Một Khánh Linh của dòng nhạc bán cổ điển

Một Khánh Linh của dòng nhạc bán cổ điển
TP - Với việc làm liveshow một đêm duy nhất vừa qua, Khánh Linh giống như chấp nhận bước vào một cuộc chơi cầm chắc phần lỗ. Tuy nhiên về mặt chuyên môn cũng như trong việc khẳng định một vị trí mới trong làng nhạc, chắc hẳn Khánh Linh sẽ gặt hái không ít.
Một Khánh Linh của dòng nhạc bán cổ điển ảnh 1

Tiết mục thành công vượt trội trong chương trình là một bản aria (Di Lauretta) thì lại chỉ được tán thưởng vừa phải. Tuy nhiên đó mới chính là thế mạnh của Khánh Linh.

Với lối hát đúng kiểu bán cổ điển, Khánh Linh thể hiện được chất giọng sung mãn, làn hơi phong phú và kỹ thuật khá nhuần nhuyễn.

Nếu có thể, Khánh Linh chuyển hẳn sang dòng nhạc kén người nghe và cũng chưa có người hát này thì là thuận tiện cho cô nhất.

Đó sẽ là một bước chuyển có tính phiêu lưu nhưng đáng để thử- biết đâu Việt Nam lại có một Sarah Brightman hay Nana Mouskoury...

Mặt khác với dòng nhạc bán cổ điển, Khánh Linh sẽ không phải di chuyển nhiều. Đó cũng là một thuận lợi vì phong cách trình diễn trên sân khấu của cô xem ra không được sinh động lắm. Cũng có thể do cô hơi căng thẳng.

Tiết mục song ca duy nhất trong chương trình là Hãy đến với em. Một bài vốn rất pop của Duy Thái- qua sự thể hiện của Khánh Linh và thầy của cô là NSND Quang Thọ vụt trở thành lừng lững bán cổ điển.

Đặc biệt, trước đó Khánh Linh đã đơn ca bài này thành công dù đôi chỗ quên lời. Chương trình làm khán giả thòm thèm vì hơi ít bài, thiếu một số bài hát gắn với giọng Khánh Linh như Để tôi lắng nghe, Tạm biệt... Có bài rất hợp với giọng cô như Memory cũng không thấy hát.

Trong khi Thì thầm mùa xuân - vốn gắn với tên một Linh khác- lại được hát đơn và làm bài kết chương trình. Vì bài hát đã quá quen thuộc nên dù có sự phụ họa của anh trai, mẹ và thầy thì màn kết cũng hơi xịt.

Bỏ qua những tiểu tiết, khán giả cũng đã nhận ra bản lĩnh độc lập của Khánh Linh. Sau Khánh Linh... hát, các ca sĩ trẻ hẳn sẽ có động lực hơn để mạnh dạn làm chương trình riêng có bán vé. 

MỚI - NÓNG