TS Remco Kort, người đứng đầu nghiên cứu thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học Ứng dụng của Hà Lan (TNO) cho biết: “Hôn thân mật liên quan chủ yếu đến tiếp xúc lưỡi và đây là hành vi âu yếm độc đáo chỉ nhất có ở con người. Chúng tôi muốn tìm hiểu mức độ các cặp đôi có thể trao đổi vi khuẩn qua nước bọt cũng như lưỡi trong khoang miệng cho nhau qua nụ hôn kéo dài 10 giây. Kết quả cho thấy, khi các cặp đôi hôn nhau thường xuyên thì các vi sinh vật trong nước bọt của họ sẽ trở nên gần như tương đồng”.
Cùng với các nhà nghiên cứu ở Micropia - viện nghiên cứu vi khuẩn học đầu tiên trên thế giới ở Amsterdam, TS Kort nghiên cứu 21 cặp đôi bằng cách yêu cầu họ hoàn thành bảng hỏi về tần suất và thói quen hôn thân mật trung bình của họ. Sau đó lấy mẫu để kiểm tra thành phần các vi sinh vật trong nước bọt cũng như trên lưỡi của họ.
Trong một thử nghiệm đối chứng nhằm xác định chính xác số lượng vi khuẩn được trao đổi giữa hai người trong một nụ hôn, mỗi người trong một cặp đôi sẽ được uống một loại đồ uống có chứa lượng khuẩn Lactobacillus và Bifidobacteria nhất định trước khi hôn nhau.
Sau một nụ hôn thân mật, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng số lượng vi khuẩn trong nước bọt đã tăng lên gấp 3 lần. Họ ước tính có khoảng 80 triệu vi khuẩn có thể được truyền - nhiễm trong một nụ hôn kéo dài 10 giây.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Microbiome.