> ‘Điện Biên Phủ trên không’: Toàn cảnh về cuộc đối đầu lịch sử
> NSND Lan Hương: Vợ lành, đạo diễn dữ
Một phim xem 2 chục lần
Hôm 16-12, VTV chiếu lại Em bé Hà Nội. Bộ phim này, tôi và bạn bè bé nhỏ của mình mỗi đứa xem khoảng hai chục lần, hết rạp Tháng Tám lại Kim Đồng. Hết đi xem tập thể do nhà trường tổ chức lại xem lẻ với nhau.
Ba phim kỷ lục, xem mãi không chán là Em bé Hà Nội, Nhớ tìm tôi nhé, Em bé tìm cha (hai phim sau của Liên Xô). Bé tí nên xem thấy hay đã đành mà cũng tại hồi đó ít trò quá.
Em bé tìm cha thì xem ở rạp Hòa Bình. Ra khỏi rạp, người lớn trẻ con mắt mũi ầng ậng, xem đến lần thứ mấy mà vẫn ngân ngấn, có người còn nức nở. Nhớ tìm tôi nhé tươi hơn nhưng kết thúc cũng là một cảnh tạm biệt không biết bao giờ gặp lại nên âm hưởng vẫn cứ là ủ ê.
Kim Anh, bạn thân tôi từ thuở lớp 2, vẫn “chơi lay lắt” đến giờ, bảo rằng mỗi khi nhớ đến mái trường cấp 1-2 Ngô Sĩ Liên thì hình ảnh hiện lên đầu tiên bao giờ cũng là cái hầm trú ẩn nhô lên sau dãy nhà 1 tầng (trường có hai dãy - dãy 3 tầng và dãy 1 tầng). Và “hồi ấy thấy bọn lớp 2A được đóng phim Em bé Hà Nội, đố kỵ thế không biết”.
Ngày nọ, đoàn làm phim Em bé Hà Nội đến trường chúng tôi quay một trong những cảnh cảm động nhất của bộ phim.
Những thước phim đen trắng ngày ấy giờ xem lại thấy chân thực như thể tài liệu: Bom Mỹ vừa tàn phá Hà Nội, đoàn người xếp hàng vừa lặng lẽ vừa khẩn trương chờ đến lượt đong gạo.
Chỉ một đoạn phim mà hội đủ gương mặt gạo cội: Tuệ Minh, Thu Hiền, Thúy Vinh, Thanh Thủy, Hoàng Yến…Cô bé Ngọc Hà do Lan Hương thủ vai, đầu chít khăn tang, cho biết nhà cháu ở ngõ Chợ Khâm Thiên khi có người hỏi nhà ở đâu, nên được hàng người đẩy lên, nhường mua trước.
Chị bán gạo nhìn cuốn sổ gạo cháy nham nhở, lặng người hỏi: Nhà cháu đong mấy người? Đong hết hả cháu? Ngọc Hà cắn môi Cô đong cho nhà cháu bao nhiêu cũng được nhưng ít thôi.
Thấy chị vẫn bần thần giở cuốn sổ cháy, Ngọc Hà thảng thốt Cô đừng xóa tên mẹ cháu, tên em cháu (mẹ và em gái Hà vừa chết bom). Tuệ Minh vai chị bán gạo nghẹn ngào Cô biết rồi cô biết rồi, lập cập cân gạo.
Đoạn này, Lan Hương khi ấy 10 tuổi diễn xuất sắc. Còn Tuệ Minh là một trong những nghệ sĩ tài năng nhất của thế hệ chị, đôi mắt u buồn và giọng trĩu nặng tình cảm. Bao năm rồi xem lại cảnh này vẫn nguyên cảm xúc ngày xưa.
Đoàn phim không chọn một cửa hàng mậu dịch nào đó ngoài đời mà lại chọn sân trường đẹp đẽ của chúng tôi để quay.
Hôm nay, tôi hỏi đạo diễn Hải Ninh vì đâu? Có phải đoàn phim muốn có một điểm bán gạo dã chiến chứ không phải cửa hàng gạo bình thường? Ông xác nhận: Đúng. Khuôn viên trường Ngô Sĩ Liên đẹp, vừa vặn với bối cảnh, cây cối nhiều lại gần nhà thờ Hàm Long nổi tiếng nên chúng tôi chọn. Hồi đó bạn của con trai tôi dạy Ngô Sĩ Liên nên việc liên hệ xin quay rất dễ dàng.
Những em bé Hà Nội ngày ấy
Đầu phim, generic hiện ê-kip làm phim trên nền cảnh quay một lớp học đi sơ tán. Hồi ấy tôi học lớp 2B còn Kim Anh 2D. Lớp 2A được chọn đóng phim. Con bé Phan Lệ Hằng lớp trưởng 2A, một đứa trắng trẻo to cao như con Tây, được quay cận mặt lâu nhất. Đầu nó đội mũ sắt, mắt trong veo. Có một đứa cứ ngồi vuốt bộ râu dài bạc phơ của ông già, nom rất bình yên. Kim Anh nhớ Cái đứa gầy gầy đen đen mân mê chòm râu này, nhà ở Lê Văn Hưu. Ghen tỵ với đứa được lên phim nên nhớ dai khiếp!
Trên nền cảnh sơ tán đó vang lên bài hát của Hoàng Vân, giai điệu rất hợp. Giọng hát mộc mạc trong sáng của cô bé Hồng Thuý, con của một cán bộ ngân hàng.
Bài hát, giọng hát càng khiến cảnh sơ tán thời chiến có độ bình yên sâu lắng: Em đi trên phố phường, chan chứa tình yêu thương. Em yêu những con đường của thành phố quê hương… Hà Nội của em xinh tươi tràn ngập niềm vui nơi nơi. Hà Nội ngày nay đã lớn, ngày mai sẽ muôn lần đẹp hơn.
Diễn viên phim, một dàn sao: Thế Anh, Đoàn Dũng, Bích Vân, Kim Xuân (mẹ của Như Quỳnh)…Gia đình Ngọc Hà gồm mẹ do Trà Giang thủ vai, bố - Hà Văn Trọng, bé Thùy Dương em gái Ngọc Hà - Quỳnh Anh đóng.
Thùy Dương lúc đầu tưởng bị chết, bom ném trúng trường mẫu giáo của em. Sau hóa ra cô bé được một phụ nữ người miền Nam (Thanh Tú đóng) che chở - cô gái trẻ sắp cưới này vì cứu bé mà tắt thở trong một cảnh quay đúng là “đất rung, ngói tan, gạch nát” (Nhớ về Hà Nội - Hoàng Hiệp).
Chi tiết có hậu về Thùy Dương khiến cái kết của phim đỡ bi thảm. Quỳnh Anh - vai Thùy Dương, là con cô Tú Cầu dạy trường Ngô Sĩ Liên chúng tôi, năm ấy 5 tuổi.
Vài năm sau sinh hoạt cùng đội Họa Mi- Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội với tôi và Kim Anh. Đi đâu hay được chỉ trỏ bởi kháu khỉnh, cặp má bầu đáng yêu và bởi “đóng Thùy Dương trong Em bé Hà Nội”. Về sau cũng trở thành một phụ nữ xinh xắn trẻ dai.
Căn nhà nhỏ Quỳnh Anh ở ngày xưa thuộc khuôn viên của cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đất nước thống nhất được một số năm, nghe đồn khu đất đẹp tuyệt ở phố Hai Bà Trưng, cách Bờ Hồ chỉ vài bước chân này sẽ xây đại sứ quán Mỹ.
Rồi lại không thấy làm sứ quán mà chuyển thành Câu lạc bộ Mỹ. Cứ đến quốc khánh Mỹ, Noel, Tết tây là đều có “pạc-ty”, Tây đầm ăn uống nhảy múa suốt đêm. Thế gian biến cải biết đâu mà lường là như thế!
Đạo diễn Hải Ninh hỏi: Con bé đó giờ ở đâu, cũng trên 40 còn gì, tôi muốn gặp lại nó quá. Vâng lần gần đây nhất tôi gặp Quỳnh Anh cũng mười mấy năm rồi.
Còn Lan Hương, ông nhớ: “Lần đầu gặp, Hương mới 3 tuổi là cháu đạo diễn phim tài liệu Lưu Xuân Thư bạn tôi. Tôi nói: Con bé này có đôi mắt đẹp nhỉ, về sau làm diễn viên được đây.
7 năm sau làm phim Em bé Hà Nội, tôi đã chọn rất nhiều nhưng không được gương mặt ưng ý. Rồi tôi nhớ ra con bé mắt đẹp và tìm đến nhà nó ở Kim Liên. Nhưng mẹ Hương không muốn con làm nghệ thuật sớm, thấy tôi khen con tóc đẹp cô ấy cắt béng, ngắn đến tận ót để khỏi đóng phim. Nhưng Hương nhất định đòi đóng. Cái được nữa của Hương là bướng!”.
"Có thật kinh khủng thế không?"
Về nguyên cớ làm “bộ phim hiếm hoi phản ánh cuộc sống của Hà Nội trong giai đoạn này, một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam”, đạo diễn NSND Hải Ninh kể trong cuốn Đối mặt với B52, NXB Trẻ vừa ra mắt: “Ở Khâm Thiên, Mỹ ném bom rải thảm, gần như diệt từng tấc đất. Tôi nhìn thấy sự bi thương nhưng chỉ thế thì chưa đủ cảm xúc làm phim. Tôi đã gặp những phụ nữ vừa mất con lại cưu mang các em bé mồ côi như con mình. Đó là tình thương yêu vô bờ, sức mạnh của hậu phương. Nếu không có những con người như thế thì làm sao chiến sĩ ở mặt trận yên tâm chiến đấu. Từ hình ảnh những đứa trẻ ấy và tấm lòng của người Hà Nội, trong tôi xuất hiện ý nghĩ: Nhất định phải làm phim Em bé Hà Nội!”.
Khoảng 15 năm trước, đạo diễn Phillip Noyce đến Hà Nội. Ông cùng vợ và con gái tìm đến Xí nghiệp phim truyện VN do Hải Ninh làm giám đốc, đề nghị được xem bộ phim Em bé Hà Nội. Hết phim, đèn sáng, không khí có phần nặng nề.
Con gái Noyce lúc đó khoảng 12 tuổi, lên tiếng nhận xét như người lớn rằng nhìn chiến tranh thì Việt Nam nhìn một cách Mỹ nhìn một cách, song cô bé đóng em bé Hà Nội tuyệt vời.
Vợ ông- một nhà văn (không phải cô vợ da đen sau này) đôi mắt có nước, nói: Một sự kiện như thế này văn học làm còn khó nữa là điện ảnh. Noyce: Có thật kinh khủng thế không?Và Sao các ông quay được bằng máy di động? Chẳng là, quay bằng máy di động phức tạp vô cùng. Hải Ninh: Những gì ông thấy mới chỉ là một phần trăm sự thật. Chúng tôi làm sao có điều kiện để dựng cảnh đổ nát của Khâm Thiên, Bạch Mai...
“Tất cả bối cảnh ở Hà Nội đều là thật. Chỉ thêm vào chút ít, ví dụ cảnh Thanh Tú cứu cháu bé. Chúng tôi muốn làm bộ phim với phong cách tài liệu, càng thật càng tốt” - ông Hải Ninh nói.
Trên youtube, khán giả hôm nay bình phía dưới bộ phim: “Cảnh cuối quay ở C1 Đại học Bách Khoa. Nhìn lúc đó Bách Khoa không khác bây giờ, tự hào Bách Khoa quá”. “Đoạn quay ở Cầu Chui, Gia Lâm- hồi đó mẹ mình 8 tuổi mang xoong nồi ra đóng vai quần chúng cùng mấy cô trong làng”… Nhiều người bấm “like” (thích) bài hát và ca sĩ nhí ở đầu phim.
Bộ phim đã cùng Hải Ninh chu du nhiều nước trên thế giới kể cả Mỹ. Khi phim chiếu và hội thảo ở Nhật Bản, Ý, Hàn Quốc…, khán giả xúc động hỏi đoàn làm phim những câu như tại sao người Việt Nam lại có thể bình tĩnh đến thế trong hoàn cảnh ngặt nghèo đến thế.
“Tôi trả lời, nếu không bình tĩnh thì không thể đối phó với bom đạn của Mỹ. Có người hỏi về việc em bé Hà Nội luôn mang theo cây đàn, phim kết thúc cũng bằng cảnh kéo đàn. Tôi giải thích cho họ biết cây đàn là một ẩn dụ về hòa bình, và khát khao được học tập trở lại, được đến trường của trẻ em Hà Nội” - ông Hải Ninh hồi tưởng.
Em bé Hà Nội quay năm 1973-1974, ra mắt 1974, đoạt Bông sen vàng LHP Việt Nam 1975, Giải đặc biệt của Ban giám khảo LHP quốc tế Moscova, Giải thưởng của Mặt trận dân tộc giải phóng Palestine tại LHP quốc tế Syria.
Nhà phê bình điện ảnh Mỹ Jonathan Rosenbaum của Chicago Reader viết: “Bộ phim xuất sắc không chỉ bởi sự chân thực, thẳng thắn, gợi cảm xúc mà còn bởi phong cách điện ảnh hoàn mỹ”.
Kỳ sau: Xuống hầm cũng vui