Một số bệnh viện tại TPHCM: Đủ kiểu 'móc túi'

Một số bệnh viện tại TPHCM: Đủ kiểu 'móc túi'
TP - Bằng thủ đoạn tráo, cắt xén, ghép phim X- quang trong chụp chiếu; liên kết, liên doanh với các đơn vị ngoài luồng để ăn chia và lôi kéo bệnh nhân mổ dịch vụ…, bác sĩ ở 3 bệnh viện lớn tại TPHCM đã bỏ túi hàng tỷ đồng.

> Khi bác sỹ 'ăn phim'’ X- quang
> Lộ diện nhiều sai phạm tại BV đa khoa Hoài Đức

Hàng trăm nghìn tấm phim X-quang sai phạm bị tịch thu ở BV Chấn thương chỉnh hình. ảnh: L.N
Hàng trăm nghìn tấm phim X-quang sai phạm bị tịch thu ở BV Chấn thương chỉnh hình. ảnh: L.N.

Khi đang ở cương vị Giám đốc BV Bình Dân TPHCM, bác sĩ Nguyễn Chí Hùng cùng một số thuộc cấp đã bắt tay với các đơn vị ở ngoài “móc túi” bệnh nhân.

Tại kết luận thanh tra toàn diện bệnh viện này vừa được công bố cho thấy, từ năm 2008-2012, bệnh viện này liên doanh, liên kết đặt máy siêu âm tại bệnh viện với phòng khám đa khoa Lạc Việt, liên kết đặt máy CT- Scanner với Công ty TNHH Việt Nhật, đặt máy tán sỏi với Công ty TNHH Huynh Đệ Phương Đông… Tất cả những liên doanh này không có chủ trương của Sở Y tế TPHCM và đều không xây dựng đề án.

Sau đó, bệnh viện và đơn vị hợp tác ăn chia lợi nhuận. Sau khi đặt máy siêu âm trắng đen và màu, dù chưa thu hồi vốn nhưng đối tác hưởng 70% còn bệnh viện hưởng 40%. Sau khi thu hồi vốn, đối tác cũng được bệnh viện “ưu ái” cho hưởng tỷ lệ 60% còn bệnh viện hưởng 40%. Trong khi đó, tại hợp đồng máy CT-Scanner, Công ty TNHH Việt Nhật hưởng lợi nhuận tới 80%...

Bác sĩ Bùi Minh Trạng - Chánh Thanh tra Sở Y tế nói, chỉ trong thời gian ngắn phía đối tác đã thu hồi vốn, hợp đồng và lợi ích của hai bên cần phải thương thảo lại, tuy nhiên bệnh viện vẫn giữ nguyên tỷ lệ ăn chia như cũ là không hợp lý. Điều này dẫn đến bệnh viện thiệt hại hàng tỷ đồng.

Chỉ riêng trường hợp một máy siêu âm màu, thất thu số tiền của gần 500 triệu đồng. Một máy X-quang kỹ thuật số khác cũng được bệnh viện chi cho đối tác gần 78 triệu đồng không đúng hợp đồng, theo kết luận thanh tra.

Trao đổi với Tiền Phong hôm qua 8/10 về kết luận này, nguyên Giám đốc BV Bình Dân Nguyễn Chí Hùng nói “tôi chưa nhận được kết luận từ Sở Y tế và không trả lời gì thêm”.

Kết quả thanh tra hoạt động phẫu thuật theo yêu cầu cho thấy trong giai đoạn 2010-2012, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM có ba chế độ phẫu thuật là cấp cứu, chương trình và theo yêu cầu. Trong đó chế độ cấp cứu là nghĩa vụ bắt buộc nên không giống chế độ chương trình là có hội chẩn, sắp xếp lịch mổ.

Trong 14 phòng phẫu thuật thì nơi đây dành 9 phòng phẫu thuật dịch vụ, luôn có 9 bác sĩ phẫu thuật trong khi họ đang là bác sĩ thường trực ở các khoa. Trong danh sách 9 bác sĩ này có hai bác sĩ là Châu Văn Đính - Phó giám đốc và bác sĩ Phan Văn Trí - Phó giám đốc đều tham gia mổ để kiếm tiền.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, chỉ trong tháng 10/2012 nơi đây có 1.594 ca phẫu thuật, trong đó phẫu thuật theo theo yêu cầu có 1.071 ca. Trong tháng 10/2011 có 1.879 ca phẫu thuật, trong đó 1.279 ca mổ theo yêu cầu. Còn trong tháng 6/2012 tổng cộng có 2.140 ca phẫu thuật trong đó có 1.470 mổ theo dịch vụ.

“Tỷ lệ mổ dịch vụ ở bệnh viện này quá cao, chiếm 70%, trong đó đa số diễn ra từ thứ 2-6 hằng tuần, thời điểm các bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện ” - bác sĩ Trạng nói.

Không chỉ “chăm” mổ dịch vụ, các bác sĩ ở bệnh viện này còn dùng nhiều thủ đoạn để cắt xén, đánh tráo phim nhằm móc túi người bệnh. Tổng số phim bị cắt xén, ăn bớt và tráo đổi từ A sang B ước tính hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM số tiền này vào túi ai đến nay vẫn chưa làm rõ được. “Chúng tôi đã trình UBND TPHCM để chỉ đạo thanh tra TP vào cuộc làm rõ”- lãnh đạo sở này thông tin.

Cũng bằng cách cắt xén, tráo phim, hai bác sĩ của BV Nguyễn Tri Phương cũng đã bỏ túi hơn 600 triệu đồng trong thời gian hai năm qua. Ngay sau khi sự việc được phát hiện, hai bác sĩ là lãnh đạo Khoa chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện này đã xin nộp lại số tiền trên và gửi đơn xin nghỉ việc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG