Một số nơi ở đồng bằng sông Cửu Long lún 25-35 cm

Một số nơi ở đồng bằng sông Cửu Long lún 25-35 cm
TPO - “Chỉ trong vòng 25 năm, tại một số điểm ở đồng bằng sông Cửu Long, nền đất đã lún từ 25 – 35 cm”, ông Tom Kompier, Bí thư thứ Nhất phụ trách về Quản lí nước và Biến đổi khí hậu của Đại sứ quán Hà Lan chia sẻ về tình trạng sụt lún ở ĐBSCL.

Sáng nay (2/6), Đại sứ quán Hà Lan chia sẻ kết quả nghiên cứu Dự án Rise & Fall kéo dài 4 năm từ 2015, trong đó hợp phần quan trọng của dự án là đánh giá hiện trạng sụt lún ở ĐBSCL.

Để nghiên cứu về tình trạng sụt lún ở đây, các nhà khoa học từ Đại học Utrecht, Viện nghiên cứu Deltares Hà Lan kết hợp cùng Đại học Cần Thơ và Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam đã sử dụng mô hình 3D để tìm hiểu từng địa điểm sụt lún và mức độ sụt tại các điểm này.

Nghiên cứu cho thấy mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long lún xuống vài centimet, cao hơn nhiều so với tốc độ mực nước biển dâng vài milimet mỗi năm. Ông Philip Minderhoud, nghiên cứu sinh Tiến sĩ,  thành viên của nhóm dự án cho biết: Đây là lần đầu tiên một vùng đồng bằng lớn như vậy được dựng mô hình để tính toán tình trạng sụt lún. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy vùng đồng bằng này đang lún 1 -3 centimet mỗi năm và tốc độ này đang ngày càng tăng. Tại một số điểm, nền đất đã lún từ 25 – 35 centimet trong vòng 25 năm. Kết quả này nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì chúng tôi dự tính ban đầu.”

Theo nhóm nghiên cứu, hiện đồng bằng sông Cửu Long chỉ  cao hơn mực nước biển 1- 2 mét, đồng nghĩa với gia tăng nguy cơ xâm nhập mặn, ngập lụt và sạt lở bờ biển. Nếu không có biện pháp hành động ngay, vùng đồng bằng màu mỡ là nơi sinh sống của 20 triệu người và nguồn cung cấp lương thực cho 200 triệu người khác này sẽ phải đối mặt với tình trạng thảm họa nghiêm trọng.

Nguyên nhân chính do khai thác nước ngầm

Các nhà khoa học đã công bố báo cáo “Tác động của 25 năm khai thác nước ngầm tại đồng bằng sông Cửu Long”, theo đó nguyên nhân chính gây ra tình trạng sụt lún tại đây là do tình trạng khai thác nước ngầm. Sử dụng mô hình 3D xây dựng dựa trên số liệu địa chất, địa kĩ thuật, và trữ lượng nước ngầm, các kết quả của nghiên cứu này cũng được so sánh kiểm chứng với hình ảnh số liệu thu được từ vệ tinh. Việc khai thác nước ngầm phục vụ đời sống, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đang là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Tuy nhiên, khai thác nước ngầm không phải nguyên nhân duy nhất gây ra sụt lún ở khu vực này. Ông Gilles Erkens, chuyên gia nghiên cứu sụt lún tại Viện nghiên cứu Deltares cho biết: “Bên cạnh việc khai thác nước ngầm từ các tầng sâu thì còn các nguyên nhân khác như nền đất cũng bị nén do sức nặng từ các công trình và việc các tầng nước ngầm đang dần hạ thấp”.

Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ lượng hóa được các nguyên nhân khác gây ra hiện trạng sụt lún. Dự án nghiên cứu Rise & Fall cũng giúp Việt Nam đưa yếu tố sụt lún đất vào cân nhắc khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế thích ứng với khí hậu. Bước tiếp theo, dự án nghiên cứu sẽ đưa ra các dự báo cho đồng bằng sông Cửu Long.

MỚI - NÓNG