Một tín hiệu tích cực

Một tín hiệu tích cực
TP - Các lò luyện thi vào đại học tại Hà Nội và TPHCM năm nay đồng thanh “tắt lửa”, nguội lạnh, đìu hiu, không còn cảnh nườm nượp chen chúc trong các lớp học chật chội cả trăm người, các thầy cô luyện thi nổi tiếng cũng không còn đắt hàng chạy sô trên bục giảng như mọi năm nữa.

Kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên với mục tiêu “hai trong một” chưa diễn ra, nhưng tác dụng đầu tiên của nó thì đã thấy rõ: Các lò luyện thi đã hết thời, đang dần teo tóp! Theo khẳng định và lời khuyên của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, với dạng đề thi năm nay các thí sinh sẽ không cần phải đi ôn luyện ở các lò như mọi năm, bởi đó là điều vô ích! Chỉ cần nắm chắc và vận dụng tốt kiến thức trong SGK là đủ.

Nhưng mới hết thời lò luyện thi ĐH thôi chưa đủ. Cái thời cả xã hội lẫn báo chí cứ sôi lên mỗi mùa tuyển sinh ĐH-CĐ cũng sẽ phải dần qua đi, bởi thực tế đang chứng minh học ĐH xong có khi còn khó xin việc và dễ thất nghiệp hơn học nghề nhiều lần. Và đâu cứ phải vào ĐH mới nên người, mới thành tài. 

Tại nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, sự phân luồng giữa ĐH và dạy nghề rất rõ ràng ngay từ những năm cuối cấp THCS đầu THPT. Việc đổi mới chương trình - SGK với kinh phí vừa được duyệt lên tới 778,8 tỷ đồng chính là nhằm hiện thực hóa phương châm tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên; đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Ngót 800 tỷ đồng kinh phí cho mục tiêu đầy tham vọng nêu trên không phải là con số quá lớn. Tuy nhiên, việc đầu tiên nền giáo dục nước nhà cần đạt được là phải xóa bỏ càng sớm càng tốt vấn nạn dạy thêm học thêm. 

Học sinh giỏi có nhu cầu học thêm thầy giỏi là đương nhiên, học sinh kém phải phụ đạo như thời xưa đã đành, đằng này ở nhiều thành phố lớn, tình trạng học sinh phải học thêm chính thầy cô đang dạy chính khóa của mình đã trở thành phổ biến, từ lớp 1 tới tận lớp 12.

 Và đó mới chính là vấn nạn của nền giáo dục nước nhà. Liệu trong vấn nạn này có bao nhiêu phần trăm nguyên nhân từ hệ thống chương trình-SGK đã lỗi thời? Bao nhiêu phần trăm từ cách thức thi cử, và bao nhiêu phần trăm từ hệ thống lương thưởng quá thấp của giáo viên hiện nay?

Chừng nào cả hệ thống giáo dục phổ thông được vận hành trơn tru với triết lý giáo dục mới, tạo ra thế hệ học sinh Việt Nam mới được phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực, tạo đầu vào tốt cho hệ thống đào tạo để cho ra lò những thế hệ nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, chừng đó quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà mới thành công.

Dẹp được lò luyện thi, tiến tới dẹp được vấn nạn dạy thêm học thêm, chính là chỉ dấu tích cực đầu tiên trong lộ trình cải cách nền giáo dục Việt Nam vẫn còn không ít chông gai ở phía trước. 

MỚI - NÓNG