“Tàu tui vừa trúng chuyến biển xuyên 2 năm nên giờ nghỉ ngơi, qua rằm tháng Giêng mới gọi bạn. Để anh em hưởng thành quả với vợ con, gia đình đã. Họ không có mặt ở nhà trong đêm giao thừa rồi” - thuyền trưởng Hồ Văn Trường (tàu ĐNa 90082, phường Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng) tâm sự.
Lộc đêm giao thừa
Thuyền trưởng Lê Văn Sang kỳ vọng rất nhiều vào mùa cá mới ở Hoàng Sa
Tàu cập âu thuyền Thọ Quang sáng mùng 2 Tết, thuyền trưởng Trường cùng 12 lao động lập tức giao hẳn thành quả 8 tạ cá thu cùng 2 tấn cá ngừ và các loại hải sản khác cho chủ nậu. “Mẻ cá này chủ nậu mua đứt, không kỳ kèo thêm bớt, không tính toán gì cả. Họ bốc cá chưa đầy 1 tiếng đồng hồ. Cá tươi, nhiều con còn giãy đành đạch. Sướng!” - Trường xoa tay, cười hỉ hả.
Năm 2013 được xem là một năm đầy thất bát của gia đình Hồ Văn Trường cùng anh trai Hồ Văn Tình và người em Hồ Văn Mai. Cùng với Trương Văn Hai, Lê Văn Chiến… đây chính là gia đình mẫu mực nghề biển ở Xuân Hà. Nhưng năm qua, từ chỗ 3 đến 2 và bây giờ, anh em Trường – Mai chỉ còn một chiếc ĐNa 90082 làm lưới vây. Nghỉ cả gần 3 tháng liền vì điều kiện thời tiết, gió bão, khan hiếm bạn thuyền, đến 20 tháng Chạp năm ngoái, anh Trường quyết định khởi hành, thẳng tiến Hoàng Sa. “Đây là cú xuất hành lấy hên cho cả năm, bởi khi đi biết trước sẽ đón giao thừa trên biển” - Trường kể.
Hai ngày ra Hoàng Sa, 4 ngày lênh đênh tìm luồng, vẫn bặt vô âm tín, nhiều lần định buông tay bẻ lái cho tàu trở về đất liền, anh em đón Tết cùng gia đình. Nhưng rồi nghĩ lại, anh Trường quyết dấn thêm vài ngày nữa. Lác đác mấy tạ cá ngừ vẫn chưa thể làm anh em phấn chấn mà chỉ đem lại mấy tia hy vọng. “Tui xác định đi chuyến này đánh nhanh thắng nhanh. Có hay không thì mùng 2 cũng phải về cho anh em nghỉ ngơi. Nhưng khoảng 20 giờ đêm 30 Tết, mẻ cá thu khiến chuyến biển lật ngược thế cờ. Một đêm đánh gần 1 tấn cá thu. Không thể tin nổi”.
Ngay sau khi kết thúc luồng cá thu cách đảo Tri Tôn chừng 15 hải lý, đúng sáng mùng 1 Tết Giáp Ngọ, Hồ Văn Trường cho anh em thu lưới, thẳng về Đà Nẵng. Chuyến biển tốc hành thu lại cho tàu anh Trường số tiền 180 triệu đồng. “Đó là con số kỷ lục của một chuyến biển ngắn, đúng 12 ngày đêm. Tuy ngắn, nhưng mà nó kéo dài tới 2 năm” - anh Trường cười.
Kỳ vọng Hoàng Sa
Những mẻ lưới cuối năm của ngư dân Lý Sơn báo hiệu một năm khởi sắc Hoàng Sa
Tôi gặp lại “Đại gia Hoàng Sa” Lê Văn Sang (Thuận Phước, Đà Nẵng) những ngày đầu xuân khi anh đang tất bật cho những khâu quan trọng của chiếc tàu sắt hậu cần nghề cá Hoàng Sa 2 ngàn mã lực mà anh từng chia sẻ với bạn đọc Tiền Phong. Đại gia 8X chia sẻ: “Tôi rất kỳ vọng vào năm này. Chắc chắn sẽ có những thay đổi lớn. Chúng tôi làm ăn lớn hơn, ngư dân tự tin và can đảm hơn ở Hoàng Sa”.
Lê Văn Sang với dự định đóng con tàu khủng 2 ngàn mã lực bằng gỗ, nhưng tham vọng lớn lao của anh và gia đình từ nguồn lợi Hoàng Sa và khát khao gìn giữ chủ quyền không cho phép anh dừng lại ở đó. Anh quyết định đầu tư đóng tàu sắt. “Tạm thời chưa tiết lộ hết thông tin chi tiết cho anh, chỉ biết là một ở Đà Nẵng (là tàu của Sang), một ở Quảng Ngãi năm 2014 sẽ hạ thủy tàu sắt. Đó sẽ là chiến quả của sự liều” - Sang thổ lộ.
Dẫu rất muốn biết hơn về con tàu sắt, nhưng nhìn nét háo hức, sự kỳ vọng trong ánh mắt của Sang, tôi hiểu, không nên hỏi nhiều, bởi chừng đó là quá đủ cho một khát khao làm chủ Hoàng Sa. Sự kỳ vọng của Lê Văn Sang, người chuyên hậu cần nghề biển được thể hiện bằng những chuyến tàu no cá cuối năm 2013 cập cảng Thọ Quang, Sa Kỳ hay Tư Nghĩa.
Cận Tết, những tin vui liên tiếp báo về. Đúng ngày 30 Tết, tàu về Lý Sơn sau hơn 1 tháng bám biển, với nét mặt rạng ngời thuyền trưởng Lê Văn Lượng, chủ tàu cá QNg 96337 TS (xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) vui mừng cho biết, phiên biển cuối năm này tàu của ông khai thác được trên 7 tấn cá các loại, trong đó có trên 1 tấn cá “bò gù” nên Tết này các lao động đi trên tàu sẽ đón Tết rôm rả.
Theo thuyền trưởng Lượng, với trên 7 tấn cá với giá cao như hiện nay, phiên biển này tàu của anh cho thu nhập trên 300 triệu đồng, trừ chi phí 15 lao động đi trên tàu có thu nhập mỗi người trên chục triệu. “Dẫu thời tiết thất thường nhưng so với các tàu khác thì đó là con số quá cao rồi. Đủ sắm Tết”- anh Lượng vui vẻ.
Về cùng ngày cuối năm với anh Lượng là ngư dân Lê Túc, thuyền trưởng tàu cá QNg 96369 TS, ở thôn Tây, xã An Hải, sau hơn một tháng bám biển Hoàng Sa với nghề lặn hải sâm cũng tranh thủ cho tàu chạy về cập đảo để ăn Tết cùng gia đình. Với trên 1.000 con vú nàng, với giá bán 700 ngàn đồng/kg, thì thu nhập của tàu anh đạt trên 600 triệu đồng, trừ chi phí chuyến đi, mỗi thợ lặn trên tàu còn cho thu nhập trên 20 triệu đồng.
“Dù đang gặp khu vực hải sâm sinh sống nhiều nhưng Tết cận kề nên mình bàn với anh em cho tàu chạy về đảo để đón Tết cùng gia đình, nghỉ ngơi vài ngày rồi lại vươn khơi làm ăn”, thuyền trưởng Túc bộc bạch. Anh Túc cũng từng làm rúng động ngư dân miền Trung với một chuyến biển lặn hải sâm đạt 2,3 tỷ đồng vào tháng 5/2011.
Cần hơn một sự can đảm
Những ngày này, không khí lại rộn ràng ở nhưng cảng cá miền Trung. Một số tàu bắt đầu ra khơi, nhiều tàu sơn sửa lại, làm lễ cúng bái cho chuyến biển khởi hành sau ngày rằm tháng Giêng.
Vừa cho con tàu cá 650 CV của mình cập đảo Lý Sơn sau chuyến chạy vào đất liền tiếp thêm nhiên liệu và đá lạnh trong ngày mồng 2 Tết, anh Trương Đình Nhân (thuyền trưởng tàu cá QNg 96236 TS, thôn Đông xã An Hải) hồ hởi: Vui xuân mới thế là đủ, sáng mồng 8 Tết, sau khi làm thủ tục cúng tế thần biển, mình và các bạn chài sẽ cho tàu vươn khơi bám biển Hoàng Sa theo kế hoạch. Khác với mọi năm, năm nay đầu xuân thời tiết trời yên bể lặng nên việc vươn khơi làm ăn của ngư dân sẽ thuận lợi, bên cạnh đó, tinh thần của ngư dân phấn chấn vì phiên biển cuối năm vừa qua thắng lớn, nên hy vọng chuyến vươn khơi đầu xuân sẽ bội thu.
Thuyền trưởng Nhân cho hay, để vươn khơi đầu năm tại ngư trường Hoàng Sa trong năm mới Giáp Ngọ, tàu cá của anh đã phải đầu tư trên 300 triệu tiền phí tổn để làm nước sửa máy, tiếp thêm nhiên liệu, ngư cụ, đá lạnh…
Thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh (tàu QNg 95739 TS, ở thôn Tây xã An Hải, Lý Sơn) thổ lộ, năm qua, đánh bắt ở Hoàng Sa gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những phiên biển cuối năm tàu của ông liên tục bị tàu nước ngoài tấn công xua đuổi trên vùng biển Hoàng Sa làm thiệt hại trên 250 triệu đồng. Nhưng bù lại phiên biển cuối cùng trong năm tàu của ông trúng đậm luồng cá tại Hoàng Sa, nên các lao động đi trên tàu có tiền lo Tết cho gia đình.
“Mỗi năm khó khăn ở Hoàng Sa ngày càng chồng chất, năm sau khó hơn năm trước. Tới đây chắc chắn sẽ còn nguy hiểm nữa, nhưng mình và anh em xác định, biển của mình, mình cứ việc làm ăn chẳng phải sợ ai”. Đúng ngày 10 tháng Giêng, tàu anh Thạnh sẽ thẳng tiến Hoàng Sa.
Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi, cho biết: Sau lễ ra quân đánh bắt đầu năm được tổ chức vào ngày 8 Tết âm lịch, 58 tàu cá của nghiệp đoàn sẽ vươn khơi bám biển Hoàng Sa – Trường Sa. Lễ ra quân sẽ được nghiệp đoàn tổ chức rầm rộ, nhằm động viên tinh thần bám biển làm ăn của bà con ngư dân. “Năm nay ngư dân Hoàng Sa – Trường Sa đón Tết vui xuân vui và rôm rả hơn mọi năm, bởi mùa biển vừa qua nhiều tàu cá cho thu nhập cao. Cầu mong cho mùa biển mới tàu cá của ngư dân sẽ vượt lên những khó khăn để thắng lớn trong những phiên biển tại ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa” - ông Chinh nói.