Một góc nhìn Vợ ba

Trang phục trong phim “Vợ ba” - có khán giả nhận xét là không rõ chất nông thôn Bắc bộ, mà lai tư sản, tiểu tư sản Hà Nội (hồi đầu thế kỷ 20)
Trang phục trong phim “Vợ ba” - có khán giả nhận xét là không rõ chất nông thôn Bắc bộ, mà lai tư sản, tiểu tư sản Hà Nội (hồi đầu thế kỷ 20)
TP - Như bao người hăm hở với cổ trang, với lịch sử, với nghệ thuật truyền thống, tôi đã trông đợi rất nhiều vào tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng này. Xem xong rồi lại bần thần, vì không biết nhận xét thế nào cho phải.

Vợ ba có thể là tác phẩm đẹp, hay, nhân văn và sâu sắc, thậm chí “thượng đẳng” với ai đó, nhưng không phải với tôi. Tôi rất muốn khen ít nhất phim được thực hiện chỉn chu, nhưng khi người Việt xem phim Việt mà phải đọc phụ đề tiếng Anh mới hiểu thoại thì không thể nói đó là một ê-kip có tâm được. Hình thức phải dễ chịu tươm tất đã rồi mới bàn đẹp xấu.

Phim có nhiều ẩn dụ, buộc khán giả liên tưởng, suy nghĩ, nhiều đến mức được nửa đường thì đuối sức bỏ qua luôn. Tôi nói đùa với một người bạn, từng chi tiết, nhân vật đều như đang cố sức gào lên: “Nhìn tôi đi, tôi là một điểm sáng nghệ thuật”!

Vài chi tiết sống sượng, không rõ ý đồ, ví dụ cảnh người chồng bảo cô bé bò đến trước mặt ông, sau đó là cảnh cô bé cho chó ăn, cảnh bà Lao thọc tay vào bụng con gà. Toàn bộ phim được cho là khắc họa bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ, nạn tảo hôn, không được tự do yêu đương, không được tự định đoạt cuộc đời. Tôi không cảm được thông điệp ấy, vì thứ tôi nhìn thấy ở nhân vật Mây là: một cô bé được gả đi từ rất sớm, ngơ ngác trước chuyện vợ chồng, sau đó tò mò và cũng khao khát được trải nghiệm nhưng không thành, vì đang bụng mang dạ chửa. Tôi cảm thấy, đó không phải là bi kịch, đó chỉ là diễn biến tâm lý rất tự nhiên mà phụ nữ thời nào cũng có, khác chăng, cô bé này còn quá nhỏ, nhưng bộ phim cũng không khắc họa được sự non nớt và lạc lõng của cô.

Thất bại lớn nhất của bộ phim là đôi mắt của Mây, lớn không lớn, nhỏ không nhỏ, chiều sâu lại rất mông lung. Đơn giản vì những cảnh buộc phải diễn bằng mắt là những tình huống mà một người lớn nếu hời hợt còn chưa chắc hiểu, huống chi là một cô bé con 13 tuổi. Tôi cứ tự hỏi bé có biết bản thân đang thể hiện điều gì không, nếu có, tuổi thơ bé chắc kém vui; nếu không, cái “rỗng” của Mây tôi hoàn toàn hiểu được.

Phim đạt nhiều giải thưởng nước ngoài, tôi nghĩ đơn giản vì đây là một câu chuyện lạ lẫm và có-vẻ-rất-Việt-Nam trong con mắt của người nước ngoài. Việc này cũng giống như khi chúng ta ngỡ ngàng trước lễ hội người chết của dân Mexico mà Coco thể hiện mấy năm trước. Tôi không bàn việc Coco khắc họa đúng hay sai. Vấn đề có vẻ rất thu hút với người ở xa, nhưng đặt vào tâm thế của một người Việt, tôi không tìm thấy cái mới, càng không thấy cái gốc rễ văn hóa sâu nặng mà phim cố tỏ ra.

Không phải cứ có mái đình làng, có con trâu con bò, có rừng có suối, có yếm đào có vợ lớn vợ mọn thì sẽ thành làng quê Việt Nam thời phong kiến. Lỗ hổng lớn nhất của phim là thiếu phông văn hóa lịch sử vững vàng. Ta không rõ gia đình này ở vùng nào của miền Bắc, ta không rõ câu chuyện diễn ra cụ thể ở thời đại nào, chịu ảnh hưởng của những luồng tư tưởng văn hóa- chính trị nào, bối cảnh thời cuộc thế nào. Các nhân vật cũng không có xuất thân, không có quá khứ, không có mối ràng buộc nào khác hay khát vọng gì cụ thể, có lẽ chính bản thân họ cũng không biết bi kịch của họ là gì, không biết họ muốn gì, chỉ là cảm thấy không vui với cuộc sống hiện tại thế thôi.

Xem phim, có cảm giác đạo diễn cố tìm những điểm đặc trưng cho làng quê, cho phong kiến, cho Việt Nam, thêm vào những ẩn dụ mình nghĩ ra được, rồi đặt hết mọi thứ cạnh nhau theo kiểu cố được bao nhiêu thì cố, thiếu đi sự liên kết, thiếu cái mượt mà, tạo ra một cảm giác rất vụng về, vụn vặt và lê thê.

Điểm sáng nhất của phim, có lẽ là một số nhân vật phụ, như mợ Xuân, như hai cô bé con mợ Xuân, như cô bé vợ của Sơn, khiến người xem cảm được nhân vật mà họ thể hiện.

Vợ ba được thực hiện bởi một ê-kip có cố gắng, nhưng họ vẫn còn một chặng rất dài phải đi để đạt tới thứ nghệ thuật mà họ muốn. Phim có thể hay dở, xúc động hay không tùy cảm nhận của mỗi người. Lý do tôi viết bài này, có lẽ vì tôi cảm thấy sợ cái hiện tượng mà phim đã tạo ra, gần giống với câu chuyện về bộ quần áo mới của một vị hoàng đế. Một nhóm người tự xưng “tinh hoa”, ra sức nâng cao quan điểm lẫn sỉ vả quần chúng, ra sức khen lấy khen để những điều mà bản thân họ có khi còn không hiểu, không cảm được.

Không phải cứ ăn nói lấp lửng thì sẽ thành người sâu sắc, không phải cứ tường minh thì trở nên nông cạn. Một tác phẩm có vài điểm nhấn sẽ đặc sắc, chứ điểm nào cũng nhấn thì thành chìm nghỉm. 

MỚI - NÓNG