Một trường cao đẳng nghề đột phá tuyển sinh và đào tạo

Ký túc xá khang trang, sạch sẽ
Ký túc xá khang trang, sạch sẽ
TP - Liên tiếp ba năm tăng con số tuyển sinh, riêng 7 tháng đầu năm nay lên tới 1.800 sinh viên, trường CĐ nghề Phú Thọ khẳng định vị thế khá đặc biệt nhờ khâu đột phá tuyển sinh và đào tạo khi các trường nghề toàn quốc đang gặp khó khăn.

Chỉ vài phút, sinh viên trẻ Tạ Phi Long (quê TP Việt Trì, Phú Thọ) đã hoàn thành một mối hàn khó mà một thợ lành nghề phải hài lòng. Tại xưởng hàn thực hành khá hiện đại do Đại sứ quán Nhật tài trợ cho trường CĐ nghề Phú Thọ, những vị khách và nhà báo tham quan đã được chứng kiến màn trình diễn ấn tượng của Long khi sinh viên này vừa mới đạt giải nhất kỳ thi tay nghề cấp tỉnh và giải khuyến khích quốc gia. Tại xưởng điện, sinh viên Lê Mạnh Tráng (quê Thanh Ba, Phú Thọ) cũng hoàn thành lắp đặt một bảng điện ở cấp độ khó chỉ trong 20 phút. Tráng đã từng… suýt đạt giải nhất kỳ thi nghề quốc gia nếu như thiết bị thực hành của Ban tổ chức không trục trặc.


Không tham vọng vào đại học, một ước mơ giản dị thiết thực khi ở vùng đất nghèo trung du Long và Tráng quyết học giỏi nghề hàn và nghề điện để bước vào tương lai. Trước họ, hàng ngàn sinh viên của trường CĐ nghề Phú Thọ đến từ 8 khoa chủ lực (cơ khí, điện – điện tử, nấu ăn, may, chăn nuôi thú y, công nghệ thông tin…) ngay khi ra trường đã có việc làm ổn định ở khắp các công ty, nhà máy trong, ngoài tỉnh. 

Quả là hiếm khi sinh viên trường này có thể “kiêu” mà lấy quyền lựa chọn địa chỉ thực tập ngay khi còn đang ngồi trên giảng đường. Hàng loạt gương mặt doanh nghiệp lớn như Canon, LILAMA, Cty giấy An Hòa, giấy Việt Trì, Tổng Cty Sông Đà, đồ chơi Hà Nội Tosy, Khu CN Thụy Vân, Đồng Lạng (Việt Trì)…, phải đặt chỗ trước với nhà trường để giành lấy sinh viên ở đây đến thực tập. Tráng và Long còn kể rằng sinh viên của trường đi thực tập ở một số nơi được chi tiền ăn đến 120.000đ/ngày, và khi kết thúc còn được đi tham quan du lịch miễn phí một buổi.

Tháng 7. Dẫu đang kỳ nghỉ hè nhưng hàng trăm sinh viên vẫn ở lại ký túc xá để có cơ hội thực hành ở trường. Giảng đường mở cửa 3 ca cho sinh viên ôn ngoại ngữ để sẵn sàng đi xuất khẩu lao động nghề ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… Một không khí học tập tươi tắn. Còn ở khu nhà hiệu bộ lại có vẻ vắng im. 

Hiệu trưởng Bùi Đức Tài cho biết, hàng chục thầy cô giáo đang đi về vùng nông thôn, lên miền núi, ăn ở ngay tại địa bàn để làm công tác tuyển sinh. Sức hút lớn của một thương hiệu đào tạo nghề có tiếng trong tỉnh Phú Thọ dường như được cộng lực hấp dẫn hơn và bài bản hơn khi ở vùng xa đến từng thôn bản có những cụm tuyển sinh sẵn sàng đáp ứng thông tin, giải đáp cụ thể cho người dân, để những học sinh vừa đủ tiêu chuẩn, hiểu rõ hơn về cơ sở đào tạo nghề này.

Ít ai có thể bắt gặp nơi nào ở vùng nông thôn và sơn cước Phú Thọ lại có nhiều pano cắm khắp nơi cùng ngõ hẻm ghi rõ thông tin về nhà trường như thế. Con số 1.800 sinh viên nhập học từ đầu năm nay (vượt xa so với chỉ tiêu 1.000 sinh viên do UBND tỉnh Phú Thọ giao) đã khẳng định một khâu đột phá tuyển sinh đào tạo nghề - lĩnh vực mà khắp các địa phương toàn quốc đang phải “kêu giời” khi tuyển sinh thiếu hụt.

“Có những buổi thực hành mà cả thầy và trò say sưa quên cả ăn trưa” - thầy Phan Tất Thắng, trưởng Khoa Cơ khí và thầy Hoàng Đình Tuấn, trưởng Khoa Điện tâm sự. Hai khoa có hàng chục giáo viên giỏi, trong đó có nhiều thạc sỹ, kỹ sư và toàn thợ bậc cao. Lưu lượng hằng năm lên tới 900 sinh viên nhưng không một sinh viên nào bị sót thực hành - thời lượng chiếm 70% suốt 3 năm học. 

Việc đưa 100% sinh viên về học tập trung tại trường để trực tiếp được các thầy dìu dắt cũng là bí quyết… không hề dễ chịu. Nhưng nhà trường đã lên nghị quyết vì mục tiêu đào tạo mà dám đột phá khi chi phí cho cơ sở vật chất quá lớn hiện nay. Tiếng hát đồng ca chốc chốc loang ra đâu đó trong trường giữa cái nắng tháng bảy. Thầy Hiệu trưởng cười vui: “Các nữ sinh viên đang luyện tập đi thi văn nghệ đợt tới ở TP Việt Trì. Đã nhiều cơ quan ở tỉnh còn phải vào đây mượn hạt nhân văn nghệ đi biểu diễn đấy…”. Một sức sống khá ấn tượng ở cơ sở đào tạo nghề lớn nhất tỉnh Phú Thọ. Trong bản sơ kết tuyển sinh và đào tạo nửa đầu năm nay dán ở khu hiệu bộ có tên của rất nhiều sinh viên đến từ Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình…

Hơn 90% sinh viên ra trường có việc làm ngay và thu nhập ổn định. Tháng 4/2014, ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề Bộ LĐ-TB-XH trong lần về thăm trường đã khẳng định đây là địa chỉ có sự đột phá lớn trong tuyển sinh đào tạo, vừa có chất vừa có lượng, mà nhiều trường nghề khác nên học tập.

MỚI - NÓNG