Một phim hoàn hảo của Kim Ki-duk?

Một cảnh trong phim Xuân, Hạ, Thu, Đông... rồi lại Xuân
Một cảnh trong phim Xuân, Hạ, Thu, Đông... rồi lại Xuân
Xuân Hạ Thu Đông… rồi lại Xuân là phim đại chúng nhất của đạo diễn chuyên gây sốc Kim Ki-duk. Nhưng mãi sau khi ông đột ngột ra đi vì COVID-19, tôi mới có dịp xem. Cảm giác ngay sau khi xem xong: Phim gần như hoàn hảo.

Có vẻ như Kim Ki-duk rất hợp với kiểu kể chuyện có tính truyền kỳ mang màu sắc dân gian. Có vẻ như ông cũng khoái kiểu này nên mới có những tên phim tiếp theo như Người, không gian, thời gian… rồi lại người (Human, Space, Time… and Human) hay bộ phim mãi mãi dang dở Mưa, tuyết, mây và ếch?!

Đó là về hình thức, còn nội dung ông mang tới trong Xuân Hạ… hoàn toàn mới, đậm màu sắc cá nhân. Tác giả khuynh loát từ bối cảnh khi ngôi chùa nổi ở giữa hồ hoàn toàn do ông dựng lên với những cảnh cổng hoặc cửa thay cho tường. Tức là cửa thành biểu tượng kép cho cả sự ngăn cách và thông suốt. Mà xem ra cái gì trong phim cũng đầy tính biểu tượng. Chùa giống chùa, sư giống sư đấy, nhưng cẩn thận bị (tác giả) lừa…

Bên cạnh khá ít các nhân vật, phim có khá nhiều các con vật. Chẳng hạn gà trống biểu hiện cho dục vọng. Vì thế khi người đệ tử bỏ chùa, con vật này cũng đi theo anh ta. Rắn biểu tượng cho sự giận dữ và khi người đệ tử trở nên chín chắn, nó cũng nằm cuộn tròn nghe kinh. Con mèo tượng trưng cho tội lỗi, thế nên vị thầy bắt nó phải viết kinh bằng đuôi… Đạo diễn đã dùng những sự vật, bối cảnh không thực để tạo nên những khung hình tuyệt đẹp. Cái đẹp do người xem cảm nhận bằng thị giác rất dễ biến đổi thành nhận thức về tính hợp lý. Cho nên ai quá tỉnh sẽ thấy phim vô lý và khó chịu.

Có lẽ không gian thiền tính đã khiến cho phim này không bị sa vào bạo lực và cái ác. Nhưng không đời nào Kim chịu làm những bộ phim yên ả. Chẳng qua  cảnh giết người trong phim được ẩn đi mà thôi. Nhân vật vẫn đầy hận thù, hoàn toàn bị cơn giận chi phối, không hề hối lỗi sau khi gây tội ác. Mặc cho anh này đã ở chùa cùng cao tăng từ bé đến khi thành niên, tức là phải mười mấy năm. Phải chăng việc chỉ dạy của cao tăng cũng có vấn đề?! Nhưng có vẻ ý của đạo diễn ở đây là bản tính (hoặc bản năng) của con người thì rất khó thay đổi, để thay đổi phải trả những giá rất đắt.

Vị đệ tử hoàn toàn hành động theo bản năng, đã phạm giới ngay từ khi mới gặp hai mẹ con nữ thí chủ qua hành động đỡ cô gái xuống đò để ra chùa. Khi chỉ còn 2 người với nhau, vị đệ tử hành xử gần như… động vật đến kỳ động dục. Đạo diễn không kể câu chuyện tình yêu nào ở đây. Không có dấu vết của sự giáo hóa chứ đừng nói đến tu tập. Chả thế mà bộ phim bị các tín đồ Phật giáo phản đối. Nhưng mà thôi, đừng mắc bẫy của Kim Ki-duk. Ông cứ đặt các hiện tượng, sự vật đối lập cạnh nhau để gây rối mà thôi. Tôi vẫn quan tâm đến câu chuyện hơn. Trí tưởng tượng của tác giả đủ phong phú để tiếp tục gây bất ngờ.

Ngoại hình nhân vật bị đạo diễn đẩy xuống hàng thứ yếu khi chính ông nhảy vào đóng vai chính ở câu chuyện mùa Đông với gương mặt chả liên quan. Vị cao tăng từ giã cõi đời quá sớm (nhìn chưa đủ già), đâm ra nghi thức tự làm lễ trà tì cho mình của ngài có vẻ lại giống quyên sinh. Nhất là miếng giấy dán mắt của ngài lại ướt như thể ngài khóc. Khóc sao mà định thần được?! Chưa hết, cao tăng có dấu hiệu của người đắc thần thông. Như thế ông cũng nên nhìn trước nhân quả để những nghiệp báo tiếp theo không liên quan gì đến sự viên tịch của mình?! Đằng này nó vẫn dây dưa đến quả xấu tiếp theo. Thôi thì cứ cho là nghiệp của đệ tử quá nặng đến thầy cũng không gánh nổi(?)

Một sự vô lý dễ thấy nữa là người mẹ trẻ trùm kín mặt bằng một chiếc khăn không hề trong suốt. Vậy làm sao chị ta thấy đường chứ chưa nói đến việc đi trên mặt băng để đến chùa. Có lẽ đạo diễn say sưa với ý tưởng xây dựng biểu tượng về sự mù quáng chăng. Lúc chỉ có mình mình, chị ta còn trùm đầu làm gì?! Xung quanh cái khăn, đạo diễn còn làm vài trò mang tính trình diễn khác nữa, coi như làm duyên cho câu chuyện kiệm lời. Hình như ông muốn nói về Phật tính sẵn có trong người nữ?! Bức tượng Phật trên đỉnh núi cũng mang dáng nữ.

Đến hết phim, đạo diễn cũng không cho khán giả biết quả phụ giấu mặt là ai. Nhưng chắc nhiều người cũng đồng ý với tôi đó chính là nữ thí chủ trẻ tuổi năm nào. Nếu anh kia giết vợ thành công chắc không được ra tù sớm vậy. Sát thủ nay không chỉ hoàn lương mà còn đang tu tập tinh tấn. Nhưng cơn giận từng thuộc về anh ta thuở trước vẫn lơ lửng đâu đó chưa tan. Và người đàn bà từng bị anh ta kết tội chết vẫn không thể thoát... Dẫn đến cảnh kết mùa Đông, vị đệ tử nay là nhà sư phải triệt bỏ những dấu vết còn sót lại của “nọc độc” bằng cách tự buộc đá vào mình trong khi rước tượng Phật lên núi. Kết thúc chuỗi nghiệp quả kể từ khi anh ta còn là chú tiểu vô tư buộc đá hãm hại các con vật nhỏ.

Nhưng nghiệp báo chung của giống nòi vẫn tiếp diễn thông qua hành động xảy ra vào mùa Xuân tiếp theo khi ngôi chùa đón nhận đệ tử nhỏ tuổi mới. Hành động ngược đãi động vật trong phần cuối của phim có vẻ còn khó chấp nhận hơn đến nỗi bị lược bỏ trong bản chiếu ở Mỹ.

Sau một hồi chẻ hoe ra lại thấy phim bớt hoàn hảo, trừ việc thỏa mãn tính hiếu kỳ của khán giả?! Mà đồ rằng hoàn hảo cũng chẳng phải mưu cầu của Kim Ki-duk. Làm phim là cách hoàn hảo để ông bày tỏ cái tôi khác thường của mình mà thôi.

“Các phim khác của tôi chứa đầy sự tàn bạo và đau đớn. Nhưng với Xuân Hạ… tôi muốn thể hiện năng lực hàn gắn đến từ sự tha thứ và lòng khoan dung. Thực sự tôi cũng không định trước sự chuyển hướng này, dù nó rất quan trọng. Khi tôi lần đầu thăm hồ Jusan (bối cảnh của Xuân Hạ…), tôi vạch ra vài ý tưởng trên giấy. Nhưng tôi làm phim này mà không cần kịch bản”.
Đạo diễn Kim Ki-duk

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.