Một mình phượt trên đất Mỹ  

Tác giả Phạm Nguyễn Linh Đan
Tác giả Phạm Nguyễn Linh Đan
TP - Một cơ duyên, tôi cầm trên tay cuốn “ký sự lang thang” gần 170 trang của tác giả sinh năm 1999 Phạm Nguyễn Linh Đan. Mùa hè năm 2017, một suất học bổng toàn phần đã đưa cô bé quê Quảng Trị sống tại Đà Nẵng ấy đến với Đại học La Salle University (Philadelphia, Mỹ), ngành Kinh tế. Để khi buông cuốn sách xuống, cứ bần thần…  

Chỉ là một chuyến phượt một mình bằng xe bus kết hợp đi bộ từ nơi học qua 5 thành phố nhỏ thuộc 4 tiểu bang lân cận vùng đông bắc nước Mỹ, quãng đường đi và về chừng 2 ngàn cây số. Trong 10 ngày của kỳ nghỉ đông đầu tiên đời sinh viên, cuối năm 2017. Giữa tuyết lạnh. Tổng “thiệt hại” dùng để di chuyển khắp hành trình là 43$, chưa đến… 01 triệu VNĐ! (Tất nhiên đó là kết quả của những cuộc săn vé rẻ từ nhiều tháng trước đó). Ở thì ở nhờ nhà của những người chỉ quen biết trên mạng (Host) tìm kiếm qua  Couchsufing - mạng homestay phi lợi nhuận toàn cầu.

Một mình phượt trên đất Mỹ   ảnh 1 Bìa cuốn sách 
  Nhưng đọng lại biết bao hình ảnh, cảm xúc về những vùng đất, câu chuyện, gương mặt, tính cách… Và không ít tình huống thót tim.  

Đó là cảnh lạc đường giữa cơn bão tuyết lạnh âm mười mấy độ. Chỉ vì “xót” 20$ đi Uber đến bến xe bus đường dài Greyhounnd (Baltimore). Cuốc bộ trên đường cao tốc dài dằng dặc không bóng người mờ mịt bão tuyết đến mức thở không nổi, với cái ba lô to đùng sau lưng. Mắt kính cận mờ tịt nhưng không còn đủ sức lấy kính xuống để lau. Cô bé 18 tuổi thấy mình đang trải qua cảm giác tuyệt vọng với cái lạnh cái đói mà cụ Vitali trong cuốn “Không gia đình” chịu đựng trong ngày cuối cùng của cuộc đời. “Không biết nếu tôi gục xuống ở đây thì liệu có chiếc xe nào dừng lại không?”. Nhiều nơi chốn đi qua, niềm vui nhiều lúc đơn giản chỉ là khi nhờ ai đó chụp cho tấm ảnh “có đủ chân đủ tay” thay vì phải ôm cây gậy selfie giữa gió tuyết.

Một mình phượt trên đất Mỹ   ảnh 2 Trong một trang sách

Đó là cảnh lết bộ dưới nắng suốt mấy tiếng đồng hồ trên đường lộ nắng cháy ở vùng ngoại ô xa lạ Charlotte (North Carolina). Là những đêm ngủ trên xe bus hay ngủ nhờ trên cái đệm trải giữa phòng khách của host, co ro vì lạnh không tài nào ngủ được.

Đó là những bức ảnh gây khiếp đảm treo quanh nhà của host (chủ nhà) - người đàn ông tên Mike trong đêm ngủ nhờ đầu tiên ở Baltimore. Chụp cảnh những phụ nữ châu Á ăn mặc hở hang bị treo trong tư thế kì quặc bởi những sợi dây thừng, máu vung vãi dưới sàn nhà. Ám ảnh cô bé về “một tên tội phạm biến thái chuyên cho các cô gái ở nhờ rồi bí mật hành hạ thể xác và chụp ảnh lại, sau đó sẽ cắt hay chôn thi thể gì đấy mà cảnh sát không phát hiện ra”!!!

Đến mấy ngày sau, khi chuẩn bị chia tay Mike để đi tiếp, mới vỡ lẽ đó là ảnh Shibari - loại hình nghệ thuật trói dây cổ xưa của Nhật Bản! Câu chuyện của cô bé mở ra với những người bạn Mỹ về nghệ thuật đương đại, về tranh bìa tập thơ của cha mình và những nghệ sĩ bạn của cha. Mike đặc biệt hứng thú với “Chén và đũa, 1945”, tác phẩm sắp đặt của đôi nghệ sĩ thị giác song sinh Hải - Thanh ở Huế. “Mike bảo chắc chắn khi sang Việt Nam sẽ gặp gỡ ba tôi. Mike tin rằng mình và ba tôi sẽ có rất nhiều chuyện để nói”.

Đó là ca “chống đỡ” lại những cú “flirt” (thả thính), mời mọc mạnh bạo của một chủ nhà mới 30 tuổi rất đẹp trai, là một doanh nhân có đời sống khá giả và đời sống ái tình khá phóng túng ở trung tâm thành phố Charlotte. Cái đêm mà thiếu nữ 18 tuổi lần đầu tiên trong hành trình được host bố trí ngủ trong một căn phòng riêng ấm áp, “như cô bé Lọ Lem được bà tiên nào đó hóa phép cho một căn nhà xinh đẹp và sang trọng”.

Nhưng tiếp theo là những cảnh huống đầy hồi hộp. Làm sao ban đêm chỉ hai người trẻ trong một ngôi nhà, thiếu nữ có thể “thoát” khỏi sự mời chào đến bạo liệt của anh chàng có vẻ đẹp châu Âu “lịch lãm, trầm ổn và trưởng thành…, với ánh mắt sâu thăm thẳm”, và đã uống  rượu ngà ngà? Thiếu nữ đã hóa giải bằng cách “phá ra cười không kiêng nể, cười đến mức lăn ra sàn nhà”, khiến đối phương chùn lại. Đêm ấy “để cho chắc chắn, tôi khoá cửa lại, mặc dù biết làm vậy là vô ích bởi Derek là chủ nhà”.

Tiếp đến lại là một ca “khó đỡ” khác đến từ một chủ nhà đã 65 tuổi ở ngoại ô Durham. Người không dùng điện thoại, không biết Google Map, với phong thái tiếp đón nhiệt tình, chu đáo.

Mọi chuyện bình thường, cho đến một bữa trong lúc ăn sáng, ông lão ấy đề nghị cho mình được... khoả thân, tức là cởi bỏ chiếc áo khoác tắm duy nhất trên người! Cú shock khiến cô bé giật mình tỏ ngay thái độ. Để rồi sau này đọc lại mấy câu ông viết trong tài khoản của mình. Hơi buồn. Đại loại “nếu điều này làm bạn shock và tỏ thái độ, vui lòng đừng làm khách của tôi và đừng bận lòng tiếp đón tôi”. Chỉ biết thở dài. “Có lẽ tôi chưa quen với văn hoá nơi đây lắm nên vẫn cảm thấy giật mình và bận lòng trước những sở thích kỳ lạ. Tôi phải học cách tôn trọng người khác và sở thích của họ”.

Điều lý thú với cuốn sách này, đó là giọng văn nhẹ tưng, hài hước, mọi chuyện trầm trọng đến mấy cũng cứ như không. Cùng lối tả tinh tế với những quan sát rất nhạy. Về cảnh sắc, và đặc biệt là tâm lý. Quan sát tâm lý những người mới gặp xung quanh là kỹ năng có lẽ quan trọng hơn cả đối với một phượt thủ độc hành nơi xứ lạ, hơn cả khả năng dò Google Map hay săn tìm những chỗ ở và tấm vé rẻ.

Mới chỉ một chặng khá ngắn đã vậy. Tôi tưởng tượng nếu đi hết nước Mỹ, cũng với lối viết “cụ tỉ” và sinh động hấp dẫn thế này, nữ sinh ấy sẽ có cả bộ sách dày dặn.

“18 tuổi & chuyến phượt solo đầu đời trên đất Mỹ” của Phạm Nguyễn Linh Đan vừa được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tác giả dự kiến trò chuyện về du học với học sinh Quảng Trị và Đà Nẵng trong tháng 12 tới và ra mắt cuốn sách của mình, trong đó một phần tiền bán sách được dành hỗ trợ cho những học trò nghèo quê nhà. 

MỚI - NÓNG
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
TPO - Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên tối 14/12 hút hàng chục nghìn khán giả. Nhiều người cố săn vé ngay sát giờ diễn, bất chấp giá cao. Trong thời gian chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện, hàng chục nghìn khán giả hát vang Quốc ca.