Khoác ba lô ra thế giới:

Một ngày trên sông Amazon

MZung trước khi leo núi đá Batan Grande - Peru
MZung trước khi leo núi đá Batan Grande - Peru
TP - Tôi chọn đường vòng cánh cung từ Argentina qua Bolivia để đến Peru và Ecuador. Sau đó hoàn toàn đi bằng xe buýt trong suốt hành trình. Tôi băng qua ngàn dặm hoang mạc, sa mạc bụi đỏ, các cánh rừng và núi cao Nam Mỹ và mệt mỏi bay biến khi biết mình sắp được gặp Amazon.  

Từ Lima tôi đi xe buýt hơn một ngày đường, trải qua hàng dặm hoang mạc và sa mạc bụi đỏ vòng vèo trên núi cao Peru để đến thành phố cổ kính Cusco. Nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ tôi nối tiếp 2 chuyến xe buýt xuyên rừng thêm một ngày đường nữa để đến điểm tập kết của Rainforest Expeditions Company rồi đón xuồng vào rừng. Và rồi từ 4 giờ sáng đã bắt đầu theo xuồng máy xuôi dòng sông hoang dã Amazon.

Sông Amazon là một phần không thể thiếu của cánh rừng Amazon huyền thoại. Dòng sông uốn quanh trải dài qua nhiều lãnh thổ, bồi đắp phù sa dưới dòng chảy xiết. Nhiều khúc sông bồi lở, đá ngầm, xươg cây cổ thụ giăng mắc chi chít. Thuyền di chuyển trên sông đều là loại thuyền gỗ nhỏ, sức chứa không quá 20 người, một người lái tàu ngồi đằng sau và một người hướng dẫn mũi tàu ngồi ở đằng trước.

Kinh nghiệm lái tàu đặc biệt cần thiết, vì lòng sông Amazon thay đổi từng ngày. Luồng nước chảy mạnh, xác cây cổ thụ liên tục luân chuyển bên dưới. Sau khi mang áo phao, chúng tôi được hướng dẫn cách ngồi và di chuyển làm sao cho cân bằng hai bên mạn thuyền. Ở những đoạn hạ nguồn nhà cửa thưa thớt, xuồng máy còn vào ra ở những bãi bùn được xây cầu gỗ tạm. Nhưng đi tầm vài cây số thì dòng sông tuyệt nhiên không bóng người, chỉ có những trạm kiểm soát và xuồng của các trung tâm nghiên cứu thi thoảng qua lại. Gió từ thượng nguồn thổi ào ạt, mát thanh mang cả vị bùn và hương rừng quấn quyện. 

Một ngày trên sông Amazon ảnh 1 Chim Amazon
Sau vài giờ đồng hồ trên sông, mặt trời bắt đầu ló rạng, thuyền chầm chậm dẫn chúng tôi vào một nhánh sông nhỏ rồi dừng lại. Chúng tôi đi theo người dẫn đường vào một bãi lau sậy với nền đất khô rắn. Luồn theo lối đi nhỏ, một khoảng sông xanh mướt hiện ra. Một vùng sông nước và khắp các cành cây phủ đầy màu đỏ từ loài vẹt đỏ đuôi dài Scarlet Macaw.
Loài vẹt này có chiếc mỏ màu vàng nhạt, phần thân và nửa đôi cánh trên rực đỏ pha màu vàng nắng, phần cuối cánh là màu xanh lá mạ và kết thúc bằng màu xanh nước biển. Phần đuôi dài tiệp thêm màu đỏ như bảng màu được pha phối nhịp nhàng. Lúc chúng bay lên và chao liệng là một bức tranh đầy kiêu hãnh. Buổi sáng sớm là thời điểm Macaw đi ăn loại đất sét đỏ Clay hai bên bờ sông. Vẹt đuôi dài thường ăn các loại hạt và có lượng chất tannin và alkaloid không tốt cho dạ dày, chúng đã biết cách tự chữa bệnh bằng loại đất sét có các khoáng chất khử độc, trung hòa và hấp thu vi khuẩn. 

Một ngày trên sông Amazon ảnh 2 Tổ chim treo bên sông Amazon

Bạn cần phải có một loại ống nhòm tốt hay một loại kính viễn vọng đúng chức năng để có thể phân biệt được loài Scarlet Macaw và loài Red-Green Macaw. Red-Green Macaw có trọng lượng lớn hơn Scarlet Macaw một tí, trên cánh không có mảng màu vàng và viền mắt có màu hồng nhạt. Hay Blue-Yellow Macaw thì có thân và đuôi màu vàng, cánh tuyền màu xanh biển. Thi thoảng lạc trong bầy vẹt có vài con Chestnut-Fronted Macaw, Red-Bellied Macaw hay Blue-Headed Macaw… sà xuống khiến cho cả vùng rộn ràng như một festival đầy màu sắc dưới ánh nắng bình minh.

Để bắt kịp một khoảnh khắc đẹp khác, chúng tôi di chuyển nhanh đến một khúc sông gần đó nơi có hơn 10 loài Parrot hay còn gọi là chim Két tụ đàn. Trên nền đất sét đỏ là các loài có bộ lông xanh đậu đầy. Hàng ngàn hàng vạn, hằng hà sa số con Mealy Parrot, Yellow-Crowned Parrot, Blue-Headed Parrot, White-Bellied Parrot… bay lượn tấp nập và phát ra tiếng gọi như tiếng nói chuyện của các bà các chị ở quê sáng sáng xuống chợ mai.

Loài vẹt và két vô cùng thông minh, mọi động tác của chúng đều gây thiện cảm, dễ thương nên rất nhiều người nảy sinh thú chơi cảnh. Chúng được huấn luyện để trở thành bạn, nói được tiếng người, diễn được nhiều trò mua vui. Có lần tôi được nghe người bạn vô cùng yêu thích loài vẹt bảo, chúng cần bàn tay chăm sóc của con người, nếu xa bàn tay người ra chúng sẽ không sống được lâu, nếu sổng khỏi chuồng bay ra ngoài chúng sẽ chết.

Tôi không nghĩ như vậy, chúng thuộc về tự nhiên, nếu cướp đi quyền bay lượn như bạn bè chúng, cũng như con người, tuổi thọ và cái chết sẽ đến rất nhanh. Chúng tôi đứng ở đấy ngắm những sải cánh của tự do và thấy không ở đâu hạnh phúc hơn chúng, nơi không có bắt nhốt, cầm tù như bạn bè chúng bị bắt trộm và bán về phố khắp nơi trên thế giới. Macaw và Parrot phối thứ màu sắc tuyệt đẹp nhất khi được tung cánh giữa không trung.

Một ngày trên sông Amazon ảnh 3 Động vật hoang dã Amazon
Một ngày trên sông Amazon ảnh 4 Rùa Amazon
Một ngày trên sông Amazon ảnh 5 Cá sấu bên sông Amazon
Vào tầm trưa có những quãng bầu trời gần như đen kịt bởi đàn kền kền tạo thành một vòng xoáy quanh con mồi chúng đang săn. Cò trắng Heron có mảng xanh da trời ở cái mỏ dài hay cò trắng đập cánh có vùng xám ở đuôi cánh ôm sát thân. Rất nhiều rùa lớn bé rủ nhau đi sưởi nắng trên những cành củi mục.

Ở một bãi bùn còn ướt, gia đình loài chuột lớn nhất thế giới Capybara đủng đỉnh chui ra khỏi hang sưởi nắng. Bộ lông màu vàng mượt được các loài chim bạn chăm sóc làm sạch hàng ngày. Các loài chim yến, chim bói cá đều có vẻ bên ngoài rất tự tin bay lượn. Trên các cành cây lác đác từng cụm Macaw sưởi nắng và chăm sóc rỉa cánh cho nhau.

Chiều tối ngày hôm đấy, sông Amazon chiêu đãi chúng tôi những màn săn mồi đặc trưng của loài cá sấu vùng lầy. Cá sấu Spectacled Cayman với màu da vàng đượm đang mùa sinh nở. Với sự hỗ trợ của loại đèn công suất lớn và kinh nghiệm sông nước của người dẫn đường, chúng tôi tìm thấy các cá thể lớn bé đang nằm im trên bùn đất. Cá sấu con vài tuần tuổi đã có thể theo mẹ thực hành săn mồi. Thuyền lại trôi đi thênh thang trên dòng sông, máy ảnh ai cũng đã đầy ụ dữ liệu từ hình đến video. Nhưng thứ đã đầy nhất đối với mỗi người là mãn nhãn với buồng phổi căng tròn không khí tinh nguyên. Amazon vẫn đẹp hoang dã như ngàn năm qua mặc cho sự đe dọa của con người hàng ngày vẫn rình rập, sự cố gắng của nhiều tổ chức và tình nguyện viên vẫn hàng ngày tìm lại sự cân bằng cho sinh thái trái đất. 

Peru 20/12/2014

 

Mzung, tên thật Nguyễn Mỹ Dung, 32 tuổi, quê quán Quảng Trị - nhà biên kịch phim, thành viên sáng lập của Autumn Meeting - nhóm làm phim ngắn độc lập cùng với đạo diễn Phan Đăng Di. Cô cũng là người sáng lập và điều hành Câu lạc bộ Xine Tập sự tại Đà Nẵng và dự án Cinema Land.  

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG