Một “người” của hai người

Một “người” của hai người
TP - Tôi đọc “Người” (NXB Phụ Nữ, 2008) chỉ trong một tối sau khi rời buổi khai trương triển lãm– ra mắt sách của hai ông. Không phải tôi đọc nhanh, đơn giản vì khá nhiều chân dung trong đó tôi đã đọc từ trước, với tư cách người biên tập hoặc bạn đọc.
Một “người” của hai người ảnh 1
Họa sĩ Lê Thiết Cương (trái) và nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Sáng hôm sau, tôi thong thả lật lại cuốn sách, xem những chân dung mà mình thấy thích nhất. Nhưng cái chính là tôi muốn tìm cho mình câu trả lời: Vì sao một nhà thơ thích vẽ và một họa sĩ thích viết văn quyết định làm chung một tập sách chân dung.

Nó đơn thuần là một cuộc chơi hay một kiểu làm sách mới, một kỳ ngộ giữa văn chương và hội họa trong hơn 200 trang giấy khổ lớn, gồm hơn 20 chân dung nhân vật (của Nguyễn Quang Thiều) và 10 bức tranh (của Lê Thiết Cương)?

Ngoại trừ lối viết thù tạc, bốc thơm nhau thì chân dung nhân vật là thể loại tưởng dễ mà thật ra rất khó viết. Cái khó nhất nó đòi hỏi là sự can đảm để đối diện với nhân vật và đối mặt với chính mình.

Nhân vật trong “Người” là những “ông lớn” trên văn đàn: Kim Lân, Tào Mạt, Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật… hay những “ông kễnh” (chữ của Nguyễn Quang Thiều) Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp… và cả những “vô danh” như Phạm Long Quận, Nguyễn Hoàng Đức…

Có những nhân vật người ta nghĩ sẽ rất khó viết (mà tôi không tiện nêu tên) nhưng Nguyễn Quang Thiều viết vẫn ra, vẫn chinh phục được những người đọc khó tính.

Dường như cái đích ông hướng tới không phải chân dung nhân vật mà là giải mã đời sống và hành vi của nhân vật, như là giải mã bí mật của con người.

Có vẻ như ông mượn nhân vật để nói lên quan điểm nghệ thuật, bày tỏ thái độ xã hội với những gì xảy ra quanh chúng ta hôm nay. Có những lúc nhân vật đã hoàn toàn thoát ly khỏi chân dung của mình.

“Nhiều nhà văn nói văn chương là phù phiếm, là cuộc chơi vô tăm tích. Họ đã quá sai lầm. Bởi khi nói đến sự phù phiếm và vô tăm tích nghĩa là họ đang cố tìm kiếm một lợi ích nào đó rất cụ thể và đầy dục vọng từ văn chương. Mà họ không biết rằng sáng tạo đó là sự sống”. (Cái bóng của một con người).

“Thời đại của chúng ta đang sống quá ồn ào và chúng ta nhiều lúc quên đi những giọng nói tĩnh lặng của tâm hồn và sự suy tưởng” (Đứng trước những con sóng).

“Tất cả chúng ta không là gì nếu không phải là chính chúng ta” (Những đoạn rời rạc về một người đàn ông Tày).

Viết về nhân vật, nghĩa là kể về một người khác, nhưng Nguyễn Quang Thiều sử dụng rất nhiều đại từ nhân xưng “tôi”, bởi vì ông đang chia sẻ, giãi bày là chính chứ không chủ tâm định giá định danh ai.

Chỉ có một nhân vật mà ông đã hứa với tôi từ lâu, và đến bây giờ tôi vẫn chờ đợi ông viết: nhà thơ, thiếu tướng công an (đã nghỉ hưu) Khổng Minh Dụ. Ông từng kể rằng: Khi ông Dụ nghe nói ông định viết về mình, đã không đồng ý. Và ông đã nói với ông Dụ: Đồng ý hay không là quyền của anh, còn viết là quyền của em.

Tôi hiểu ý ông nói đến quyền của nhà văn.

Trong 39 Lý Quốc Sư: Chủ nhà và khách, Nguyễn Quang Thiều viết: Có lẽ tôi là một trong những người khách  được anh chiều chuộng nhất. Từ khi biết tôi vẽ, anh hay cho tôi màu và các dụng cụ khác như bút hoặc bay…

Trong các họa sĩ, Lê Thiết Cương là người viết rất nhiều. Anh viết về hội họa. Viết về những vấn đề nghệ thuật. Nhưng anh còn là một người viết truyện ngắn có một giọng điệu riêng…

Còn Lê Thiết Cương thì: Cứ tưởng viết chân dung thì cần phải chính xác nhưng chính xác không có nghĩa là chép. Vẽ cũng vậy… Tôi đặc biệt thích những câu mở, những hình ảnh buông, lửng lơ của Nguyễn Quang Thiều…

Vậy là, hội hoạ và văn chương đã buộc hai người lại với nhau trong “Người” bằng một sợi dây liên tài.

Nếu tôi không nhầm thì hầu hết các chân dung văn học trong cuốn “Người” đã được in báo. Những chân dung thấp thoáng chất báo chí, nhưng nhiều chất thơ.

Tôi tin rằng các biên tập viên trong đó có tôi rất thích thấy những bài viết này đặt trên bàn biên tập. Nó dễ đọc nhưng không chiều khách, sâu sắc mà không rắc rối, thiên vị mà không thiên lệch…

Tôi đã chứng kiến khá nhiều cuốn sách được in ra bằng cách tập hợp những bài viết đã in trên báo. Phần lớn chúng đều chẳng đi đến đâu, bởi sách là sách, còn báo là báo. Nhưng với “Thăm thẳm bóng người” (của Đỗ Chu) và bây giờ là “Người” của đôi bạn Thiều – Cương thì lại khác.

Thành thật mà nói, có một số chân dung tôi chưa thích, nhưng đó chỉ là sự thích hay không giữa sơn mài và sơn dầu, hay nôm na là giữa trứng luộc và trứng rán mà thôi. Nó không liên quan gì đến cuốn sách này, giống như buổi sáng không liên quan gì đến giấc mơ.

“Người” thêm một lần nữa cho thấy quan niệm cầm bút: “không phải viết cái gì, mà là viết như thế nào” chính xác. Văn và tranh trong “Người” có một khẩu khí riêng, một lối dựng chân dung khác, chứa đựng những điều gửi gắm kỹ lưỡng của tác giả mà người ta thường gọi là nghệ thuật có tư tưởng.

Quay trở lại những điều băn khoăn ban đầu, tôi vẫn nghĩ cuốn sách này là cuộc chơi cho đáng ra chơi của hai người bạn. (Lâu nay làng văn nghệ của ta hơi trang nghiêm quá, và thưa thớt những lối chơi đồng đội). Còn độc giả có một cuốn sách đẹp, sang, đáng đọc.

28/10/2008

MỚI - NÓNG