Một tuần 87 cuộc tiếp xúc song phương

Một tuần 87 cuộc tiếp xúc song phương
TP - Trong tuần qua, bên cạnh các hội nghị đa phương, Việt Nam còn đón tiếp 5 nguyên thủ quốc gia thành viên APEC thực hiện các chuyến thăm song phương.

Ngày 19/11, tuần lễ cấp cao APEC-2006 đã khép lại, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc không phai mờ về một Việt Nam năng động, mở cửa, thân thiện và hợp tác.

Một tuần 87 cuộc tiếp xúc song phương ảnh 1
Tổng thống Mỹ George W. Bush (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp song phương ở Hà Nội ngày 19/11  Ảnh: AP

Điều này được thừa nhận không chỉ bởi các nhà lãnh đạo kinh tế APEC mà với tất cả những ai đã tham gia, góp phần làm nên sự thành công của Hội nghị.

Trong tuần qua, bên cạnh các hội nghị đa phương, Việt Nam còn đón tiếp 5 nguyên thủ quốc gia thành viên APEC thực hiện các chuyến thăm song phương. Một số hoạt động của các chuyến thăm song phương này còn kéo dài sang tuần tiếp theo.

Các chuyến thăm chính thức song phương nói trên gồm: Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào và Phu nhân;  Tổng thống Mỹ George W. Bush và Phu nhân; Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun và Phu nhân; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phu nhân; Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.

Sau khi kết thúc Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, hầu hết các nhà lãnh đạo lên đường về nước. Một số nhà lãnh đạo còn tiếp tục ở lại thăm Việt Nam, trong đó có Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ George W. Bush, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe,…

Trước khi rời Trung tâm Hội nghị Quốc gia, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhận xét rằng qua việc tổ chức thành công Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC-14, Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của APEC.

Mỹ - Nhật - Hàn: Họp thượng đỉnh

Theo Ban tổ chức, đã có 87 cuộc tiếp xúc song phương, một số cuộc tiếp xúc 3 bên của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, các Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại, các Tổng Giám đốc diễn ra chỉ trong một tuần Hội nghị. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp song phương với hầu hết các lãnh đạo kinh tế APEC.

Tổng thống Mỹ George W. Bush có các cuộc gặp song phương với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe; Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun; Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.

Đáng chú ý là cuộc gặp 3 bên giữa Tổng thống Mỹ George W. Bush với Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Theo ông Mitsuo Sakaba - Tổng vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao Nhật Bản - tại Hội nghị 3 bên Tổng thống Mỹ G. Bush, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun đã chia sẻ quan điểm về việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, cam kết  tiếp tục hợp tác về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Ông Mitsuo Sakaba cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Nhật- Hàn tại Hà Nội tự nó đã là một thông điệp mạnh mẽ đối với Bình Nhưỡng.

Do các đoàn có nhu cầu lớn về họp song phương, nên phòng họp dành riêng cho các cuộc tiếp xúc song phương luôn chật cứng lịch trình làm việc. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Thư ký APEC-2006 Lê Công Phụng cho biết, riêng bản thân ông đã dự hơn 50 cuộc tiếp xúc song phương.

Nga, Mỹ thu hoạch lớn tại Hà Nội

Trưa 19/11, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã gặp gỡ song phương và mời cơm trưa Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Cuộc gặp diễn ra chỉ vài ngày sau khi hai ông đã gặp tại sân bay Maxcơva. Điều này chứng tỏ quan hệ Nga-Mỹ đã được cải thiện một bước đáng kể.

Kết quả cụ thể của các cuộc tiếp xúc này là trưa ngày 19/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Đại diện Thương mại Mỹ bà Susan Schwab và Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Thương mại Liên bang Nga German Gref đã ký Hiệp định kết thúc đàm phán song phương về việc Nga gia nhập WTO.

Đây là thắng lợi lớn đối với Matxcơva vì hiện nay Liên bang Nga là nước lớn duy nhất vẫn đứng ngoài WTO. Nga bắt đầu quá trình gia nhập WTO của mình cách đây hơn 13 năm, phải đàm phán song phương với 57 nền kinh tế thành viên.

Đến nay Nga đã kết thúc đàm phán song phương được với tất cả các bên có nhu cầu đàm phán, trong đó Mỹ là đối tác cuối cùng. Sau khi ký kết thúc đàm phán song phương với Mỹ, Liên bang Nga còn phải ký kết thúc đàm phán song phương với Costa Rica, Guatemala và Salvador.

Với 3 nước này, Liên bang Nga đã kết thúc đàm phán trên nguyên tắc nhưng vì lý do kỹ thuật chưa ký hiệp định kết thúc đàm phán song phương. Nga còn phải giải quyết khó khăn với Moldova và Gruzia vì Gruzia tuy đã ký hiệp định kết thúc đàm phán song phương với Liên bang Nga nhưng nay đang đòi rút lại.

Tuy nhiên, tại lễ ký kết thúc đàm phán song phương với Mỹ, đại diện Nga cho biết vấn đề với Gruzia và Moldova không đáng lo ngại vì hai nước này đã tham gia khu vực mậu dịch tự do với Nga.

Trước mắt, Liên bang Nga còn phải hoàn tất các thủ tục song phương và kết thúc các vòng đàm phán đa phương. Gia nhập WTO là điều rất quan trọng đối với Liên bang Nga vì nước này sẽ được lợi khoảng 23 tỷ USD/năm sau khi gia nhập WTO.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.