HLV đầu tiên đoạt Siêu Cúp Quốc gia báo Tiền phong:

Một lần Thể Công, mãi mãi Thể Công

Một lần Thể Công, mãi mãi Thể Công
TP - Là một trong những người thành công nhất trong làng bóng Việt Nam cả trên cương vị cầu thủ lẫn HLV, ông Vương Tiến Dũng còn được biết tới như là nhà cầm quân đầu tiên sở hữu Siêu Cúp Quốc gia báo Tiền phong.

Gần 10 năm đã trôi qua kể từ khi dẫn dắt Thể Công đoạt chiếc Siêu Cúp Quốc gia đầu tiên nhưng mỗi lần nhắc tới kỷ niệm này, HLV Vương Tiến Dũng lại thấy bồi hồi như thể đây chỉ là chuyện của ngày hôm qua.

Ông tâm sự: “Đấy là lần đầu tiên Siêu Cúp Quốc gia được tổ chức nên khi giành được danh hiệu này chúng tôi cảm thấy vô cùng ý nghĩa và hạnh phúc”.

HLV Vương Tiến Dũng nói tiếp: “Vì là lần đầu tiên nên trong quá trình chuẩn bị cho trận đấu này chúng tôi phấn chấn và hồi hộp lắm. Có hai kỷ niệm mà tôi vẫn nhớ.

Thứ nhất là Thể Công đã lên Hoà Bình tập luyện rất kỹ để chuẩn bị cho trận tranh Siêu Cúp, chỉ tội sân xấu quá, tập hơn 10 ngày là hỏng giày vì bị bào mòn hết cả đinh. Thêm một kỷ niệm nữa là ở trận đó sân Hàng Đẫy không còn một chỗ trống”.

Vậy sau ngần ấy thời gian, Thể Công có mong ước sẽ lại tham dự một trận tranh Siêu Cúp Quốc gia vào năm 2009? Trả lời câu hỏi này, HLV Vương Tiến Dũng bộc bạch rất thật: “Đấy là một khát vọng, còn không biết là sau 10 năm chúng tôi có thực hiện được không.

Một lần Thể Công, mãi mãi Thể Công ảnh 1
Đội Thể Công giành Siêu Cup Quốc gia năm 1999

Thể Công muốn trở lại vị trí cũ, là một trong những đội bóng mạnh của Việt Nam. Còn nếu có được một kết quả như 10 năm trước thì đó là điều tuyệt diệu mà ai cũng mơ”.

So sánh giữa hai thế hệ cầu thủ Thể Công năm 1998 và 2008, HLV Vương Tiến Dũng nói rằng nếu như lứa 1998 được mười phần thì lứa hiện nay chỉ được bảy phần.

Ông giải thích: “Cầu thủ trẻ hiện nay được đào tạo cơ bản nhưng còn thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh. Tôi nhớ Thể Công năm 1998-1999 là lứa cầu thủ của Đỗ Mạnh Dũng, Hồng Sơn, lúc ấy họ vào khoảng 27, 28 tuổi, nghĩa là ở độ tuổi đã trải nghiệm qua rất nhiều giải đấu nên chín muồi về chuyên môn.

Các cầu thủ bây giờ mới 19, 20, chỉ có thể coi là tiềm năng, chứ nếu so với thế hệ năm 1998 thì thiếu nhiều”.

Khó khăn là thế nhưng không phải vì vậy mà HLV Vương Tiến Dũng lại từ bỏ giấc mơ tham dự trận tranh Siêu Cúp vào mùa bóng năm sau. Ông thừa nhận để có mặt ở trận đấu này với tư cách là nhà ĐKVĐ quốc gia thì không đơn giản nhưng nếu “đi tắt đón đầu” qua cửa Cúp Quốc gia thì không phải không có hy vọng.

HLV Vương Tiến Dũng phân tích: “So với chức VĐQG thì giành Cúp Quốc gia dễ hơn, dù là loại trực tiếp nhưng số trận ít hơn, các đội bóng cũng không đặt mục tiêu cao lắm, nên nhiều đội không thi đấu với mục tiêu sống còn như tại giải VĐQG”.

“Thể Công chọn tôi chứ không phải tôi chọn Thể Công”

Là một HLV được đánh giá là có tay nghề “cứng” nhất nhì Việt Nam nhưng HLV Vương Tiến Dũng không hề có khát khao dẫn dắt ĐTQG như một số đồng nghiệp. Thay vào đó, ông chỉ có duy nhất một đam mê là đào tạo trẻ và ông tiết lộ nếu sau này không làm bóng đá chuyên nghiệp nữa thì sẽ trở lại công tác đào tạo trẻ vì “cầu thủ trẻ dễ uốn nắn hơn”.

Nổi danh cả trên cương vị cầu thủ lẫn HLV cùng Thể Công nhưng ít ai biết rằng HLV Vương Tiến Dũng lại trưởng thành từ lò đào tạo bóng đá trẻ Nghệ An.

Bước ngoặt cuộc đời với ông xảy ra vào năm 1964, trong một trận thi đấu giao hữu giữa Thể Công và Quân khu 4. Lúc đó tài năng nổi bật của hậu vệ Vương Tiến Dũng, cầu thủ có vóc dáng nhỏ bé nhưng chơi bóng hết sức tinh tế và kỹ thuật, đã lọt vào mắt xanh các chuyên gia săn lùng tài năng của Thể Công.

Và chỉ một năm sau, tức là khi chỉ mới 16 tuổi (HLV Vương Tiến Dũng sinh năm 1949 - PV), hậu vệ Vương Tiến Dũng đã gia nhập quân ngũ và chính thức trở thành cầu thủ của Thể Công.

Trong những tháng ngày đầu tiên khoác áo đội bóng áo lính, hậu vệ trẻ Vương Tiến Dũng đã trải qua rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ông tâm sự: “Về kỷ niệm những ngày đầu với Thể Công thì tôi có nhiều lắm, nào là kỷ niệm sơ tán, đi gác đi trực chiến, trực đêm, rồi phải tự làm sân để tập, nói chung rất nhiều kỷ niệm”.

Đầu tháng 10/1967, hậu vệ Vương Tiến Dũng là thành viên của lứa cầu thủ vàng Thể Công được đi đào tạo tại CHDCND Triều Tiên.

Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ chuyến tập huấn lịch sử ấy nhưng khi hồi tưởng lại ký ức của những ngày xưa, HLV Vương Tiến Dũng thậm chí còn nhớ tới từng pha bóng mà ông và các đồng đội tạo nên.

Ông kể lại: “Hồi trẻ đi Triều Tiên chúng tôi để thua 2-3 trước đội tuyển Quân đội Triều Tiên trong trận đá giải. Đáng lẽ phải 3-3, vì phút cuối cầu thủ Thế Anh đánh đầu trúng cột dọc.

Nên nhớ rằng đội tuyển Quân đội Triều Tiên khi ấy có 11 cầu thủ vừa tham dự World Cup 1966. Rồi Thể Công hoà đội tuyển Công nhân Bình Nhưỡng 2-2. Lúc đó chúng tôi thi đấu mật độ mỗi ngày một trận, mỗi trận 120 phút mà không thấy hụt hơi hay xuống sức. Thời điểm đó, Thể Công mời cả trẻ Hàn Quốc đá nhưng đội bạn không dám nhận lời”. 

Rồi chuyến du đấu tại Trung Quốc năm 1974, khi Thể Công lập thành tích thắng 8, hoà 2, thua 1 sau 11 trận đã đấu cũng là một kỷ niệm khó quên với ông thầy họ Vương. Đến giờ, khi nhắc lại trận thua duy nhất trong chuyến du đấu ấy, HLV Vương Tiến Dũng vẫn còn nuối tiếc: “Cũng hơi chủ quan một chút là chúng tôi đã để thua Thượng Hải 0-1 trong tình huống phạt góc”.

Sau đó, Thể Công còn sang CHDC Đức thi đấu và tại đây, đội bóng mặc áo lính đã thi đấu ngang ngửa với các CLB hạng trung của nước bạn. Nhớ lại những tháng ngày hào hùng ấy, HLV Vương Tiến Dũng đã dẫn lại lời của cố trưởng đoàn Ngô Xuân Quýnh: “Chưa bao giờ Thể Công đi đá bóng ở nước ngoài lại được trọng thị như ở thời điểm đó”.

Vinh quang và nỗi buồn cùng Thể Công

Bên ngoài sân bóng đá, HLV Vương Tiến Dũng còn là một cây vợt tennis có hạng và so với các cựu đồng đội cùng trang lứa như Ba Đẻn, Thế Anh, Trọng Giáp…, ông Dũng là người có kỹ thuật cơ bản và toàn diện nhất, phong cách thi đấu trên sân quần vợt của ông cũng hệt như ở sân bóng, kỹ thuật, vững vàng nhưng rất điềm đạm.

Năm 1978, hậu vệ Vương Tiến Dũng từ giã sự nghiệp cầu thủ để theo học nghề HLV tại ĐH TDTT Quân sự ở Liên Xô (cũ). Sau 5 năm dùi mài kinh sử, HLV Vương Tiến Dũng trở về nước vào năm 1983 và bắt đầu tham gia huấn luyện các tuyến trẻ của Thể Công.

Xuất thân là một cầu thủ giỏi, lại được đào tạo bài bản ở nước ngoài, nên khi bắt tay vào làm trẻ, HLV Vương Tiến Dũng đã nhanh chóng khẳng định được tài năng.

Dưới sự chỉ bảo dẫn dắt của ông, đã có ba thế hệ cầu thủ Thể Công dần dần trưởng thành và trở thành rường cột của ĐTQG như lứa Xuân Lý, Sỹ Long, Đặng Văn Dũng, Thanh Hải, Xuân Thanh. Sau đó là lứa Hồng Sơn, Đỗ Mạnh Dũng và hiện giờ là Bảo Khanh, Như Thành.

Đây cũng là một thành tích mà không có nhiều HLV tại Việt Nam có thể đạt được và HLV Vương Tiến Dũng cũng không hề giấu giếm sự tự hào khi nói về những cậu học trò tài năng một thủa của mình.

Từ những thành công ở các tuyến trẻ Thể Công, HLV Vương Tiến Dũng đã được điều sang cầm quân ở đội một với nhiệm vụ phải đưa Thể Công trở lại với vị thế là một tượng đài của bóng đá Việt Nam.

Và với lứa cầu thủ Đỗ Mạnh Dũng, Hồng Sơn, Quốc Trung, Hải Biên, ông thầy họ Vương và các học trò đã thẳng tiến tới ngôi VĐQG năm 1998 và một năm sau là danh hiệu Siêu Cúp Quốc gia do báo Tiền phong tổ chức - Siêu Cúp quốc gia đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Thế nhưng, ít ai ngờ rằng sau khoảnh khắc vinh quang ấy, mối lương duyên giữa Thể Công và HLV Vương Tiến Dũng đã dần rạn vỡ. Năm 2000, HLV Vương Tiến Dũng thôi làm HLV Thể Công để trở lại làm đào tạo trẻ và năm 2001, ông làm đơn xin nghỉ hưu với quân hàm thượng tá.

Tuy nhiên, khi nhắc lại sự kiện này, HLV Vương Tiến Dũng lại không đưa ra bất cứ lời trách móc nào mà chỉ nói rằng: “Lúc ấy tôi ra đi là do hoàn cảnh bắt buộc mà thôi. Ngay cả khi đã rời Thể Công thì mỗi lần trở về CLB tôi cũng chưa bao giờ có cảm giác là người ngoài”.

Trong 7 năm xa cách Thể Công, HLV Vương Tiến Dũng đã nhiều lần được lãnh đạo đội bóng tiếp xúc để mời về nhưng do đã trót nhận lời với CLB khác trước khi Thể Công đặt vấn đề, nên phải tới năm nay, khi vừa trở thành người tự do sau khi kết thúc hợp đồng với XM.HP, HLV Vương Tiến Dũng mới hoàn thành tâm nguyện trở về mái nhà xưa. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.