Lúc này ngoài khóc ra thì tôi cũng không biết làm gì cho bớt đau khổ, khi tôi phải đối mặt với bệnh tật trên đất khách quê người.
Đón nhận ngôi nhà mơ ước của chồng làm tặng từ những mẩu tre. |
Tôi cất bước mệt mỏi vào xưởng mà trong xưởng vẫn không có người nào, bởi vì hôm đó là ngày trực nhật của tôi nên tôi phải đến sớm. Mặc dù rất mệt nhưng tôi đã cố gắng làm xong nhiệm vụ của mình.
Lúc quét dọn, lau chùi nhà xưởng tôi phải nhấc từng bước chân nặng nề có cảm giác như đeo chì, đeo sắt vào chân. Làm xong vẫn chưa có ai vào, tôi ngồi một mình bên băng chuyền suy nghĩ và tôi cảm thấy sợ hãi.
Khi chân của tôi có cảm giác giống hệt cảm giác lúc tôi bị bệnh u máu trong tủy sống, tôi tự đặt câu hỏi rồi lại tự đưa ra câu trả lời: Không, không thể như vậy được, không có lẽ nào lại như thế cả. Bệnh u máu quái ác kia mình đã được các bác sĩ mổ khỏi cách đây 5 năm rồi cơ mà!
Tôi đang mải suy nghĩ thì giật mình bởi tiếng hỏi của anh Quyết tổ trưởng:
- Làm gì mà ngồi ngây người ra thế, hay là đang tương tư anh nào hả em?
Tôi trả lời:
- Dạ! Không anh ạ! Hôm nay em mệt quá, nếu không làm được việc thì anh đừng la em đấy.
Anh Quyết cười hiền lành:
- Em cứ làm như anh là người hay la mắng lắm ấy.
Và đúng là hôm ấy tôi không làm được. Vừa vào ca một lúc mệt quá tôi xin tổ trưởng ra phòng y tế của công ty nằm nghỉ.
Vừa ra tới phòng y tế, tôi nói với chị Hạnh bác sỹ:
- Chị ơi! Hôm nay em thấy trong người hơi mệt chị cho em nằm nghỉ một lúc chị nhé.
- Em mệt thế nào? Ngồi xuống đây chị khám cho?
Tôi ngồi xuống ghế để chị Hạnh đo huyết áp cho tôi, chị Hạnh vừa đo vừa hỏi:
- Em thấy trong người thế nào?
Tôi đã kể hết mọi triệu chứng trong cơ thể của mình cho chị Hạnh nghe. Suy nghĩ một lúc chị Hạnh hỏi tiếp:
- Thế trước đây em có bị bệnh gì không?
- Dạ! Cách đây 5 năm em có bị bệnh u máu trong tủy sống chị ạ! Nhưng bệnh của em đã được mổ khỏi rồi.
Ngồi trầm ngâm một lúc chị Hạnh nói với tôi:
- Thôi được rồi em vào giường nằm nghỉ đi lát nữa chị sẽ điều xe của công ty đưa em vào bệnh viện khám xem sao. Chị nghĩ có thể căn bệnh u máu tủy sống của em đã tái phát lại rồi.
33 tuổi - cuộc sống gắn liền với chiếc xe lăn và giường bệnh. |
Nghe chị Hạnh nói vậy tôi rụng rời hết chân tay. Tôi sợ hãi vô cùng. Nhưng tôi không muốn tin đó là sự thật, tôi vẫn muốn tìm đủ mọi lý lẽ để tự lừa dối mình. Bởi vì sự thật đó quá tàn nhẫn và quá với sức chịu đựng của một người con gái 21 tuổi như tôi.
Tôi cứ thế nằm úp mặt xuống gối mặc cho những giọt nước mắt đau khổ tuôn ra…
Thấy tôi khóc chị Hạnh động viên tôi:
- Phương em bình tĩnh đi đó mới chỉ là chẩn đoán của chị thôi, em cứ khóc như vậy ốm ra càng khổ hơn.
Chị Hạnh, chị Chiến y tá của công ty và anh Quyết, Tổ trưởng của tôi điều xe đưa tôi vào bệnh viện Quân đoàn 4.
Sau khi khám xong, bác sĩ nói tôi làm thủ tục nhập viện để họ theo dõi thêm và chụp phim rồi mới kết luận được.
Làm thủ tục nhập viện cho tôi xong anh Quyết chị Chiến, chị Hạnh ra về. Lúc đó, nằm một mình trong căn phòng rộng mênh mông ở khoa nội, tôi cảm thấy cô đơn trống vắng vô cùng.
Tôi cứ nằm khóc nức nở như một đứa trẻ. Lúc này ngoài khóc ra thì tôi cũng không biết làm gì cho bớt đau khổ, khi tôi phải đối mặt với bệnh tật trên đất khách quê người.
… Trưa hôm sau, tôi đang nằm nghỉ, ngoài trời nắng chang chang nhìn hoa hết cả mắt. Bất ngờ, người yêu tôi đến. Tôi liền hỏi:
- Sao anh biết em nằm viện, ai đã nói cho anh?
- Tối qua anh tới nhà trọ để gặp em, chị chủ nhà nói em đang nằm viện. Mà em cũng lạ thật đấy, nằm viện sao không báo cho anh một tiếng. Bộ anh không phải là người yêu của em sao.
Lúc đó tôi không muốn để anh nhìn thấy tôi khóc, nhưng những giọt nước mắt của tôi nó đã chực sẵn ở khóe mắt rồi cứ thế nó tuôn ra. Anh ôm tôi vào lòng anh vừa lấy khăn lau nước mắt cho tôi vừa nói:
- Em ạ! Em đừng buồn nữa bệnh tật thì chữa từ từ nó sẽ khỏi, điều quan trọng nhất lúc này là em phải cố gắng ăn uống và giữ gìn sức khỏe. Em yên tâm anh sẽ luôn ở bên em.
Không gian bệnh viện im ắng lạ. Chỉ còn lại anh và tôi. Anh lấy trái cây gọt cho tôi ăn. Được anh quan tâm chăm sóc và được nghe những lời động viên an ủi của anh, tôi cảm thấy thật ấm lòng.
Nhưng lúc đó tôi cũng không biết những giây phút hạnh phúc ngọt ngào ấy còn kéo dài được bao lâu? Tình yêu của anh dành cho tôi được bao nhiêu ngày nữa, khi tôi mang trong người căn bệnh hiểm nghèo? Không phải tôi không tin tưởng vào tình yêu của anh.
Nhưng bao chuyện nhân tình thế thái, người ta đắm đuối khi hanh thông, bạc bẽo khi hoạn nạn không phải là chuyện hiếm.
Vì thế tôi làm gì còn dám mơ ước đến những chuyện cao sang của hạnh phúc lứa đôi. Và nếu như anh ấy cũng rời xa tôi, thì đó cũng là dễ hiểu và tôi cũng không bao giờ trách cứ.
Nhưng đối mặt với sự thật ấy có lẽ tôi sẽ không thể chịu đựng được. Nghĩ đến điều đó tôi thấy rùng mình hoảng sợ. Lúc đó tôi cứ mong thời gian đừng trôi nữa để tôi được ngồi bên anh mãi mãi.
Nhưng thời gian của người lính đâu có được bao nhiêu. Anh phải trở về đơn vị. Tiễn chân anh ra cửa tôi đứng nhìn theo những bước chân vội vàng của anh khuất dần sau rặng cây… Chỉ còn lại mình tôi với những giọt nước mắt đắng cay, đang lăn tròn trên má. Tôi thấy buồn vô tận…
Quay vào phòng tôi lại leo lên giường nằm, và hai giờ chiều hôm đó chị y tá sang phòng thông báo cho tôi chuẩn bị để sáng mai chuyển viện lên Bệnh viện Chợ Rẫy ở trên Sài Gòn.
… Nghe nói phải chuyển viện lên Sài Gòn tôi vô cùng lo lắng. Tiền bạc thì không có, lên bệnh viện lớn thành phố cái gì cũng đắt đỏ, với lại lên trên đó xa xôi cách trở và tôi cũng không quen biết một ai. Nghĩ đến đó, tôi gần như tuyệt vọng.
Chập tối, tôi cố gắng ra căng-tin ăn cơm và gọi điện về phòng trọ định báo cho Trường em tôi biết. Nhưng em vẫn tăng ca chưa về. Tôi đành phải nhắn lại với chị Hảo chủ nhà trọ để Trường biết tình hình của tôi.
Không kịp về phòng Trường đạp xe đi vay mượn tiền đưa lên cho tôi. Hơn 9 giờ tối Trường lên tới. Ngồi trầm ngâm một lúc Trường nói với tôi:
- Chị ạ! Hôm nay về muộn quá em chỉ mượn cho chị được có hơn hai triệu đồng thôi. Ngày mai chị cứ cầm chừng này đi trước rồi ở nhà em sẽ xoay xở thêm.
Nhìn đứa em trai mới có 19 tuổi cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới vậy mà phải gánh thêm trách nhiệm lo cho một người chị bệnh tật. Thương em đứt ruột nhưng tôi đã cố gắng kìm nén để không bật khóc trước mặt em.
… Lên đến Bệnh viện Chợ Rẫy tôi được đưa vào phòng cấp cứu luôn. Bởi, tôi quá yếu không chịu thêm được nữa.
Giữa cơn mê tỉnh, cứ mỗi lần nghe loa phóng thanh nhắc đến tên “Phương ở Nghệ An đóng tiền” tôi như bừng tỉnh với nỗi lo thường trực, tiền của tôi cầm đi bệnh viện chỉ có hơn bốn triệu đồng nên tôi rất sợ khi phải đóng hết số tiền đó thì tôi sẽ tồn tại ra sao?…
Bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy đông đến nghẹt thở. Một phòng nhỏ xíu, có đến chục chiếc giường bệnh, mỗi giường nằm hai người. Tôi cũng chung giường với một bà cụ.
Nhập viện được ba ngày bác sỹ chỉ định tôi phải đi chụp phim cộng hưởng từ và đưa giấy chụp phim để tôi đi đóng tiền.
Hôm đó là ngày mồng 6-1-2001, Hằng bạn thân, luôn bên tôi trong những ngày buồn đau này cũng cầm phiếu và tiền xuống quầy thu ngân. Một lát sau Hằng quay lên, nhưng nét mặt của Hằng có vẻ buồn buồn, tôi liền hỏi:
- Hằng đã đóng tiền chưa?
Trầm ngâm một lúc Hằng trả lời:
- Hằng chưa đóng tiền, vì mình không đủ tiền nữa Phương ạ! Tất cả chỉ còn hơn một triệu mà đóng tiền chụp phim phải mất hai triệu, chưa kể tiêm thuốc. Còn nếu tiêm thuốc nữa thì phải hai triệu rưỡi.
Tôi lặng người, suy nghĩ mông lung. Không còn cách nào khác tôi đành phải chờ đến tối Trường đi làm về tôi nói Hằng chạy xuống gọi điện về phòng trọ báo cho Trường để Trường vay mượn thêm.
Hai ngày sau em trai tôi mới vay mượn được tiền lên để tôi đóng tiền chụp phim. Chỉ có mấy ngày hai chị em không gặp nhau mà trông Trường gầy đi nhiều quá. Chân của tôi cũng đã yếu đi rất nhiều. Nhìn thấy tôi đi lại khó khăn, Trường đã khóc…
Có đủ tiền nộp, tôi làm thủ tục chụp phim. Nằm trong cái máy đó tôi tưởng tượng nó giống một cỗ quan tài. Bởi ở trong đó tối đen tôi không nhìn thấy gì cả, chỉ nghe những âm thanh của máy phát ra, lúc thì lạch cạch, lúc lại hú hú ghê người.
Sau khi chụp phim cộng hưởng từ xong, có kết quả các bác sỹ ở trên Bệnh viện Chợ Rẫy đã kết luận tôi bị bệnh Lao cột sống, chứ không phải U máu tủy sống tái phát.
Ngày đó tôi cũng không biết bệnh Lao cột sống nó như thế nào nên tôi đã hỏi bác sỹ Nhân người trực tiếp điều trị cho tôi:
- Bác ơi! Cháu bị bệnh lao cột sống thì có phải mổ không ạ?
- Bệnh này không phải mổ đâu cháu ạ! Chỉ cần cháu kiên trì uống thuốc Lao là từ từ nó sẽ khỏi.
Lúc nghe bác sỹ Nhân nói vậy tôi mừng vô kể, tôi phấn chấn hẳn lên. Tôi nói Hằng chạy ngay xuống gọi điện về phòng trọ báo cho Trường biết để Trường yên tâm. Chủ nhật được nghỉ, Trường lại lên thăm tôi và hôm đó Trường rất vui, em khoe với tôi:
- Từ ngày chị đi viện anh Chín lo cho chị lắm, vì anh ấy không có thời gian để lên viện thăm chị, nhưng rất quan tâm và buổi tối anh ấy cũng hay ra chơi với em.
Nghe Trường nhắc đến người yêu, tôi lại thấy buồn và trĩu lòng bởi vì nghĩ đến bệnh tật của mình không biết đến bao giờ mới khỏi…
Còn nữa