Chủ tịch Quốc hội:

Một số cán bộ có tài sản rất lớn nhưng không giải trình được

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển
TPO - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thực tế thời gian qua, khi xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, cho thấy một số cán bộ công chức, viên chức có tài sản rất lớn nhưng không giải trình được hợp lý nguồn gốc.

“So bó đũa chọn cột cờ thôi”

Ngày 10/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 3 về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.

Về vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý, hiện có hai phương án là áp dụng qua con đường tòa án và con đường thuế, đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Cho rằng phương án thu thuế thu nhập cá nhân “không thuận lắm”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đồng tình phương án xem xét, giải quyết tại tòa án, nhưng cũng băn khoăn suy nghĩ về tính khả thi của phương án này.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, phải trở lại cái gốc của vấn đề là kiểm soát dòng tiền và tài sản. Ông cũng ủng hộ xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý bằng phương án thu thuế thu nhập cá nhân. 

“Tôi thấy như vậy gọn hơn và theo tinh thần cải cách Chính phủ điện tử...”, ông Giàu cho hay.

Trong khi đo, Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, trong luật chưa nêu được thế nào là giải trình hợp lý: "Từ đó dễ dẫn tới tình trạng các chủ thể kéo nhau ra tòa, rồi cãi nhau rất phức tạp. Bởi nguồn tài sản của cán bộ, công chức thì đa dạng, phong phú, thậm chí rất nhạy cảm, nhưng luật lại không quy định rõ thế nào là hợp lý, thế nào là không".

 

Trước nhiều ý kiến băn khoăn, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, xoay quanh vấn đề tài sản, cần đưa ra quan điểm có xử lý hay không xử lý và xử lý theo phương án nào? Nếu nói không xử lý thì không có bước tiến gì. “Áp lực của cử tri thì nói việc chuyển tài sản từ người có chức vụ, quyền hạn có hành vi tham nhũng sang những dạng khác rất nhiều. Hơn nữa việc kê khai, giải trình tài sản tăng thêm thời gian qua chúng ta mới chỉ xử lý kỷ luật nên chưa đáp ứng yêu cầu”, bà Nga cho hay.

Cán bộ nhiều tài sản nhưng không giải trình được nguồn gốc

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình quan điểm phải rõ ràng, không nói chung chung và công tác phòng chống tham nhũng là việc thường xuyên, liên tục. "Quốc gia nào cũng phải chống tham nhũng, còn quan liêu thì còn tham nhũng. Ngay cả quốc gia có hệ thống pháp luật rất chặt chẽ vẫn có xảy ra tham nhũng", ông Hiển nói.

Ông Hiển ủng hộ quan điểm cần làm nổi bật hơn mặt phòng ngừa tham nhũng trong Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. "Muốn vậy chúng ta phải quyết tâm triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt. Tất cả chi tiêu từ 500 nghìn đồng trở phải thanh toán không dùng tiền mặt. Như vậy, kẻ tham nhũng dù có tiền trong nhà cũng không tiêu nổi. Cho nên, phòng là quan trọng nhất, chúng ta cương quyết thanh toán không dùng tiền mặt, phải kiểm soát hết”, ông Hiển nhấn mạnh.

Ông Hiển đồng tình với phương án thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý. 

"Với loại tài sản đó thì chuyển sang cơ quan thuế yêu cầu nộp thuế một lần, đồng thời phạt từ 1-3 lần. Như vậy tổng lên tới 145%, nhân với số ngày chậm nộp, số tiền nộp chậm nữa… Như thế có khi còn thu vượt quá số tài sản mà anh không kê khai”, ông Hiển nêu.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đối với tài sản phạm tội, tài sản do vi phạm pháp luật mà có, luật hình sự và luật xử lý vi phạm hành chính đã quy định rất cụ thể các biện pháp tịch thu xung công và tịch thu trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp. 

Luật phòng chống tham nhũng hiện hành và dự thảo luật này cũng quy định rất rõ là tịch thu tài sản do tham nhũng mà có.  

Nhưng riêng đối với tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, đến nay pháp luật chưa có quy định nào để xử lý. Trong khi đó, không loại trừ những tài sản này là có nguồn gốc bất hợp pháp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quyết tâm chính trị là phải minh bạch thu nhập tài sản để phòng chống tham nhũng. Thực tế khi xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm thời gian qua cho thấy rõ ràng có một số cán bộ công chức, viên chức có tài sản rất lớn nhưng không giải trình được hợp lý nguồn gốc.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, qua tiếp xúc, vấn đề cử tri quan tâm nhất không phải người tham nhũng bị tù bao nhiêu năm mà chỉ muốn biết tài sản trong vụ án tham nhũng đó đã thu hồi được chưa và thu hồi được bao nhiêu? 

“Đặc điểm xã hội nước ta và người dân có truyền thống tích luỹ nhiều đời, nên khi xử lý vấn đề này chúng ta phải tính tới đặc điểm văn hoá của người Việt. Tài sản của cán bộ công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, không phải chỉ có lương, mà có thể làm thêm giờ, làm thêm dưới nhiều hình thức...", bà Ngân cho hay.

Do đó, đối với 2 phương án mà cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đưa ra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phương án thu thuế và giải quyết tại tòa, bà Ngân cho biết, cả hai đều có ưu và nhược điểm. Từ đó, bà Ngân đề nghị, sau khi cân nhắc, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất báo cáo Bộ Chính trị cả 2 phương án này để Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.