MU gặp Barca, không phải trận chung kết năm 2011, đây mới là ‘đêm nhục nhã’ của Sir Alex Ferguson

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khi MU gặp Barca, nhiều người sẽ nhớ về đêm chung kết Champions League 2011 với đôi bàn tay run rẩy của Sir Alex Ferguson khi chứng kiến đội bóng của ông bị khuất phục hoàn toàn. Tuy nhiên đó không phải “trải nghiệm đau đớn và nhục nhã nhất”.
MU gặp Barca, không phải trận chung kết năm 2011, đây mới là ‘đêm nhục nhã’ của Sir Alex Ferguson ảnh 1

Trong tự truyện của mình, Sir Alex Ferguson đã dành hẳn một chương để nói về Barca, đội đã khiến MU không thể đăng quang Champions League ở hai trận chung kết năm 2009 (thua 0-2) và 2011 (thua 1-3). Nhưng bên cạnh những lời ca ngợi, cựu HLV người Scotland vẫn không cho rằng đội của ông bị đánh bại bởi đối thủ vĩ đại hơn. Theo ông, Barca đã kiểm soát trận đấu tốt hơn và đơn giản là MU bỏ lỡ cơ hội giành chiến thắng.

Trận thua khiến ông tâm phục khẩu phục, thậm chí mô tả đó là “thất bại nặng nề nhất, một trải nghiệm nhục nhã chưa từng có kể từ khi dẫn dắt MU”, phải là trận đấu tại Nou Camp ở vòng bảng Champions League 1994/95. Thời điểm đó MU đã vươn lên trở thành đội bóng số một nước Anh với 2 lần vô địch liên tiếp, nhưng vinh quang châu Âu vẫn là cái gì đó nằm ngoài tầm với. Một chiến thắng trước Barca không chỉ giúp họ có được ngôi đầu bảng mà còn mang lại sự tự tin, rằng Quỷ đỏ có thể sánh ngang những đội hàng đầu ở Lục địa.

Thật không may, quy tắc của UEFA lại không cho phép họ sử dụng nhiều hơn 5 cầu thủ ngoại (với 2 trong số này này phải chơi tại Anh ít nhất 5 năm). Không có Eric Cantona vì án treo giò, Sir Alex lại phải loại thủ môn Peter Schmeichel để có chỗ cho Denis Irwin, Roy Keane, Ryan Giggs, Andrei Kanchelskis và Mark Hughes.

MU gặp Barca, không phải trận chung kết năm 2011, đây mới là ‘đêm nhục nhã’ của Sir Alex Ferguson ảnh 2

Đôi tay run rẩy của Sir Alex trong trận chung kết Champions League 2011 gặp Barca.

Thật ngạc nhiên, trinh sát Tonnie Bruins-Slot của Barca đã đoán trước điều này. Và HLV Johan Cruyff cũng rất hiểu MU. Trước trận đấu, ông nói với các học trò: “Chúng ta sẽ chơi theo phong cách của mình hay của họ? Nếu là của họ, chúng ta sẽ có một đêm khốn khổ”.

Hôm ấy tại Nou Camp, Barca chơi như họ vẫn từng chơi, với các pha phối hợp ít chạm và giàu tốc độ. Romario và Stoichkov cũng như những người khác di chuyển năng động và linh hoạt, khiến MU không thể bắt kịp và vật lộn để đối phó.

“Chúng tôi đã bị tiêu diệt”, hậu vệ Paul Parker của MU nói, “Romario quá nhanh nhẹn, mạnh mẽ và khiến chúng tôi mệt nhoài. Chân cậu ta như một miếng đệm bởi những pha xử lý bước một mềm mại”. Sir Alex thì nói: “MU bị choáng ngợp trước một Barca khôn ngoan và kiên trì với phong cách của họ. Tôi đã rất giận dữ trong phòng thay đồ lúc nghỉ giải lao để cố gắng làm các cầu thủ hiểu họ đã ngây thơ thế nào ở khu trung tuyến”.

MU gặp Barca, không phải trận chung kết năm 2011, đây mới là ‘đêm nhục nhã’ của Sir Alex Ferguson ảnh 3

Romario khiến các hậu vệ MU có một đêm khốn khổ. (Ảnh: Getty Images)

Cũng phải thôi bởi MU phải trưng dụng Nicky Butt còn non kinh nghiệm trong trận đấu quan trọng này. Butt thú nhận đã rất lo lắng. Khi đi qua nhà nguyện cạnh đường hầm dẫn ra sân Nou Camp, dù không phải người sùng đạo, tiền vệ mới 19 tuổi tự nhủ, “có lẽ nên vào đó để cầu nguyện hai tiếng”.

Các nỗ lực vực dậy học trò của Sir Alex không giúp ích được gì. Sau khi Stoichkov và Romario đưa Barca dẫn trước 2-0 trong hiệp một, đội chủ nhà tiếp tục ghi thêm 2 bàn trong hiệp hai, với bàn thắng khác của Stoichkov và pha ấn định tỷ số 4-0 của Ferrer phút 88.

Trung vệ kỳ cựu Pallister khẳng định “Stoichkov và Romario là hai đối thủ khó chơi nhất trong sự nghiệp, bởi họ như thể nghệ sỹ điều khiển con rối - chính là bọn tôi”. Anh cũng tiết lộ MU đã khốn khổ thế nào để đối phó với Barca. Sir Alex đã dành ra 3 ngày trước trận để điều chỉnh phương pháp phòng ngự để theo kèm Romario. Nó đã không hiệu quả và Pallister cùng Parker trở lại với phong cách cũ. Nó cũng vô tác dụng.

Theo Roy Keane, thất bại đã tố cáo sự tụt hậu của MU so với các đội bóng hàng đầu lục địa. Họ quen chơi theo kiểu Anh, với những bước chạy điên cuồng và thiếu sự tinh tế, uyển chuyển trong chiến thuật. Tóm lại, Quỷ đỏ không thể trốn chạy khỏi một thất bại tan nát. Hậu vệ cánh Gary Neville cảm thấy may mắn khi ngồi dự bị cả đêm hôm ấy. “Đó là lần duy nhất trong sự nghiệp tôi không muốn vào sân”, anh nói.

MU gặp Barca, không phải trận chung kết năm 2011, đây mới là ‘đêm nhục nhã’ của Sir Alex Ferguson ảnh 4

Stoichkov là một hung thần khác của MU ở trận đấu năm 1994. (Ảnh: Getty Images)

Phải mất vài năm để Sir Alex tinh chỉnh lại MU. Họ tái ngộ Barca ở vòng bảng Champions League 1998/99. Lần này là kết quả khác. Quỷ đỏ hòa 3-3 trong cả hai lượt trận, tạo nên những màn trình diễn kinh điển, góp phần tô điểm cho chiến tích ăn ba vào cuối mùa.

Theo một nghĩa nào đó, lịch sử đang được tái hiện. Hai thất bại 0-1 và 0-3 của MU trước Barca ở tứ kết Champions League 2018/19 nhấn mạnh sự tụt lùi của họ trong thời hậu Sir Alex. Tuy Barca khi đó không còn là đội bóng mạnh mẽ như trước, song vẫn đủ để dày vò Quỷ đỏ thua kém về mọi mặt.

Gần 4 năm đã trôi qua và MU đang từng bước trở lại dưới sự dẫn dắt của Erik ten Hag. Nhưng để kiểm chứng sức mạnh thực sự, đồng thời biết Quỷ đỏ đã tiến bao xa, cần thông qua trận đấu với Barca. Chỉ đáng buồn khi cuộc đối đầu lần này là tại Europa League, không phải Champions League danh giá mà cả hai từng thuộc về.

MỚI - NÓNG