Một vốn bốn lỗ!

Một vốn bốn lỗ!
TP- “Có bữa, lúc đi làm nó chở mình, lúc về mình dắt nó!” - Chị Bo Bo Thị Thủy ở thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam kể về chiếc xe máy Future Trung Quốc của nhà chị. Nó không có yếm, không chắn xích, nhớt lẫn bụi bám đen quanh lốc máy, tiếng nổ nghe phạch phạch vì ống bô đã mục thủng, tăng ga nghe máy kêu cạch cạch…

Năm 2003, vợ chồng chị Thủy nhận 2.000 cây keo lai giâm hom giống và 5 triệu đồng hỗ trợ để trồng 1 ha vườn rừng. Mấy tháng trước, họ bán toàn bộ vườn rừng, được 4 triệu đồng.

Người mua cây dẫn họ đi mua chiếc xe máy cũ nát với giá 4 triệu đồng, đúng bằng số tiền bán rừng họ cầm chưa kịp ấm trong tay. Cùng thôn, anh Cao Mô Tơ bán 1 ha rừng keo lai giâm hom được 8 triệu đồng, rồi cũng mua chiếc xe Future Trung Quốc với giá 4 triệu đồng nhưng đỡ tệ hơn xe của chị Thủy một chút… 

Thực hiện Chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc ít người phát triển kinh tế hộ (CT132) của tỉnh Khánh Hoà, từ năm 2003 đến nay huyện Khánh Vĩnh đã hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng cho hơn 4.000 hộ, giúp đồng bào trồng gần 4.000 ha vườn rừng. Hầu hết diện tích này được trồng cây keo lai giâm hom. Đến năm 2008, những vườn rừng đầu tiên đủ tuổi khai thác để làm nguyên liệu sản xuất giấy.

Giá thu mua chính thức của các doanh nghiệp từ 25 triệu đồng đến trên 35 triệu đồng mỗi hecta cây đứng, tùy chất lượng và vị trí vườn rừng. Nhờ thu nhập từ vườn rừng, đời sống của nhiều hộ đồng bào đã khá lên. Dễ thấy điều này ở các xã Khánh Trung, Khánh Nam, Khánh Hiệp… qua số lượng xe máy trên những nẻo đường, số ti vi trong nhà đồng bào.

Nhưng cũng có những người không biết địa chỉ thu mua, không biết giá nên bán quá rẻ cho đầu nậu thu mua (có nơi, chính cán bộ xã làm đầu nậu). Cùng với những vườn rừng đủ tuổi, có nhiều vườn rừng mới 3 tuổi đã bị đồng bào bán non. Có khoảnh rừng non bị chặt ngay, có khoảnh đầu nậu tiếp tục thuê người chăm nuôi, đợi khi cây đủ tuổi khai thác…

UBND huyện khánh Vĩnh đã chỉ đạo vận động đồng bào không bán rừng non để tránh bị thiệt thòi, quy định không chặt và thu mua cây keo lai giâm hom dưới 4 năm tuổi, mọi cây trồng theo CT132 đều chỉ được khai thác khi có xác nhận của UBND xã. Huyện còn vận động đồng bào trích lại mỗi hộ 5 triệu đồng từ tiền bán cây rừng để tái đầu tư, trồng mới vườn rừng.

Tuy nhiên, có những hộ đồng bào do những nhu cầu, khó khăn trước mắt vẫn nghe lời chèo kéo, dụ dỗ của đầu nậu để bán rừng non. Đầu nậu cũng lợi dụng việc khai thác, vận chuyển keo lai giâm hom từ rừng của doanh nghiệp (không trồng theo CT132) để hợp thức hoá cây non bị khai thác trái phép.

Nếu tình trạng trên không được khắc phục, không có biện pháp tổ chức thu mua cây chu đáo hơn, những người như chị Bo Bo Thị Thủy, anh Cao Mô Tơ đâu còn dư tiền để làm theo chủ trương tái đầu tư của huyện. Đồng bào bị thiệt lúc bán cây, lúc mua xe, mỗi lần vận động đồng bào trồng rừng, Nhà nước lại phải bỏ khoản tiền lớn hỗ trợ. Thật đúng là một vốn bốn lỗ!

MỚI - NÓNG