Mùa dâu trên dãy Hoành Sơn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trời vừa tảng sáng, núi rừng vẫn còn chìm trong mây mù giăng kín, từng đoàn người (chủ yếu là phụ nữ) hối hả tiến vào rừng, báo hiệu mùa dâu đã đến trên dãy Hoành Sơn.

Mùa hái “lộc rừng”

“Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một dãy Hoành Sơn, yên thân muôn đời) - câu sấm ấy của Trạng Trình cách nay hơn 500 năm đã đúng với Nguyễn Hoàng khi trốn chạy sự mưu sát của Chúa Trịnh, để dựng nên một triều đại mấy trăm năm phía trong dãy Hoành Sơn. Còn với người dân sống ở đây, nơi một thời là phên dậu này cũng được dãy Hoành Sơn cho “dung thân” hàng ngàn đời nay.

Mùa nào thức ấy, Hoành Sơn luôn hào phóng “chiêu đãi” người đời những thứ đặc sản riêng có của mình. Xưa nay, người dân các xã Quảng Hợp, Quảng Châu, Quảng Kim, Quảng Đông của huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) không quen gọi bốn mùa theo Xuân - Hạ - Thu - Đông, mà họ gọi Dâu - Móc - Sim- Muồng, là các loài quả ngọt mà dãy Hoành Sơn ban tặng theo từng mùa của trời đất.

Hằng năm, khi “mùa Xuân chín”, cũng là lúc mùa dâu chín rộ trên dãy Hoành Sơn. Cái thứ quả không bỏ công trồng trọt, chăm sóc này lại là cứu cánh cho bao phận đời, phận người. Dâu rừng ở dãy Hoành Sơn có vị chua, ngọt, nếu ngâm với đường hoặc mật ong là thứ nước uống giải nhiệt rất tốt cho sức khoẻ, tăng khả năng miễn dịch, chống lão hoá, ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Quả dâu phơi khô, kết hợp với thân, rễ dùng dưới dạng sắc, điều trị vết loét ngoài da hoặc ngộ độc do thạch tín. Chính vì công dụng của nó mà quả dâu ở Hoành Sơn được nhiều người săn lùng, trở thành thứ hàng hoá, mang tiền triệu về cho người đi hái.

Bà Từ Thị Thu Thân, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quảng Kim cho biết: “Hiện nay, trái dâu rừng có giá giao động từ 25-50 nghìn đồng/lon và chỉ cần đưa ra khỏi rừng là có thương lái chờ sẵn, mua ngay tại cửa rừng không phải mất công mang ra chợ bán như trước đây. Vì thế, mặc dù dâu rừng ngày càng khan hiếm, phải đi xa, vào sâu trong rừng mới có nhưng đến mùa dâu chín, vẫn thu hút đông đảo chị em và trẻ nhỏ ở các xã quanh vùng lên dãy Hoành Sơn để “ăn dâu”…".

“Chú đi ăn dâu mà hỏi khi nào đến! Ăn dâu là đi cả ngày. Hiếm có bãi dâu nào đủ nhiều để dừng lại hái một chỗ đâu. Cứ thế đi, vừa đi, vừa hái, khi nào thấy đủ, hoặc xế chiều là về để kịp giao hàng cho thương lái” - chị Phạm Thị Liệu, nhà ở xã Quảng Kim nhìn tôi thất thểu bước theo, vừa cười, vừa nói như trêu chọc, khiến cả nhóm hái dâu của chị cười vang cả góc rừng.

Năm nay 35 tuổi, chị Liệu có mặt trong đội quân “ăn dâu” đã hơn 20 năm, từ lúc còn là học sinh tiểu học. Hình như không có góc rừng nào trên dãy Hoành Sơn này mà chị chưa đặt chân đến. Không có bãi dâu hay gốc dâu nào ở đây mà chị không biết. “Cây dâu có khi mọc thành bãi, nhưng cũng có khi nó mọc xen với những loại cây rừng khác. Đi nhiều, nhớ nhiều, cứ thế đến mùa dâu là cứ tìm những vị trí ấy mà hái dâu thôi”- chị Liệu tâm sự.

Mùa dâu trên dãy Hoành Sơn ảnh 1

Hái dâu rừng cũng đầy sự tinh tế và nhân văn

Nhìn những bàn tay thoăn thoắt trên cành dâu chín mọng mới hiểu nghề hái dâu cũng chứa đầy sự tinh tế và nhân văn. Người hái dâu không bao giờ dùng tay tuốt dâu mà họ dùng ba ngón tay nhón từng quả dâu. Làm như vậy để quả dâu không bị nhàu nát, chảy hết tinh chất làm hỏng quả dâu. Và thêm một điều quan trọng nữa, trên những chùm dâu chín mọng ấy bao giờ cũng có quả xanh, phải thật cẩn thận chừa lại, để lần sau còn hái hoặc người khác bắt gặp, có để “mót”.

Cứu cánh của bao phận người

Chị Liệu thường ngày làm phụ hồ để nuôi sống gia đình vì người chồng luôn đau yếu. Cái nghề vất vả thuộc tóp bậc nhất ấy cũng chỉ đủ cho gia đình chị sống qua ngày. Nhưng cuộc sống đâu chỉ có ăn là đủ, còn bao nhiêu thứ phải cần đến tiền: sách vở, áo quần cho con; rồi ma chay, hiếu hỉ, đau ốm, bệnh tật… Và dãy Hoành Sơn đã hào phóng giúp cho không biết bao nhiêu phận người như chị Liệu.

Trước đây, trên dãy Hoành Sơn, cây dâu rừng rất nhiều, chỉ vào sát bìa rừng là đã nhìn thấy. Nhưng gần đây, nhiều diện tích rừng dưới chân dãy Hoành Sơn người dân khai phá để trồng keo tràm, nên cây dâu rừng cũng ít dần. Bây giờ muốn hái được nhiều dâu rừng, người đi “ăn dâu” phải vào sâu trong rừng, leo lên tận những đỉnh núi cao. Để hái được những trái dâu rừng to, căng mọng, những người đi “ăn dâu” thức dậy trước tiếng gà gáy đầu tiên, rồi vượt bao dặm đường rừng để tiếp cận với rừng dâu sớm nhất.

Chị Phạm Thị Hoa, một người trong nhóm hái dâu của chị Liệu cho biết: Năm nay thời tiết thuận lợi, không có sương muối nên cây dâu rừng rất sai trái, chín đẹp. Một người có kinh nghiệm, mỗi ngày luồn rừng “ăn dâu”, cũng thu được từ 20-30 lon dâu. Trước Tết, dâu rừng bán với giá 50 nghìn đồng/lon, nên mỗi ngày một người đi hái dâu cũng có thu nhập tiền triệu. Hiện tại, giá dâu rừng đã giảm còn khoảng 25-30 nghìn đồng/lon, nhưng đang thời điểm dâu rừng chín rộ nên nhiều người “ăn dâu” vẫn có thu nhập cao nhờ thứ “lộc rừng” này.

Chị Hoa cho biết thêm, người dân 4 xã dưới chân dãy Hoành Sơn này, đặc biệt là chị em phụ nữ và trẻ nhỏ nhờ vào những đặc sản mà núi rừng ban tặng để có đồng vào, đồng ra trang trải cuộc sống. “Hôm nay ngày thường chứ những ngày cuối tuần bọn con nít đi theo hái dâu cũng nhiều lắm. Mỗi ngày có cả nghìn người vào rừng hái dâu. Đông người vậy nhưng ai cũng có thu nhập. Phải qua hết tháng 3 âm lịch mới hết mùa dâu” - chị Hoa tâm sự.

Với ông Nguyễn Ngọc Phương, quê xã Quảng Châu hiện đang sống ở TP Hồ Chí Minh, mùa dâu ở quê nhà là mùa ký ức, in đậm trong tâm trí ông dù đã xa quê hơn 40 năm. “Ngày đó, đến mùa dâu, lũ trẻ chăn trâu như chúng tôi, sáng dắt trâu đi kiểu gì cũng mang theo bọc muối trắng. Những quả dâu rừng chua, ngọt trộn với muối có cái vị khó tả nhưng lại in đậm trong ký ức. Cuối ngày về, mỗi đứa đều mang theo một bọc dâu đưa cho mẹ để sáng mai ra chợ bán. Nay sống ở chốn thị thành, nhưng chỉ cần bắt gặp đâu đó hình ảnh quả dâu rừng, là tôi lại nhớ quay quắt về những mùa dâu ở quê nhà thời thơ trẻ. Năm nào cũng vậy, tôi lại nhờ người thân ở quê mua dâu gửi vào, vừa vơi nỗi nhớ quê, nhưng cũng là cách để con cháu biết về một mùa dâu đã nuôi sống người quê ngàn đời nay” - ông Phương tâm sự.

Cầm xấp tiền từ thương lái ngay bìa rừng sau một ngày luồn rừng ăn dâu, tôi thấy phảng phất nụ cười trong ánh mắt của những người phụ nữ nơi đây. Họ, mỗi người một thân phận, trải trăm sương nghìn gió vì cuộc mưu sinh.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.