Một trí thức lớn trong chế độ cũ, vì sao không ra đi?

GS Chu Phạm Ngọc Sơn.
GS Chu Phạm Ngọc Sơn.
TP - GS.TSKH Chu Phạm Ngọc Sơn là chuyên gia đầu ngành về hoá học trước năm 1975, được mời sang Mỹ sinh sống và làm việc khi chính quyền Sài Gòn sắp sụp đổ nhưng ông quyết định ở lại, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí đánh đổi cả hạnh phúc gia đình… Vì sao người trí thức ấy đã chọn con đường ở lại?

“Tôi chưa hề có ý nghĩ sẽ rời bỏ đất nước”

Chúng tôi gặp GS.TSKH Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TPHCM trong một cuộc hội thảo khoa học. Ðã ngoài bát tuần, sức khoẻ giảm sút nhiều song nhiệt huyết của vị giáo sư đầu ngành thì vẫn dạt dào như xưa. Nhớ lại những ngày tháng tư của 42 năm về trước, GS Sơn xúc động: “Tôi chưa hề có ý nghĩ mình sẽ rời bỏ đất nước ra đi, kể cả những năm 1960 đang học tiến sỹ ở Mỹ. Có nhiều người đặt vấn đề nếu tôi muốn ở lại họ sẵn sàng giúp, nhưng tôi từ chối. Lúc Sài Gòn sắp giải phóng, người ta mời những người được đào tạo ở Mỹ đến thăm dò có muốn ra đi hay không. Một số người bạn của tôi đến nhưng tôi thì không. Ở chế độ nào mình cũng có thể phục vụ được”.

Lúc đó GS Chu Phạm Ngọc Sơn đã là một nhà khoa học nổi tiếng đang giảng dạy tại trường Ðại học Sài Gòn (sau này đổi tên thành trường Ðại học Tổng hợp TPHCM) và chưa có ý niệm gì về người cộng sản, chỉ biết chắc chắn rằng đó là những người yêu nước. Ông đã bình thản chờ quân giải phóng tiến vào Sài Gòn và chờ trường mở cửa trở lại. GS Sơn tiếp tục được giữ lại công tác tại trường Ðại học Tổng hợp TPHCM.

Ðất nước bị bao vây, cấm vận. Ðồng ruộng dậy phèn, người dân đối mặt với nạn đói. Là nhà hoá học, ông hiểu rõ trong điều kiện thiếu thốn, lấy nước vôi rải xuống ruộng thì mới canh tác được. Ngày ấy đá vôi chỉ có ở Hà Tiên cách Sài Gòn hàng trăm cây số. Cứ vào cuối tuần, GS Sơn và GS Trần Kim Thạch đưa học trò lặn lội khắp các tỉnh Ðông Nam bộ tìm mỏ đá mới.

“Những chuyến đi ấy rất cực nhọc. Nhiều hôm kiếm một muỗng nước mắm cũng không có, ăn cơm nắm với muối. Ban ngày lượm đá, ban đêm mài ra phân tích hàm lượng vôi dưới ánh sáng của nến, đèn pin giữa rừng. Chúng tôi đi chung với mấy anh bộ đội Quân khu 7. Ngày đó, bom, mìn sót lại dày đặc. Có hôm thấy chiếc xe máy cán trúng mìn bị hất tung. Lâu lâu bộ đội bắn được con cheo, anh em coi như đại tiệc”, GS Chu Phạm Ngọc Sơn nhớ lại. GS Sơn và các cộng sự phát hiện được mỏ đá vôi mới ở Lộc Ninh (Sông Bé) giải quyết được nạn phèn.

TPHCM thiếu nguyên liệu làm sơn. Công ty Kỹ thuật hoá chất nhờ trường Ðại học Tổng hợp TPHCM giúp đỡ. GS Sơn lấy hạt cao su là phế phẩm bỏ đi chiết xuất ra dầu cao su rồi chế biến thành sơn vecni ankit. Thành công rồi vẫn chưa hết lo. Phòng thí nghiệm chỉ làm với những bình cầu 500 - 1.000 ml, khi ứng dụng ra sản xuất tại nhà máy sơn Á Ðông mỗi mẻ nặng 2 - 3 tấn. Ông nhớ lại: “Chúng tôi thức trắng. Sơ suất là làm hư cả mẻ sơn. Anh em rất lo cứ ngồi canh chừng. Ðến lúc xong rồi mới thở phào”.

Chiến tranh biên giới nổ ra, nguồn cung cấp sơn ta cho TPHCM bị mất. Ngày đó TPHCM sử dụng nguồn sơn ta từ Campuchia. GS Chu Phạm Ngọc Sơn thu gom vỏ hạt điều chiết xuất ra dầu, sau đó cho trộn với formandehyt tạo ra một loại sơn đẹp không kém sơn ta. Ông còn tìm cách chưng cất loại sơn đen này để tạo ra sơn màu.

Gần đây nhất là vụ nước máy ở TPHCM bị đục diện rộng. Rất nhiều giả thuyết đưa ra lý giải nguyên nhân. Với kinh nghiệm của mình, GS Sơn xác định nước có màu nâu đen là do vi khuẩn mangan và sắt gặp môi trường tốt nảy nở và bám vào bên trong đường ống nhưng nhiều chuyên gia khác không đồng ý. Nửa đêm, vị GS gần 80 tuổi chui xuống đường ống lấy mẫu cặn bùn đem phân tích chứng minh nước đục không phải do ô xít sắt, ô xít mangan. “UBND TPHCM cũng chưa yên tâm. Phó chủ tịch Nguyễn Văn Ðua mời một số chuyên gia cấp nước của Pháp sang. Họ kết luận giống tôi nên thành phố mới tin”, GS Sơn kể.

 Một trí thức lớn trong chế độ cũ, vì sao không ra đi? ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Ðinh La Thăng đến thăm gia đình GS Chu Phạm Ngọc Sơn.

Ðích thân ông Võ Văn Kiệt giới thiệu vào Ðảng

GS Sơn thừa nhận những ngày đầu giải phóng, việc hoà nhập vào không khí mới với ông không hề dễ bởi lý lịch của ông trước giải phóng năm nào cũng sang Mỹ nghiên cứu và dạy học. Ban quân quản thấy lý lịch “đen” mà ở lại đâm ra nghi ngờ, sau này mới dần thông cảm, tạo điều kiện làm việc. GS Sơn còn nhớ mới giải phóng được 2 ngày, ông Nguyễn Duy Cương (Ba Cương), nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế tìm đến nhà GS thăm hỏi.

Nhóm làm việc của GS Chu Phạm Ngọc Sơn mỗi tháng được Thành ủy cấp một bao gạo và ít tiền mặt để cuộc sống các trí thức bớt khó khăn. Ông còn nhớ Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Vĩnh Nghiệp (Sáu Tường) khi ấy là phó chủ tịch, đích thân mang đến nhà ông trên đường Duy Tân một cái lồng gà và mấy bao cám. “Anh Sáu Tường dặn tôi: Ráng nuôi gà có trứng mà ăn. Tôi để lồng gà trước nhà, khoá cẩn thận 3 ổ khoá. Cả nhà mới ăn được vài quả trứng thì gà bị bắt trộm”, GS Sơn cười.

Thế rồi không khí làm việc phấn chấn hẳn kể từ khi được Thủ tướng Võ Văn Kiệt (khi đó là Bí thư Thành ủy) quan tâm, GS Sơn kể. “Tôi nhớ hơn 9 giờ đêm, anh Sáu Dân còn ra vườn chặt nải chuối chín cây rồi cho người xách đến phòng thí nghiệm trường Ðại học Tổng hợp để tôi và các cộng sự ăn đỡ đói lúc làm việc khuya. Có khi 3-4 giờ sáng anh Sáu gọi điện thoại tới dặn tôi chuẩn bị cùng ảnh đi xuống cơ sở”, GS Sơn nhớ lại.

GS Sơn nói cách ông Sáu Dân đối xử với trí thức khiến ông cảm kích. Như chuyện đích thân Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt giới thiệu ông vào Ðảng. Ông nhớ lại: “Trong buổi họp, anh Sáu nói với mấy anh bên trường tổng hợp: Tui là Sáu Dân nè. Tui giới thiệu anh Sơn cho mấy anh kết nạp đó, mấy anh tính sao, có chấp thuận không”. Tôi thấy mấy ảnh cười cười, tưởng nói chơi, đến lúc chuyển biên chế của tôi về thành phố mới biết ảnh làm thiệt. Lúc đó thành phố có chương trình thành lập trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm hợp tác giữa Việt Nam và Pháp. Tôi về xây dựng trung tâm rồi được cử làm giám đốc”.

 Một trí thức lớn trong chế độ cũ, vì sao không ra đi? ảnh 2 GS Chu Phạm Ngọc Sơn.

Giọng GS Chu Phạm Ngọc Sơn nghèn nghẹn: Mấy đứa em của tôi đi vượt biên bị bắt, anh Sáu Dân trực tiếp xin đưa về TPHCM rồi cho thả ra. Tôi có ba đứa con đang ở Mỹ, hai đứa là bác sỹ, một đứa là nha sỹ. Tụi nó đi vượt biên cùng với mẹ nó.

Hoàn cảnh gia đình GS Chu Phạm Ngọc Sơn có nhiều uẩn khúc. Vợ ông di cư vào Nam năm 1954, đến lúc Sài Gòn giải phóng tâm trạng bà rất lo sợ. Ðang là trưởng phòng xét nghiệm Bệnh viện nhân dân Gia Ðịnh, bà bị điều chuyển xuống làm nhân viên nên càng sợ hơn, tìm cách vượt biên mấy lần, may giữ được tính mạng. GS Chu Phạm Ngọc Sơn xúc động: “Tôi đi công tác Liên Xô thì cô ấy cho thằng con vượt biên, lúc tôi về mọi chuyện đã rồi. Anh Sáu Dân gọi tôi lên bảo: Thôi bây giờ đã như vậy rồi. Thế nào chị cũng tìm cách đi. Thành phố làm sao theo dõi được. Tốt nhất là anh cho chị với sắp nhỏ đi hợp pháp cho an toàn. Qua bên kia mấy đứa nhỏ có điều kiện học tốt hơn, sau này nếu tụi nó trở về giúp nước thì tốt, nếu ở luôn thì thôi. Tôi làm bổn phận người đứng đầu thành phố còn anh làm bổn phận người cha”.

Ðiều kiện ra đi hợp pháp là phải làm thủ tục ly hôn. GS Sơn không chịu. Ba năm sau, ông lại đi Pháp. “Vừa về nước, anh Sáu Dân lại gọi lên. Tối đó anh Sáu nằm chung giường với tôi tỉ tê thuyết phục. Thấy anh Sáu phân tích có lý, tôi đành đồng ý”, GS Sơn nhớ lại.

Việc đánh mất gia đình, người thân đã làm GS suy sụp. Ông nằm viện suốt mấy tháng trời và được ông Sáu Dân hết lòng động viên, chăm sóc. Sau hàng chục năm đi về bóng lẻ, nhà hoá học lừng danh đã tìm thấy một nửa còn lại. Bà là một học trò xuất sắc, được ông hướng dẫn luận án và đã tự nguyện gắn kết cuộc đời với ông. Một hạnh phúc tuy muộn mằn nhưng ấm áp, cảm động.

“Tôi đi công tác Liên Xô thì ở nhà bà xã cho thằng nhỏ đi vượt biên. Anh Sáu Dân bảo: Anh cho chị với mấy đứa nhỏ đi đi, qua bên kia tụi nó có điều kiện học tốt hơn, sau này nếu trở về giúp nước thì tốt, nếu ở luôn thì thôi. Tôi làm bổn phận người đứng đầu thành phố còn anh làm bổn phận người cha”.

GS Chu Phạm Ngọc Sơn

MỚI - NÓNG