Một ngày ở Trung tâm điều hành thông minh vừa đoạt giải thưởng sáng tạo châu Á

Một ngày ở Trung tâm điều hành thông minh vừa đoạt giải thưởng sáng tạo châu Á
Sau lớp cửa kính được bảo vệ nghiêm ngặt bằng khoá từ, 15 nhân sự của Trung tâm giám sát và điều hành thông minh Thừa Thiên Huế đang tập trung vào màn hình lưới, ghi nhận hình ảnh từ những chiếc camera lắp đặt khắp thành phố.

9 tháng cho bước ngoặt thay đổi toàn diện

Toà nhà Trung tâm giám sát và điều hành thông minh toạ lạc ở cuối con đường sầm uất bậc nhất tại Huế, nhưng trái tim của đơn vị này lại nằm khiêm tốn ở tầng 3, ngăn cách tiếng động bên ngoài bằng lớp cửa kính được bảo vệ bằng khoá từ. Chỉ có 15 nhân sự, nhưng ở đây được lắp đặt tới vài chục màn hình máy tính, phục vụ công việc từ 8h sáng đến 19h30 tối.

Mỗi ngày, nhân sự ở Trung tâm giám sát và điều hành thông minh sẽ họp giao ca trong 30 phút đầu giờ sáng, nơi mọi người tổng kết về một ngày đêm trực thông tin, tiếp nhận phản ánh, chia sẻ các kinh nghiệm xử lý tình huống, ứng xử sao cho phù hợp với người dân. Sau khi thống nhất, họ lại chia thành các nhóm để làm việc. Một nhóm sẽ thực hiện hoạt động giám sát tin tức, một nhóm sẽ tiếp nhận phản ánh, phân phối phản ánh. Các nhóm còn lại giám sát hoạt động tài chính công, giám sát an ninh và trật tự đô thị… 

Hệ thống lớn nhất nằm trong trung tâm này là dàn màn hình lưới, hiển thị hình ảnh từ 60 camera lắp đặt khắp thành phố. Đến cuối năm nay, con số sẽ tăng lên 200 chiếc, để sớm hoàn thành mục tiêu lắp đặt đủ 1.500 chiếc camera tại Huế.

Một ngày ở Trung tâm điều hành thông minh vừa đoạt giải thưởng sáng tạo châu Á ảnh 1  

Theo Chủ tịch UBND thành phố Huế Phan Ngọc Thọ, thời gian đầu, với 2000 camera, hình ảnh sẽ tập trung vào các vấn đề mà người dân cần trong khu vực nội thành, đặc biệt liên quan đến giao thông, môi trường đô thị, giám sát an ninh,…  Sau đó, trong giai đoạn triển khai mở rộng tới hàng nhìn chiếc, Huế sẽ thực hiện áp dụng các hệ thống này ở các khu vực ngoại thành, vùng ven, trong các lĩnh vực quan trọng như y tế, giám sát hành chính công.

Mỗi chiếc camera này sẽ được đấu nối về trung tâm thông qua hệ thống CTnet – hệ thống mạng có chất lượng và giá cước vượt trội Internet, đang được hỗ trợ bởi Viettel.

Hình ảnh từ camera giám sát sau khi đi qua máy học sẽ được nhân viên kiểm tra đối chiếu lại với các trường hợp có thông báo chính xác dưới 80%. Các nhân sự thuộc nhóm trực hiện trường sẽ vừa làm công tác xác minh, đăng tải phản ánh, phân phối tới các cơ quan liên quan, đồng thời tìm hiểu thêm các bài học phát triển về giám sát đô thị ở thế giới để tìm ra những điểm có thể tham mưu cho tỉnh, phục vụ quá trình nghiên cứu.

Hiện tại, các công đoạn chính của hệ thống vẫn nhận được sự hỗ trợ từ đối tác chiến lược là Viettel – đơn vị đã đồng hành cùng Huế từ những ngày thử nghiệm đầu tiên. Ngoài đầu tư về trang thiết bị, camera, Viettel và Trung tâm giám sát và điều hành thông minh của Huế còn phối hợp trong hoạt động xử lý dữ liệu hình ảnh, giám sát tin tức, giám sát tàu cá, an toàn thông tin mạng và an ninh xã hội.

Các công nghệ tiên tiến nhất như máy học, dữ liệu lớn hay trí tuệ nhân tạo đều được Viettel nhanh chóng đưa vào hệ thống theo từng giai đoạn cụ thể, nhằm hỗ trợ và dần thay thế các thao tác quản lý, tinh chỉnh thủ công. “Viettel rất chịu khó đầu tư nguồn lực cho việc hỗ trợ Huế, thậm chí còn điều cả chuyến gia đến ở lại và xử lý các vấn đề phát sinh hàng ngày. Đó là chuyện không phải ở đâu cũng có được” - ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó giám đốc Sở thông tin và truyền thông Huế, cho hay.

Qua hơn nửa năm vận hành, trung tâm đã tiếp nhận 3.500 phản ánh từ người dân và khách du lịch, ghi nhận gần 6.000 lượt tải ứng dụng Hue-S, và trong tháng 6, số người tin dùng phần mềm này để phản ánh đã tăng 5 lần so với tháng 1.

Theo thống kê, hiện có trên 70% người dân sử dụng dịch vụ Hue-S cảm thấy hài lòng, 20% chấp nhận được và chỉ có 10% là không hài lòng. Với người dân Huế, Hue-S không chỉ là nơi để họ phản ánh những bức xúc, nghi vấn của mình lên cơ quan chức năng thông qua trung tâm giám sát điều hành thông minh, mà còn là nơi cho chính người dân bàn luận, trao đổi và đưa ra ý kiến đóng góp cho hoạt động của cơ quan công quyền.

“Có người dân phản ánh lên trung tâm yêu cầu kéo dài thời gian phát sáng hệ thống đèn điện công cộng. Ý kiến ban đầu của người dân là rất bức xúc với việc hệ thống chiếu sáng tắt quá sớm, gây khó khăn cho giao thông. Trung tâm đã ghi nhận ý kiến và đưa ra phản hồi nhưng người dân phản ánh chưa cảm thấy hài lòng.

Điều bất ngờ là phía dưới những trao đổi của trung tâm và người phản ánh, không ít người dân Huế lại có quan điểm ủng hộ cơ quan chức năng và giải thích, xoa dịu ý kiến với người phản ánh. Đó là sự thay đổi nhận thức rất đáng trân trọng”, ông Nguyễn Xuân Sơn cho biết.

Một ngày ở Trung tâm điều hành thông minh vừa đoạt giải thưởng sáng tạo châu Á ảnh 2   

Thực hiện một trong những hoạt động trọng tâm nhất của đề án Phát triển dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020, hướng đến 2025, ngày 26/12/2018, UBND Thừa Thiên Huế đã quyết định thành lập Trung tâm giám sát và điều hành thông minh. Trung tâm hình thành trên cơ sở hợp nhất trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông và trung tâm Dữ liệu điện tử trực thuộc Sở. Trung tâm này đóng vai trò là trái tim tổng hợp, giám sát, điều hành dịch vụ đô thị thông minh của Huế. 

 “Công nghệ giờ đã ở ngay trong tầm tay người dân Huế rồi”

3 tháng sau khi nhận được giải thưởng Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á, Trung tâm giám sát và điều hành thông minh của Huế - trái tim dự án – đón một vị khách đặc biệt. Đó là ông Trần Đình Khoa – Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu – cùng đoàn đại biểu tới tham quan, khảo sát trung tâm. Ông đứng kiên nhẫn lắng nghe giám đốc đơn vị này giới thiệu về các hoạt động chính của trung tâm trên màn hình lưới, liên tục đưa điện thoại lên chụp ảnh.

Đây là lần thứ hai ông Khoa đến thăm dự án của Sở thông tin truyền thông Huế, và nói bản thân “thấy khâm phục”, bởi so với một năm trước, sự phát triển của Sở thông tin truyền thông Huế là rất nhiều, gắn với thành công của Trung tâm giám sát và điều hành thông minh .

“Các bạn không phải là một đối tác thụ động mà là một đối tác chủ động của Viettel và tất cả các đơn vị trong hệ thống này”. Trước khi ra về, ông nắm lấy tay giám đốc Trung tâm giám sát và điều hành thông minh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Dương Anh - nói nhất định sẽ mời ông Dương Anh tới Vũng Tàu để chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi.

Vốn là người đã có gần 2 thập kỷ gắn bó với ngành Thông tin và truyền thông, ông Nguyễn Dương Anh về phụ trách vị trí giám đốc của Trung tâm giám sát và điều hành thông minh kể từ ngày dự án bắt đầu chạy thử. Sau 9 tháng, ông vẫn phải thừa nhận “những công nghệ dùng trong chính quyền thông minh ở Huế là rất mới, hướng trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp, thể hiện vai trò ngày càng rõ ràng và sâu sắc”.

Huế đã có gần 10 năm thực hiện trung tâm hành chính công, cùng hình ảnh biểu tượng là “hành chính một cửa”. Với hành chính một cửa, tờ giấy ghi kết quả mà người dân được nhận từ cán bộ thành phố chỉ là kết quả xử lý trong nội bộ chính quyền, họ không thể biết các quy trình phía bên trong. Mọi ấn tượng đều chỉ lưu lại bằng gương mặt cười hay nhăn nhó của người cán bộ ở phòng một cửa.

“Nhưng đến bây giờ, người dân lại thấy yếu tố công nghệ ngay trong tay của họ rồi. Họ cầm trong tay công cụ Hue-S, bấm gửi phản ánh, rồi thấy phản ánh của mình được đưa lên mạng, sau đó có người vào tiếp nhận hoặc xin lỗi.

Ví như đống rác đó, người dân thấy nó vẫn còn bẩn, họ chụp và đưa lên web. Người phụ trách khu vực nói mình đã dọn sạch rồi, nhưng khi người dân phản ánh có trong tay hình ảnh thực, thì cán bộ sẽ phải chịu đánh giá về quản lý yếu kém, và buộc phải thay đổi. Đây là sự chấn chỉnh rất quyết liệt, không còn chuyện trên bảo dưới không nghe, nói một đằng làm một nẻo, thiếu công khai minh bạch”.

Là người đứng đầu Trung tâm giám sát và điều hành thông minh, ông Dương Anh hóm hỉnh so sánh đơn vị của mình như một cái kho thông tin cho các sở, ngành và là cánh cửa mở ra những chuyển biến sâu sắc trong hoạt động của các cơ quan công quyền, dù đi kèm với những đổi mới đó là cái giá phải trả cho sự khó chịu của những người trong giai đoạn đầu chuyển mình.

“Chúng tôi xác định đây là công việc chung, có ích cho Huế, và hướng tới tương lai về một thành phố thông minh, nơi có những công dân thông minh mang trong mình niềm tự hào ‘hàng đầu châu Á’ – giống như giải thưởng mà Huế đã có được”./.

MỚI - NÓNG