Một phần tư thế kỷ tìm người con gái Việt Nam

Một phần tư thế kỷ tìm người con gái Việt Nam
TP - Một ngày nọ, nhà  văn Lê Minh Hà đang sống ở  Đức bất ngờ nhận được điện thoại của một người đàn ông Đức mang tên Verne Watzik.

>> Tấm lòng của vợ chồng người Đức với một cô gái Việt

Một phần tư thế kỷ tìm người con gái Việt Nam ảnh 1
Hồng Đức đang đọc bài báo Đức viết về chuyện của mẹ mình 

Kỳ I: Thiên đường trong bệnh viện và cuộc “vượt cạn” ở xứ người                           

Ông Watzik cho biết, hơn 20 năm nay, ông và gia đình  đi tìm một người con gái Việt Nam mang tên VUONG nhưng  cho đến nay vẫn bặt vô âm tín. Theo lời kể của Watzik, VUONG là cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp sang Đông Đức xuất khẩu lao động vào năm 1982.

Nhưng lúc sang Đức, VUONG lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn: Mang thai và thường xuyên ốm đau... Theo quy định, cô phải trở về nước, nhưng sau đó nhờ sự giúp đỡ của một số người Đức, VUONG được vào bệnh viện nghỉ dưỡng.

Tại đây, VUONG đã gặp và thân thiết với Ina Watzik, vợ của Verne Watzik. Chỉ một thời gian ngắn, người con gái Việt Nam hiền lành, đáng yêu ấy đã được gia đình Watzik xem như người ruột thịt.

Thế rồi, VUONG sinh một bé gái bụ bẫm trong vòng tay chăm sóc của Ina Watzik. Bé gái được đặt tên là HONG DUC và VUONG trở thành người phụ nữ Việt Nam đi xuất khẩu lao động đầu tiên sinh con ở Đông Đức.

Tình cảm giữa VUONG và gia đình Watzik ngày càng gắn bó với rất nhiều kỷ niệm đẹp. Hết thời hạn lao động ở Đức, VUONG phải về nước. Sau khi nước Đức thống nhất , gia đình Verne Watzik sang Fankfut am Main sinh sống và làm việc cho đến giờ. Nhưng họ luôn thương nhớ và tìm kiếm người con gái Việt Nam mang tên VUONG.

Một phần tư thế kỷ tìm người con gái Việt Nam

Theo dòng địa chỉ, tôi đi tìm chị. Cán bộ xã Tân Tiến cho hay, người phụ nữ sang Cộng hòa dân chủ Đức năm ấy tên là Vượng, sau khi về nước một thời gian đã chuyển vào miền Nam sinh sống.

Một phần tư thế kỷ tìm người con gái Việt Nam ảnh 2
Chị Vượng chụp ảnh với hai đứa con của ông bà Ina Watzik và cậu bé hàng xóm

Ở xã còn gia đình anh trai tên là Thịnh. Tìm đến nhà ông Thịnh, tôi được biết: Vượng theo chồng con định cư TPHCM 8 năm nay, mới về quê một lần. Tôi xin số điện thoại của chị Vượng nhưng niềm hy vọng gặp được người phụ nữ này mong manh hơn…

Chuông điện thoại đổ dài. “A lô”. Giọng phụ nữ nói tiếng Bắc: “Tôi là Vượng đây”. Sau khi nghe tôi trình bày câu chuyện rằng, có gia đình ông  Watzik ở nước Đức muốn tìm gặp chị im lặng. Rồi phía đầu dây bên kia thốt lên: “Verne Watzik, hơn 20 năm rồi  mà họ vẫn nhớ tới tôi ư?”.

Sự xúc động của chị dường như lan tỏa qua sóng điện thoại. Ký ức của cả quãng đời tuổi trẻ ùa về. Chị kể cho tôi nghe bằng chất giọng nhỏ nhẹ truyền cảm, khiến cho khoảng cách hàng nghìn cây số như biến mất…

Năm 1978, Nguyễn Thị Vượng tình nguyện nhập ngũ khi chiến tranh biên giới phía Bắc đang cận kề. Những ngày tháng đóng quân ở tỉnh Bắc Thái hết sức vất vả, khắc nghiệt, nhưng Vượng vẫn vượt qua, vẫn sống lạc quan có lẽ một phần cũng nhờ vào tình yêu của một người lính.

Trong quân ngũ được 3 năm, Vượng được phục viên. Về quê, Vượng bỗng phát hiện mình đã có mang với người yêu. Cái thai lớn dần, trong khi người yêu lại ở xa, vì điều kiện công tác, không thể đến với Vượng để làm lễ cưới.

Đúng lúc ấy, có đợt xuất khẩu lao động Việt Nam sang nước Cộng hòa dân chủ Đức, ưu tiên bộ đội vừa giải ngũ. Vượng nộp hồ sơ và trúng tuyển. Mặc dù lúc ấy có quy định phụ nữ có mang không được đi lao động ở nước ngoài, nhưng Vượng vẫn cố giấu bí mật của mình. Chị đã lọt qua các cuộc kiểm tra sức khỏe vì cái thai chưa kịp lớn và vóc người nhỏ bé.

Khi sang Đức, Vượng học tiếng ở thành phố nhỏ Schanrfenstein, sau đó làm công nhân ở nhà máy sản xuất tủ lạnh ở Wolkenstein. Nhưng chị đã tự “tố cáo” mình bằng những cơn nôn ói, có lúc ngất xỉu.

Một phần tư thế kỷ tìm người con gái Việt Nam ảnh 3
Bác sỹ, y tá ở bệnh viện đến thăm mẹ con Vượng

Thấy Vượng hiền lành, hoàn cảnh đáng thương, ông Heinz - Giám đốc  công đoàn của nhà máy đã nhận chị làm con nuôi. Nhờ sự can thiệp của bố nuôi, chị được đưa tới bệnh viện Marienberg trong 6 tháng.

 “Thân gái bụng mang dạ chửa ở đất khách  quê người, lại đến một bệnh viện xa lạ nên đó hẳn là những ngày buồn tủi trong đời chị?”. Nhưng phía đầu dây bên kia, giọng của chị vui hơn khi kể về quãng thời gian ở bệnh viện.

Thiên đường trong bệnh viện

Nằm viện - đó dường như  lại là những ngày tháng hạnh phúc nhất  trong đời chị! Có gì đó vô lý chăng? Nhưng khi nghe chị kể, tôi nhận thấy bệnh viện đó có dáng dấp của một thiên đường mà nhân vật chính trong đó chính là gia đình ông Verne Watzik.

Bà Ina, vợ của ông Watzik, y tá trực tiếp chăm sóc cho Vượng. Sự chăm sóc đó ân cần đến nỗi nó khiến cho Vượng cảm thấy Ina như mẹ của mình. Bà lo cho Vượng từng bữa ăn, giấc ngủ.

Vượng không quen món ăn của Đức, bà Ina mới gặng hỏi chị rằng, ở Việt Nam chị thích ăn món gì. Bằng vốn tiếng Đức ít ỏi, chị kể cho bà nghe vài món. Bà lại hỏi xem công thức nấu nó thế nào? Chị nói lại nhưng cứ tưởng bà tò mò vậy thôi.

Một phần tư thế kỷ tìm người con gái Việt Nam ảnh 4
Một tờ báo Đức đăng tin Vượng - người phụ nữ Việt Nam đi xuất khẩu lao động đầu tiên sinh con ở Cộng hòa dân chủ Đức

Chẳng ngờ đến bữa ăn hôm đó, chị bỗng nhìn thấy bát cơm bốc khói, bát cá kho theo kiểu của quê mình. Nhưng món ăn thuần Việt ấy do một y tá người Đức nấu để chiều lòng bệnh nhân.

Chị biết bà đã phải tất tả chạy đi nhiều chợ để mua nguyên liệu, tìm cho được gạo, cá của vùng đất miền nhiệt đới, rồi nhánh riềng, quả ớt. Vượng bưng bát cơm, rưng rưng nước mắt, cảm giác như mình đang ở ngôi nhà ở làng quê và bà Ina chính là mẹ hiền.

Cứ  thế, bà Ina cứ gặng hỏi những món ăn Việt mà Vượng thích để mày mò nấu cho chị ăn. Có hôm bà làm thịt thỏ nhà nuôi được nấu cari với cà rốt mang vào viện mời Vượng.

Nhiều hôm, ông Watzik đi cùng bà Ina đến bệnh viện thăm Vượng. Ông luôn nhìn chị với ánh mắt ấm áp, đôn hậu. Và thường cứ đến cuối tuần, ông bà lại đón Vượng về nhà mình chơi. Đã hơn 20 năm trôi qua, nhưng chị vẫn chẳng thể nào quên được những ngày Chủ nhật êm đềm ấy.

Chị cùng gia đình Watzik đi vào rừng hái nấm. Những cây nấm ẩn hiện dưới gốc cây trong khu rừng nguyên sinh rộn tiếng chim ca khiến cho người con gái Việt Nam quên hết nỗi buồn xa xứ.

Chị thích đẩy chiếc xe, trên đó cô con gái nhỏ của vợ chồng ông Watzik  toe toét cười, một đứa nhỏ khác lũn cũn theo sau. Chị đến ruộng khoai tây vừa thu hoạch để nhặt những củ còn sót, tận hưởng niềm vui của một cô gái nông dân từng đi mót lúa trên cánh đồng ở quê nhà.

Lại có ngày Chủ nhật, chị đi đến nhà thờ cùng gia đình ông Watzik.  Sau khi cầu nguyện, ông Watzik chơi đàn dương cầm. Cả thánh đường lặng phắc khi tiếng đàn cất lên du dương.

Những bản nhạc của Moza, của Bach mà Vượng chưa bao giờ được biết nhưng khiến lòng chị như nổi sóng. Cho đến bây giờ, hơn 20 năm đã trôi qua, chị vẫn nhớ như in  tiếng đàn của ông Watzik ngân nga trong thánh đường.

Ông Watzik làm nghề thợ ảnh nên Vượng vẫn thường được chụp những tấm hình rất  ấn tượng. Bức ảnh chị ngồi trên một cành cây cao trông ngồ ngộ, bức ảnh chị đắm mình giữa đồng cỏ xanh, bức ảnh chị đẩy chiếc xe có cậu bé tóc vàng ngồi trên đi nhặt khoai tây…

Một phần tư thế kỷ tìm người con gái Việt Nam ảnh 5
Chị Vượng và con gái Hồng Đức những ngày ở Đức (ảnh nhỏ);

Tất cả những bức ảnh đó, Vượng vẫn còn giữ  và giờ đây dù nước ảnh có hơi ngả màu nhưng những khoảnh khắc ấy  vẫn tươi nguyên trong ký ức chị.

Phía đầu dây bên kia vang lên tiếng cười, chị bảo: “ Cứ đến gia đình ông Watzik là tôi cảm thấy vui như ở nhà mình. Ông ấy vui tính lắm. Ông thường kể  cho tôi nghe về gia đình, về văn hóa nước Đức. 

Tôi cũng tâm sự  với ông về gia đình mình, về làng quê lúc ấy hãy còn nghèo khổ của mình. Tôi bảo với Watzik rằng, mình đã từng đi bộ đội. Ông ngạc nhiên tỏ vẻ không tin: Cô bé nhỏ thế làm sao đi lính được?”. 

Cặp vợ chồng người Đức học hát quan họ

Lần ấy, Vượng đã mời gia đình ông Watzik đến dự ngày Tết cổ truyền của Việt Nam với nhóm bạn cùng làm việc trên đất Đức. Tết ở xứ người tuy không đầy đủ những thịt mỡ dưa hành, bánh chưng xanh nhưng vẫn có vài thứ thuần Việt gợi nhớ hương vị quê hương.

Ăn món mứt gừng, uống chén trà xanh, nếm món giò lụa, nem rán, và nghe những câu chuyện về phong tục Tết ở Việt Nam, ông bà Watzik như  “si tình” mảnh đất nhiệt đới hình chữ S . Ông bà  Watzik mua cuốn từ điển tiếng Việt và họ còn phiên âm tiếng “Vượng” để học nói theo.

Vượng dạy cho ông bà đôi ba làn điệu quan họ. Cây trúc xinh, Người ơi, người ở đừng về, những lời hát của hai người nước ngoài đó tuy giọng điệu còn có cái gì đó buồn cười nhưng đã khiến cho chị rơi nước mắt. Chẳng ngờ làn điệu dân ca quê nhà lại được người Đức hát trên nước Đức xa ngái nghìn trùng.

Mang thai sắp đến chín tháng mười ngày, dù ở trên xứ người nhưng Vượng chẳng cảm thấy cô đơn, lo lắng bởi xung quanh chị luôn có những người Đức thương yêu mình như ruột thịt. Họ chờ đợi và dường như còn hồi hôp trước giờ chị chuyển dạ.

Ngày 10/5/1982, chị sinh một bé gái bụ bẫm. Cháu bé được chị đặt tên là Hồng Đức để ghi nhớ những ngày tháng không thể nào quên trên nước Đức. Tên gọi bằng tiếng Đức của cháu bé là Rosi – nghĩa là “bông hồng”. Bông hồng nhỏ ấy đã được cả bệnh viện chào đón nâng niu.

Từ ông viện trưởng đến những cô y tá đều đến tận giường của Vượng thăm hỏi và bế bé gái da vàng kháu khỉnh. Không những thế thông tin này còn được nhiều người ở  Cộng hòa dân chủ Đức lúc bấy giờ quan tâm! Bởi vì Vượng là người phụ nữ Việt Nam đi xuất khẩu lao động đầu tiên sinh con ở Đông Đức.

Một tờ báo của Đông Đức đã đưa trang trọng thông tin này kèm theo đó là bức ảnh Vượng đang cười hạnh phúc bế bé Rosi vào lòng. Cột báo đó chị còn giữ  đến tận bây giờ và mỗi khi nhìn lại một cảm xúc khó tả lại dâng trào.

Kể đến đây, giọng chị chợt buồn, có vẻ như sóng gió cuộc đời lại sắp ập xuống đời người phụ nữ này sau khi sinh con thì phải?

(Còn tiếp)

Ghi chép của Phùng Nguyên – Lê Minh Hà

MỚI - NÓNG