Một sự kết thúc chiến lược vô song: “Thời cơ chiến lược”

Một sự kết thúc chiến lược vô song: “Thời cơ chiến lược”
Mặc dù kế hoạch tháng 10 đã được cân nhắc thận trọng, nó vẫn là một kế hoạch tùy thuộc rất lớn vào thời cơ. Mục tiêu toàn bộ của kế hoạch là phải tạo ra được, bằng mọi biện pháp có thể có, cái mà Quân đội Nhân dân Việt Nam gọi là một “thời cơ chiến lược” (strategic opportunity).

Thời cơ chiến lược đó có thể là một cuộc đảo chính quân sự ở Sài Gòn, một biến động chính trị dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Việt Nam, hoặc một chiến thắng quân sự có ý nghĩa quyết định của các đơn vị chủ lực Quân đội Nhân dân Việt Nam (22). Dù bằng cách nào và bất cứ khi nào thời cơ chiến lược xuất hiện, bản kế hoạch yêu cầu các lực lượng phải ngay lập tức hành động và khai thác triệt để thời cơ, mở cuộc tấn công bằng mọi sức mạnh có thể có để giành toàn thắng trong thời gian ngắn nhất có thể được trước khi “đối phương có xu hướng can thiệp”, nghĩa là trước khi Hoa Kỳ và Trung Hoa kịp có phản ứng (23).

Kế hoạch tấn công đề ra trong năm 1975 được chia làm 3 giai đoạn và tiếp sau đó sẽ là một cuộc “Tổng tấn công và Tổng nổi dậy” (General offensive and general Uprising) vào năm 1976 để “giải phóng” hoàn toàn miền Nam.

Giai đoạn Một  của kế hoạch 1975, một cuộc tấn công hạn chế trong địa bàn tác chiến của Trung ương Cục miền Nam có thể kéo dài từ tháng 12-1974 đến tháng 2-1975. Giai đoạn Hai, trọng tâm của đợt tấn công năm 1975, sẽ bắt đầu vào tháng 3-1975 bằng một trận công kích cỡ quân đoàn vào tiền đồn biên giới Đức Lập nằm trên Đường 14 thuộc vùng cực nam Tây Nguyên. Trận công kích Đức Lập sẽ được hỗ trợ bằng một hoạt động tác chiến thứ hai nhằm đánh lạc hướng quân địch ở miền Đông Nam Bộ (khu vực rộng lớn từ Sài Gòn đến giáp ranh Tây Nguyên), vùng hạ du miền Trung Việt Nam và vùng Trị Thiên (nơi đóng quân của Quân đoàn Một quân lực Việt Nam Cộng hòa).

Giai đoạn Ba, từ tháng 8 đến tháng 10-1975, là một giai đoạn hỗn hợp nhiều ý tưởng bao gồm những trận tấn công tiếp tục vào phía Bắc Trung Việt, củng cố  các lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam trên toàn miền Nam và sẵn sàng cho việc thực hiện “những kế hoạch thời cơ” (contingency plans) khi cần.

Những mục tiêu đề ra cho kế hoạch 1975 là phá hủy một phần đáng kể toàn bộ sức mạnh của quân đội Việt Nam Cộng hòa; đánh bại chương trình bình định; mở rộng mạng lưới cung cấp hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam dọc theo Đường 14 cho đến toàn bộ các tuyến đường dẫn đến đồng bằng sông Cửu Long; cắt đứt các tuyến đường liên lạc của kẻ địch; làm tê liệt nền kinh tế Nam Việt Nam; và kích động sự chống đối chính trị đối với Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (24). Tất cả những mục tiêu khác nhau này đều nhằm cùng một mục đích tối hậu: làm suy kiệt khả năng kháng cự của Nam Việt và tạo mọi điều kiện cho sự xuất hiện một “thời cơ chiến lược”.

Mặc dù Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu trong phiên họp hồi tháng Mười, nhưng bản kế hoạch đó chưa hoàn toàn thỏa mãn, và Bộ Chính trị đã quyết định họp lại vào tháng Mười hai để đánh giá lại tình hình triển khai và xem xét lại cả kế hoạch nếu cần. Các sự kiện diễn ra lúc đó đã làm thay đổi căn bản kế hoạch của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trong phiên họp toàn thể tháng Mười, Bộ Chính trị đã kết luận căn cứ vào tình hình mới trong nội bộ nước Mỹ (hậu quả chính trị của việc Nixon từ chức): Hoa Kỳ không có khả năng can thiệp trở lại vào cuộc chiến theo một phương cách có ý nghĩa nào (25). Nỗi băn khoăn chính yếu của các nhà vạch kế hoạch của Quân đội Nhân dân Việt Nam được giải tỏa, đã cho phép họ có quyền tự do lựa chọn những phương án táo bạo hơn.

Hơn nữa, trong cuộc chiến kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12-1974, Sư đoàn 304 của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã vượt qua cứ điểm then chốt Thượng Đức ở vùng núi phía Tây Đà Nẵng và đánh bại hàng loạt cuộc phản công có ý nghĩa quyết định của hai sư đoàn quân lực Việt Nam Cộng hòa – Sư đoàn 3 và Sư đoàn đổ bộ đường không thiện chiến. Chiến thắng Thượng Đức đã thuyết phục Ban lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam về khả năng những người lính của họ giờ đây có thể đánh bại ngay cả những đội quân thiện chiến nhất, được trang bị tốt nhất và được sự hỗ trợ tối đa của quân lực Việt Nam Cộng hòa (26).

Tuy nhiên, có hai nhân tố cuối cùng để đi đến chiến lược chung cuộc của Quân đội Nhân dân Việt Nam, luôn luôn ứng nghiệm đối với các nhà hoạch định kế hoạch ở mọi nơi, đó là: thời cơ và yếu tố con người. Trong trường hợp này, yếu tố con người là tướng Trần Văn Trà.

… Như chúng ta đã biết, một yếu tố then chốt trong kế hoạch tổng thể của Bộ Tổng tham mưu là yêu cầu sẵn sàng khai thác ngay lập tức mọi thời cơ chiến lược. Khi tướng Trà nhận được lệnh từ Bộ Tổng tham mưu giao cho Trung ương Cục miền Nam chuẩn bị một kế hoạch thời cơ (a contingency plan) cho một cuộc tấn công tức khắc vào Sài Gòn trong trường hợp xảy ra một “sự kiện chính trị – quân sự” (một cuộc đảo chính), ông đã biến “kế hoạch thời cơ” này thành nền tảng của toàn bộ kế hoạch của Trung ương Cục miền Nam cho năm 1975, chiếm Sài Gòn ngay trong năm 1975 chứ không đợi đến năm 1976, xem đó là mục tiêu tối hậu trong kế hoạch của Trung ương Cục miền Nam.

Tướng Trà đề nghị Hà Nội gửi ngay cho mình thêm ba hoặc bốn sư đoàn để thực hiện kế hoạch này, và ông đã  thay đổi cuộc tấn công hạn chế ở giai đoạn Một theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu đối với Trung ương Cục miền Nam thành một hoạt động tác chiến chủ yếu nhằm tạo cơ sở bước đầu cho cuộc tấn công vào Sài Gòn bằng cách giành quyền kiểm soát toàn bộ tỉnh Phước Long. Khi Bộ Chỉ huy tối cao đang cân nhắc yêu cầu đó, tướng Trà đã lên đường ra Hà Nội để trực tiếp bảo vệ ý kiến của mình.

Ra tới Hà Nội vào cuối tháng 11-1974, tướng Trà nhận thấy Bộ Tổng tham mưu đã bác bỏ phần lớn kế hoạch tấn công Phước Long và nghiêm cấm việc sử dụng những vũ khí trang bị quý giá của Trung ương Cục miền Nam như thiết giáp và pháo hạng nặng vào những trận tấn công nhỏ hơn. Tướng Trà bắt đầu tìm cách thuyết phục những người đồng chí cũ trong ban lãnh đạo Đảng, đặc biệt là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, để thay đổi quyết định của Bộ Tổng  tham mưu (28).

Giữa lúc đó trong những trận tấn công đầu tiên, quân đội của tướng Trà đã đè bẹp những cứ điểm nhỏ của quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Bù Đăng và Bù Na trên Đường 14. Bộ Chỉ huy quân sự của Trung ương Cục miền Nam, trong báo cáo gửi Hà Nội ngày 20 tháng Mười Hai nói rõ: Bên trong đống đổ nát của hai cứ điểm nói trên, các lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiếm được nguyên vẹn 4 khẩu pháo 105 mm và 7000 viên đạn. Kho báu bất ngờ ấy đã làm cho ban lãnh đạo ở Hà Nội sửng sốt. Bảy nghìn viên đạn pháo, lớn hơn một  nửa số đạn mà Bộ Tổng Tham mưu dự định đem sử dụng trên cả nước trong toàn bộ chiến dịch năm 1975.

Tướng Trà lúc này lập luận rằng ông có thể sử dụng số chiến lợi phẩm này cho kế hoạch tấn công vào thủ phủ tỉnh Phước Long mà không phải đụng đến số đạn dự trữ hiện có (29). Thực ra, Quân đội Nhân dân Việt Nam hy vọng sẽ thu giữ được nhiều đạn hơn nữa tại những căn cứ lớn của địch. Đó là một lý lẽ mà ban lãnh đạo không thể phản bác.

Tướng Trà được trao quyền thực thi những kế hoạch do ông đề nghị (30). Ngày 6-1, Sư đoàn 3 và Sư đoàn 7 đã hoàn thành việc chiếm đóng Phước Long và thu được thêm 1 vạn viên đạn pháo. Phía Nam Việt không hề có dấu hiệu muốn chiếm lại Phước Long, và trong lúc đó Hoa Kỳ có hành động đe dọa bằng cách đưa lực lượng chiến đấu trên tầu sân bay Enterprise tiến vào Nam Việt Nam, nhưng không bao lâu sau, tầu Enterpise rút ra và mối đe dọa cũng biến mất (31).

Chiến thắng ngoài dự kiến ở Phước Long cuối cùng đã làm cho ban lãnh đạo Bắc Việt Nam nhận thấy kế hoạch ban đầu của họ là quá thận trọng. Đánh giá của Bộ Chính trị cho rằng: Hoa Kỳ không có khả năng can thiệp trở lại vào cuộc chiến, đã được chứng minh là đúng đắn. Những điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã bộc lộ rõ. Và điều quan trọng là cuối cùng đã tìm được giải pháp khắc phục sự thiếu hụt nghiêm trọng nhất về đạn dược, đó là đánh chiếm các kho vũ khí và đạn pháo của Quân đội Việt Nam Cộng hòa (32).

Ngoài ra, trận đánh chiếm Phước Long càng làm cho Bộ Chính trị thấy rõ kế hoạch tấn công chính trong năm 1975 của quân chủ lực, cuộc tấn công đánh Đức Lập vào tháng ba bằng ba sư đoàn giờ đây đã trở nên không còn thích hợp và buộc phải thay đổi. Kế hoạch được thông qua hồi tháng Mười đã đề ra hai mục tiêu chính cho trận tấn công Đức Lập: Thứ nhất là dọn sạch Đường 14 để sử dụng làm đường vận chuyển chiến lược cho trận tấn công cuối cùng vào Sài Gòn, và thứ hai là thu hút và tiêu diệt một bộ phận đáng kể quân lực Việt Nam Cộng hòa khi chúng cố gắng giành lại những vùng đất đã bị mất. Với những bài học rút ra từ trận đánh Phước Long, giờ đây rõ ràng là nếu Đức Lập bị tấn công thì mục tiêu thứ hai sẽ không đạt được.

Trận Phước Long cho thấy, Việt Nam Cộng hòa đã sẵn sàng rời bỏ những vùng xa và không quan trọng về mặt chiến lược, như Đức Lập chẳng hạn. Nếu quân đội Nam Việt không cố chiếm lại Đức Lập thì cả ba sư đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ bị giam chân vào một nơi trống vắng chẳng có kẻ thù để chiến đấu, và yếu tố bất ngờ sẽ biến mất. Trần Văn Trà khẳng định chính ông là người đầu tiên đề nghị chuyển mục tiêu tấn công vào Ban Mê Thuột (chữ trong nguyên văn). Cho dù ý tưởng đó có phải do tướng Trà  nêu ra trước tiên hay không thì ban lãnh đạo Bắc Việt Nam đã không bỏ qua triển vọng chiếm được Ban Mê Thuột (33).

Ban Mê Thuột là một thành phố có trên 10 vạn dân, là “thủ phủ” của các bộ tộc ở Tây Nguyên. Nơi đặt đại bản doanh và các căn cứ hậu cần của sư đoàn 23 quân lực Việt Nam Cộng hòa, bao gồm cả tổ hợp tiếp vụ Mai Hắc Đế với những kho đạn pháo lớn đầy cám dỗ. Thành phố giữ vai trò một đầu mối giao thông quan trọng, nơi Đường 14 từ Kon Tum chạy xuôi xuống phía Nam đến vùng ngoại vi phía Bắc Sài Gòn, gặp Đường 21 chạy sang phía Đông đến thành phố biển Nha Trang rộng lớn. 

Nếu chiếm được Ban Mê Thuột, các lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam có thể vận động rất nhanh theo đường phía Bắc đánh úp Pleiku từ phía sau, tiến sang phía Đông cắt Việt Nam làm hai phần, hoặc xuôi về phía Nam để tấn công Sài Gòn. Quân đội Việt Nam Cộng hòa sẽ không chịu để mất một vị trí chiến lược quan trọng như vậy và sẽ buộc phải phản công. Điều đó là hoàn toàn chắc chắn vì các gia đình binh sĩ của Sư đoàn 23 đều có nhà ở Ban Mê Thuột – các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hòa không thể bỏ mặc vợ con mà không chiến đấu.

Mười năm trước, một xóm nhỏ ở Bình Giã phía Đông Sài Gòn đã được chọn làm mục tiêu tấn công đầu tiên của cộng sản trong một trận tác chiến gồm nhiều trung đoàn (tháng 12 năm 1964) chủ yếu vì ở đó có nhiều gia đình lính thủy Việt Nam Cộng hòa. Các vị chỉ huy của Quân đội Nhân dân Việt Nam biết chắc rằng quân đội Việt Nam Cộng hòa sẽ liều lĩnh chiếm lại Bình Giã để giải cứu cho những người thân và đã đặt bẫy để tiêu diệt lực lượng tiếp viện của quân lực Việt Nam Cộng hòa (34).

(Còn nữa)

Chú thích:

22. Hoàng Văn Thái.

23. (Như trên)

24. Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam – Trần Văn Trà.

25. Văn Tiến Dũng – Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam.

26. Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam – Hoàng Văn Thái.

28. Trần Văn Trà - Davidson.

29. Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam – Trần Văn Trà - Davidson.

30. Trần Văn Trà - Hoàng Văn Thái.

31. Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam – Hoàng Văn Thái – Davidson.

32. Hoàng Văn Thái

33. Trần Văn Trà - Hoàng Văn Thái.

34. Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam.

MỚI - NÓNG