'Một lứa' ngang trời...

'Một lứa' ngang trời...
TP - Lớp 9, mấy đứa chúng tôi chỉ mới thích học văn, năm lớp 10 mới được thầy Luận (GS Phan Trọng Luận bây giờ) vừa dạy văn vừa là thầy chủ nhiệm, tối thứ 7 gọi đến hướng dẫn học thêm thì Ca Lê Hiến đã có thơ đăng báo. Hết năm ấy anh được đặc cách thi vào Đại học Tổng hợp Sử. Nhưng lúc ấy không ai biết chuyện Hiến làm thơ.
Chân dung Lê Anh Xuân
Chân dung Lê Anh Xuân.

Lê Anh Xuân trong dáng đứng Việt Nam

Nhìn mái tóc uốn lượn như con sóng dập dềnh trên vầng trán thông minh, chúng tôi nhận ra đấy là một tâm hồn lãng mạn ẩn chứa những hoài bão lớn. Không hiểu sao một bạn gái cùng lớp biết được, mái tóc như sóng lượn ấy che một cái bớt xanh.

Chàng thanh niên cao gầy, gương mặt thanh thoát, mũi dọc dừa hệt như cái dọc dừa Bến Tre quê anh, nhất định phải có một sự nghiệp hơn người. Tôi đoán thế. Anh đi rồi, chúng tôi cũng ra trường rồi mới được đọc Nhớ cơn mưa quê hương (giải nhì tạp chí Văn nghệ, năm 1961), mới biết quê anh là khởi nguồn phong trào Đồng khởi.

Tiếng trời gầm xa lắc…/ Nghe xa vang tiếng sấm…/ Giấc mơ xưa có chớp giật sóng gầm…và Nghe tiếng trời gầm xa lắc được lặp lại lần thứ hai, rồi câu kết: Ôi tiếng sấm từ xa, bỗng gầm vang rộn rã. Tiếng sấm, tiếng gầm, giai điệu chủ đạo bài thơ là ánh xạ không khí đấu tranh vũ trang sôi động của đất và người Bến Tre, giục anh trở về.

Tôi đã về quê hương đồng khởi của anh. Đứng lặng ngắm nhóm tượng đài Đồng khởi có hình những lá dừa nước như rừng gươm chĩa thẳng lên trời, mà tâm trí cứ xoáy về anh. 12 tuổi đã làm ở nhà in Trịnh Đình Trọng thuộc Sở Giáo dục Nam Bộ. Năm 1954 theo bố mẹ tập kết ra Bắc. Đúng ngày 22/12/1964, anh lên đường đi B, với bí danh mang họ anh ghép với tên một người con gái thành Lê Lan Xuân.

Ai đi B cũng để lại sau lưng mình một gánh những yêu thương, chờ mong, Hiến đi mà như trở về một miền thơ ấu, về quê hương. Họ phải gửi lại tất cả ở miền Bắc, kể cả tên thật của mình. Bí danh sẽ là tên của người yêu, cha mẹ, vợ con… Lan Xuân là tên người anh yêu (em gái một người bạn). Nhưng bạn bè chê tên ấy yếu mềm quá, Hiến mới lấy họ mình ghép với tên đệm bút danh bạn mình và tên của người yêu thành Lê Anh Xuân.

Cho đến bây giờ, sau 45 năm yên nghỉ, linh hồn anh không hề biết rằng, cái tên ấy tuy vẫn đặt dưới bài Dáng đứng Việt Nam, nhưng thật ra người ấy chỉ là của anh trong một thời gian ngắn, trước ngày anh đi xa rất lâu Hiến ạ.

Đồng đội trước mộ Lê Anh Xuân
Đồng đội trước mộ Lê Anh Xuân.

Mới vào căn cứ mà anh đã hai lần xuống đồng bằng. Mà xuống đồng bằng thời gian ấy là vô cùng ác liệt, ranh giới giữa cái sống cái chết chỉ gang tấc. Một lần về quê, một lần xuống sát Sài Gòn.

Vừa mới thoát chết sau một trận bom trên đường đi dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua (anh liên tục là chiến sĩ thi đua) trở về căn cứ, bị sốt rét phải nằm lại bệnh xá. Vừa dứt cơn, anh đã lại xốc ba lô về căn cứ chuẩn bị theo bộ đội xuống đồng bằng mở chiến dịch Mậu Thân.

Địch rút, mở nắp hầm gọi anh lên. Không thấy tiếng trả lời. Linh cảm có điều chẳng lành, rọi đèn xuống. Hiến vẫn bó gối thu lu như ngủ ngồi… trong giấc ngủ ngàn năm. Ca Lê Hiến đã chết ngồi trong Dáng đứng Việt Nam.

Đợt 1 của chiến dịch ấy, đúng là làm run sợ cả Lầu Năm Góc, vì đòn hiểm, bất ngờ đánh vào toàn các cơ quan đầu não cả Mỹ và Ngụy. Đợt hai, địch đã củng cố được tinh thần, yếu tố bất ngờ không còn nữa. Đại quân lại không vào được… Địch đổ quân chặn đường quân ta, càn quét vùng ven đô Sài Gòn.

Hiến được đưa xuống hầm tạm lánh. Địch rút, mở nắp hầm gọi anh lên. Không thấy tiếng trả lời. Linh cảm có điều chẳng lành, rọi đèn xuống. Hiến vẫn bó gối thu lu như ngủ ngồi… trong giấc ngủ ngàn năm. Ca Lê Hiến đã chết ngồi trong Dáng đứng Việt Nam.

Anh hi sinh như một người lính mới non nớt, lần đầu ra trận, không một chút kinh nghiệm trận mạc. Chưa vợ con gì, chưa vào Hội Nhà văn, mặc dù bây giờ anh vẫn có tên trong cuốn từ điển Nhà văn VN hiện đại và vẫn được trao giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật đợt đầu (2001).

Còn Chu Cẩm Phong (cũng trường học sinh 24 miền Nam, cũng từ miền Bắc trở về như Hiến) khi giặc phát hiện ra hầm anh, anh đã chiến đấu dũng mãnh, nhưng cũng không địch lại được lực lượng quá đông của giặc, nên đã hi sinh như một chiến binh thực thụ. Không một sự hi sinh nào là vô ích. Các anh là lính thơ, lính văn, lính nhạc đi theo lính để viết về lính.

Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Ảnh: Hoàng Thiết
Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Ảnh: Hoàng Thiết.

Khi hội thảo cuốn Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa, Tố Hữu đã nói: Cho Trần Đăng Khoa đi bộ đội là sai lầm. Lại cho Trần Đăng Khoa đi học trường viết văn Goócki cũng là sai lầm. Tại sao ông nói thế? Ông có lí do, có cương vị để nói thế. Vì sao viết đến đây tôi lại nhớ đến ý kiến ông? Và nhớ chính Trần Đăng Khoa đã từng hỏi, ông có đi chiến dịch Điện Biên Phủ không? Ông thẳng thắn trả lời, mình không đi. Vậy mà ông cũng viết được những câu thơ rất hay về chiến dịch Điện Biên Phủ.

Và ngay cả Dáng đứng Việt Nam thì cũng là Hiến được nghe kể một chi tiết có thật trong cuộc tấn công Mậu Thân đợt 1. Người lính đặc công đánh sân bay Tân Sơn Nhất tựa vào một tử giác (góc chết) nào đó để bắn địch, và khi bị trúng đạn thì do ở địa hình ấy, trong một thời gian ngắn ngủi ấy, anh vẫn còn đứng được. Bọn giặc, kinh hồn bạt vía vì Việt Cộng tấn công, tưởng anh vẫn sống, liền quỳ xuống xin hàng...

Người bạn được thưởng Bắc đẩu bội tinh

Hai năm cuối cấp 3 Nguyễn Trãi (Hà Nội) lớp tôi có một sự thay đổi. Một nửa lớp chuyển sang lớp khác, để đón một nửa bạn mới từ trường Học sinh miền Nam số 24 (Hải Phòng) lên. Bắc Nam thân thiết được hai năm thì tốt nghiệp. Rồi thi đại học, hoặc đi dạy văn hóa trong quân đội (chứ cũng không được đi bộ đội vì lí lịch).

Rồi người Mỹ gây chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ ở miền Nam, chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Cho đến ngày thống nhất, lứa chúng tôi đã thất lạc nhau đúng bằng quãng đời 15 năm cô Kiều lưu lạc.

Rồi thuyên chuyển công tác, chuyển vùng, những lo toan bề bộn cuộc sống, đến lúc về hưu mới tìm lại nhau, mới có những cuộc gặp mặt. Các bạn miền Nam (hầu hết về miền Nam) đã hai lần đi thành đoàn ra thăm lại miền Bắc, thăm lại Hải Phòng, thăm đất tổ Hùng Vương.

Trong số những người bạn miền Nam ấy, có một người ra Bắc nhiều lần, vì công việc cho hoạt động từ thiện. Rồi bất ngờ năm 2004 báo chí đưa tin, chị được chính phủ Pháp tặng thưởng huân chương Bắc đẩu bội tinh cấp Hiệp sĩ vì công lao đóng góp cho tình hữu nghị giữa hai nước.

Rồi năm 2009, chị lại xuất hiện tòa án công luận quốc tế ở Pa-ri, nơi các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sang đấy, tố cáo trước dư luận thế giới về thảm họa này ở Việt Nam mà chị cũng là nạn nhân.

Chị và con gái đầu lòng - cháu Kiều Việt Hải, sinh năm 1968, do ảnh hưởng chất độc da cam bị dị tật bẩm sinh mất ngay năm sau. Tôi sẽ kể về chị ở phần tiếp…

(Còn nữa)

Nhà văn
Nguyễn Bắc Sơn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.