Một ngày vui ở làng Canh Giao

Các em nhỏ háo hức trước những trò chơi mới.
Các em nhỏ háo hức trước những trò chơi mới.
TP - Tiếng cười rộn vang tại điểm trường Tiểu học Canh Giao trong lễ bàn giao dự án “Lắp đặt sân chơi vận động cho trẻ em” như đánh thức sự tĩnh lặng của bản làng giữa điệp trùng là núi non. “Tôi chưa từng thấy bọn trẻ vui như thế!”- cô Lê Thị Thu Lợi, hiệu trưởng trường Tiểu học Canh Hiệp thốt lên.

Chiều 24/6, ngay sau khi nhận dự án “Sẻ chia nhân ái” thực hiện tại Bình Định nhóm thí sinh: Lê Hoàng Bảo Trân (SBD 322), Huỳnh Phạm Thủy Tiên (SBD 031), Lê Thị Hà Thu Chiêu (SBD 116), Lê Thị Mỹ Duyên (SBD 382) lập tức thu dọn hành lý và lên đường...

Trên gương mặt các cô gái đều bày tỏ sự lo lắng. “Sau đêm Chung khảo, có lẽ ai cũng muốn chạy ngay về nhà trong vòng tay của người thân. Nhưng được trải nghiệm thực tế cũng là hành trình vô cùng thú vị và ý nghĩa. Tuy nhiên, điều mà em cũng như các bạn thí sinh còn lại lo lắng đó là chúng em chưa có nhiều thời gian để chuẩn bị tốt nhất cho dự án của mình. Nhưng em sẽ dành hết tâm sức và làm bằng cả trái tim”- Thủy Tiên chia sẻ.

Người đón đoàn thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2018 và e-kip là trưởng làng Canh Giao Nguyễn Văn Thanh. Làng Canh Giao có 62 hộ gia đình với 217 nhân khẩu. 100% người dân ở đây là người dân tộc Chăm và đều là hộ nghèo. Trong đó có khoảng 10 hộ đặc biệt khó khăn.

“Trẻ con trong làng hầu hết chỉ học hết cấp 1 rồi ở nhà nghỉ chơi, đi chăn bò, trông em cho bố mẹ đi làm nương rẫy, lượm chai, làm mướn. Điều kiện kinh tế khó khăn nên rất ít gia đình có thể nuôi con học tiếp lên cao”- anh Thanh nói.

Tới đây, 4 thí sinh được chia làm 2 nhóm để đi tới các hộ gia đình trong làng. Bước vào ngôi nhà ngay đầu làng của chị Đoàn Thị Dụ, nhiều người không khỏi xót xa. Ngôi nhà sàn được ghép lại bằng những tấm liếp nứa, có tấm chỉ cần cơn gió nhẹ có thể thổi bay. Hai đứa nhỏ ngồi trân trân ngay lối vào, ở góc sàn là chiếc tivi đen trắng. Nghe bảo cũng đã hỏng từ lâu, hơn nữa không xem được vì thiếu điện.

Chị Dụ vóc người nhỏ bé, chẳng ai tin chị sinh năm 1995 và đã là mẹ của hai đứa con, một đứa 5 tuổi, một đứa 2 tuổi. Hằng ngày chị đi làm rẫy, lấy củi, lượm chai (lấy từ mủ cây chò- pv) để mưu sinh và nuôi con. “Đi lượm chai ngày nào trúng đậm được khoảng 50 nghìn. Đó là ngày thu nhập cao nhất của gia đình tôi”- chị Dụ nói.

Sau cuộc trò chuyện ngắn, Thu Chiêu và Mỹ Duyên xin được chia sẻ việc nhà với chị Dụ. Hai cô gái người đi nhóm bếp, người cho heo ăn rồi bổ củi, chơi với bọn nhỏ. Ướt đẫm lưng áo khi rời nhà chị Dụ lúc quá 12h trưa, Thu Chiêu tâm sự: “Nghe chị Dụ chia sẻ, em thấy bọn trẻ thường phải tự chơi với nhau khi cha mẹ đi làm. Chứng kiến các em bé trèo tít lên ngọn cây, hay chỉ ôm khư khư con mèo khiến em suy nghĩ phải cùng các bạn gấp rút chuẩn bị sân chơi mới cho các bé. Em hi vọng các bé sẽ có thêm các trò chơi mới thú vị và bổ ích”.

Còn với Bảo Trân và Thuỷ Tiên sau khi trở về điểm trường Canh Giao, cả hai đều nở nụ cười rạng ngời. Bảo Trân hào hứng: “Lần đầu tiên em nấu bếp củi và được chính các em nhỏ ở đây hướng dẫn cách nhóm bếp. Em và Thuỷ Tiên nấu một bữa ăn trọn vẹn cho các bé. Các bé đã ăn rất ngon miệng. Nhìn nụ cười giòn tan của các bé em cảm thấy mọi mệt mỏi tan biến hết”.

Ăn vội bữa trưa đơn giản, cả 4 cô gái bắt đầu ráp sân chơi cho các bé. Trời nắng như đổ lửa rồi lại lấm tấm mưa nhưng không làm chậm lại tiến độ công việc. Ngược lại, 4 thí sinh đều gắng sức hơn để hoàn thành dự án ráp sân chơi trước khi trời tối. Nhìn các cô gái hối hả khiêng vác, tay thoăn thoắt vặn ốc vít, nhổ đinh mà ai nấy đều bất ngờ.

Từ 6h sáng ngày 26/6, bọn trẻ cùng phụ huynh đã tập trung ở sân trường dù được thông báo 8h sẽ thực hiện lễ bàn giao dự án. “Hôm nay, mấy đứa nhỏ dậy từ sớm, không chịu ăn và đòi ra trường ngay”- một vị phụ huynh nói...

Những đứa nhỏ ngồi trên ghế băng nhưng mắt không hướng lên sân khấu mà chăm chăm nhìn những món đồ chơi xung quanh. Chỉ đợi hết màn trao quà, trao học bổng cho các em học sinh xuất sắc, lũ trẻ như ong vỡ tổ ào ra đu quay, nhà bóng, thú nhún… cười giòn tan. Khoảnh khắc ấy, từ thầy cô, phụ huynh cho đến những người trong e-kip thực hiện dự án “Sẻ chia nhân ái” đều rưng rưng.

Trưởng làng Nguyễn Văn Thanh xúc động: “Bà con rất mừng khi có sân chơi này dành cho bọn trẻ. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu điện, thiếu sóng điện thoại nên hôm nay chúng tôi mới biết tới cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Chúng tôi rất bất ngờ khi các thí sinh của cuộc thi không quản ngại khó khăn lên đây. Các bạn đều thân thiện và dành tâm huyết để dựng sân chơi cho trẻ em trong làng. Cảm ơn BTC cuộc thi đã tổ chức chương trình nhân ái hướng tới bản làng và trẻ nhỏ”.

Trong tiếng cười rộn vang và những niềm xúc động khi ấy, câu chuyện bên lề của cô Lê Thị Thu Lợi- hiệu trưởng trường Tiểu học Canh Hiệp khiến ai nấy phải trầm tư. “Em học sinh Lê Văn Nghị hôm nay vắng mặt khi được trao học bổng là vì em phải đi ở đợ. Nghị mồ côi cha từ nhỏ và là anh lớn trong nhà có 4 anh em. Gia đình Nghị từng được hỗ trợ xây nhà nhưng đã sập. Hiện tại, gia đình em đang ở tạm trong một cái lán dựng lên ở trong làng. Nghị đã học hết lớp 5 và có thể sẽ phải nghỉ học ở nhà phụ mẹ trông em…”.

Đường quay về thị trấn Vân Canh như gập ghềnh hơn. “Chúng ta sẽ còn phải trở lại…”- 4 thí sinh nhắn nhủ nhau.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.