Bác sĩ Trần Trọng Uyên Minh, Phó trưởng khoa Mũi Xoang, (Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TPHCM) cho hay, với hàm lượng bụi trong không khí nhiều đến mức lờ mờ như mù sương tại TPHCM mấy ngày qua, người dân nên trang bị khẩu trang than hoạt tính để đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra, sau khi trở về nhà, nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh sạch sẽ mũi và súc miệng để ngăn ngừa bụi.
Bác sĩ Minh khuyến cáo, trong thời gian này người dân không nên sử dụng nước mưa để tắm rửa hay nấu ăn vì hiện tượng mù khô khi nước mưa xối qua sẽ mang theo các chất bụi bẩn. Hơn nữa, những ngày này nước mưa sẽ chứa nhiều axit nên nấu nướng hay tắm rửa đều độc hại.
Các chuyên gia về mắt nói, nếu đi ngoài đường thời gian dài dưới “mù khô” sẽ bị ngứa, da tay, mặt có cảm giác chất nhờn kết dính do mồ hôi hút chất bụi bẩn.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Châu Trang, Trưởng khoa Mắt Nhi, Bệnh viện Mắt TPHCM cho biết: “Trong các bộ phận, mắt là nơi tiếp xúc trực tiếp và đầu tiên với bụi bặm ngoài môi trường. Chúng là tác nhân khiến mắt tiết nước gây viêm nhiễm đồng thời bụi có thể gây cộm, khó chịu, thậm chí trầy xước giác mạc nếu có góc cạnh.
Để bảo vệ mắt, người dân cần đeo kính bảo hộ khi đi ra ngoài; vệ sinh mắt hàng ngày bằng nước muối; hạn chế di chuyển tới những vùng đang bị tác động của hiện tượng “mù khô”.
Ghi nhận của phóng viên trong ngày 8/10, nhiều nơi tại TPHCM vẫn còn hiện tượng “mù khô”. Đến 16h chiều, sau cơn mưa lớn vào buổi trưa nhưng bầu trời vẫn bị bao phủ bởi một màu trắng sữa.
Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, kết quả quan trắc không khí tại một số trạm quan trắc gần TPHCM cho thấy, các chỉ tiêu quan trắc như nồng độ bụi, SO2, NOx, O3 ..vẫn trong ngưỡng an toàn. Vì thế việc xác định nguyên nhân gây hiện tượng “mù khô” ở TPHCM cần xem xét tiếp.
Nguyễn Hoài