết địa bàn xã cũng phải hết hơn một tuần liên tục không nghỉ. Đó mới chỉ là đi đến từng khu vực.

Mười lăm năm trước, lên đèo Cả tôi đã thấy những người ngồi chẻ đá dưới chân đèo. Nay cũng vẫn những gương mặt ấy, có thêm cả con em họ cũng vẫn ngồi đấy, đội mưa kỳ cạch chẻ đá kiếm cơm. Nghèo. Cả xã thu mỗi năm chừng trên 300 triệu đồng. Nhiều người kỳ cùng đành chòm chõm ngồi bóc đá núi mưu sinh. Nhớ Hữu Loan khi xưa cũng còng lưng xẻ đá, thồ đá ở xứ Thanh. Đá và đá. Âm vang câm lặng của những triệu những tỷ năm dội qua làn mưa bay mờ không ngớt.

Đèo Cả nhìn lên Ds Bia Ảnh: lê Minh
Đèo Cả nhìn lên Đá Bia Ảnh: lê Minh.

Ngồi đỉnh đèo uống rượu ngắm mưa. Đèo không lau trắng, sim mua mà lòng cứ phơ phất, cứ tím ngát giữa trùng điệp thời gian. Chủ tịch Ngãi bảo, đất này linh nghiêm, nhưng lạ là hầu như chẳng có chùa chiền, lễ hội gì. Có ngôi Linh Sơn tự ở bên rìa sóng Vũng Rô cũng mới có tuổi đời trên dưới ba chục năm, khởi dựng từ những ngư dân cần lấy nơi cầu cúng gửi gắm niềm tin trước mỗi chuyến ra khơi nhiều giông gió.

Mới như đá, cổ xưa cũng như đá. Mỗi hòn đá, ngọn cỏ, tàng cây nơi linh sơn này đã chứa đầy sự phóng khoáng, mạnh mẽ kiêu bạc của người đất này như cái dáng cúi rạp trên lưng ngựa phóng như bay không ngưng nghỉ suốt bốn trăm năm.

Ngày nay người Chăm vẫn tin rằng dưới chân núi Đá Bia tồn tại một đường hầm rộng và thẳng tắp chạy ra biển. Dự phóng trong truyền thuyết hoang đường nay đang thành sự thực, khi hầm đường bộ xuyên lòng đèo Cả đang khởi động. Khai mở lòng linh sơn cho một dòng thời gian khác…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.