Một tranh cũng thành triển lãm

TP - Từ lối vẽ sơn mài trau chuốt, Vũ Đức Trung chuyển phắt sang “tranh chép” bằng acrylic. “Tệ” hơn, anh vẽ đúng có 1 bức, nhân lên 15 bản cho một triển lãm.

Không có gì mới dưới ánh mặt trời có thể là tên triển lãm riêng thứ hai của Vũ Đức Trung (giải Nhất Ánh Mắt Trẻ 2005- cuộc thi Đại sứ quán Pháp tổ chức cho các họa sĩ dưới 35 tuổi), cũng có thể chỉ của một bức tranh. Với dự án mang màu sắc nghệ thuật ý niệm này, cái nhìn của Trung hướng ra xã hội hơn so với phong cách trước đây.

Một anh ăn mặc kiểu công chức nhưng lại quê quê với giày lười, cà-vạt đỏ, nhắm mắt, chống cằm, ngồi xổm trên… trời. Thông cáo triển lãm thuyết minh: “Sự vô lý ở cách ngủ ngồi dưới bộ cánh lịch sự, trong một không gian lãng mạn tạo nên một đối lập về tâm trạng, về sự yếm thế, mệt mỏi. Tất cả phản ánh tâm lý chán nản, trì trệ, lặp lại và buồn tẻ có thể dễ dàng bắt gặp ở con người trong xã hội hiện tại và cụ thể là trong một bộ phận giới trẻ”.

Nhưng với nền trời xanh phụ họa, người ta cũng dễ nghĩ rằng nhân vật đang mơ mộng. Dù sao cũng chắc chắn một điều là anh ta đang rất rảnh. Cứ thế nhân lên 15 anh tạo thành một cái gì đấy rất nhàm và có phần tắc tị. Nó như phản ánh dòng đời quen thuộc của một anh cạo giấy quèn. Riêng dáng ngồi xổm thì rất có thể cho biết: Đó là người Việt Nam. Trung cho hay, người trong tranh chính là anh, nội dung tranh cũng là câu chuyện của anh. Hơn một năm nay, Trung vẽ bản thân trong các dáng ngủ và cuối cùng ngủ ngồi đã được chọn để trở thành Không có gì mới dưới ánh mặt trời. Triển lãm đặt tên theo một châm ngôn của Umberto Eco- nhà văn, triết gia Ý.

Trung vẫn vẽ sơn mài theo phong cách cũ, năm bán được vài bức. Anh cười, nói: “Nếu sơn mài bán chạy, tôi đã chẳng chuyển sang acrylic”. Mỗi loại chất liệu lại phù hợp với một ngôn ngữ, một nhóm đề tài. Một lý do khác: “Sơn mài giống như nói thầm thì. Sang cái này thỉnh thoảng mình còn thét lên được một tiếng”.

Thoạt đầu, Trung cố tình vẽ nguệch ngoạc để tăng cảm giác nhàm chán, song đến những bức cuối cùng, tác giả cảm thấy chán thật, và phải gắng hoàn tất số tranh. Tất nhiên cũng vì lúc đó Trung còn phải đang bận bịu cho 2 triển lãm khác, trong đó Phòng cấp cứu yêu cầu họa sĩ thay mỗi ngày một tranh!

Không có gì mới dưới ánh mặt trời diễn ra ở 621 Đê La Thành (đến 9-1-2012). Nhà triển lãm thuộc dạng tầm tầm, không trung tâm lắm, sát nhà dân nên quần áo phơi đầy cổng vào- nói chung có cái gì đó dân dã rất phù hợp với tranh. Trung tự bỏ tiền làm triển lãm. Anh coi đây là dự án nhỏ, chưa đến mức phải xin tài trợ: “Nếu phải cảm ơn thì người đầu tiên trong danh sách chính là vợ. Vợ không nói nhiều, con không quấy khóc thì mình mới làm việc được”. Vợ Trung trước cũng học nghệ thuật nên hiểu công việc của chồng.

Bản thân Trung không đặt nặng vấn đề đến hạn phải nổi danh, giàu có. “Chỉ mong đủ”, anh nói. “Nhưng biết thế nào là đủ hơi khó. Giờ tôi thấy nghệ sĩ nói chung nên có điều kiện kinh tế để đỡ phải nghĩ về cái khác, sẽ có nhiều tác phẩm tốt hơn”. Trung cũng không có ý định sẽ hy sinh, trả giá gì cho nghệ thuật. Trung: “Có khi mình muốn hy sinh, trả giá chắc gì đã được”. Dự định trong năm 2012: Ở nhà chơi với con nhiều hơn.

Theo Báo giấy