Một giờ trò chuyện với tổng thống Mỹ

Một giờ trò chuyện với tổng thống Mỹ
Lưu lại TP.HCM trong thời gian ngắn nhưng lịch làm việc của Tổng thống George Bush đặc kín với những vấn đề đa dạng, từ chuyện đầu tư làm ăn cho đến y tế và cả thưởng thức văn hóa.

Sau khi nói chuyện trực tiếp với doanh nhân VN và Mỹ về các cơ hội đầu tư, ông Bush đã sang Viện Pasteur để khẳng định lại cam kết của Chính phủ Mỹ về việc tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho VN trong việc phòng chống HIV/AIDS và cúm gia cầm.

Khi thăm Bảo tàng Lịch sử, ông khiến nhiều người bất ngờ với những kiến thức về lịch sử chống ngoại xâm của VN và cũng tỏ ra am tường về nghệ thuật cẩn ốc, cẩn ngà và cẩn xương.

Khi thưởng thức hai tiết mục văn nghệ biểu diễn bên ngoài bảo tàng, phong thái của ông phần nào thể hiện một hình ảnh khác về tổng thống Mỹ: cứng rắn trong công việc nhưng rất tự nhiên và bình dị trong đời thường.

Sự quan tâm và nghiêm túc trong công việc thể hiện rõ qua buổi làm việc chỉ 60 phút ở Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Đây là buổi tọa đàm mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng: lần đầu tiên một tổng thống Mỹ trò chuyện trực tiếp với các doanh nghiệp VN.

Năm “đại sứ” doanh nghiệp

Một giờ trò chuyện với tổng thống Mỹ ảnh 1

Tổng thống Bush gõ chiêng khai mạc phiên giao dịch tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM sáng 20-11Ảnh: Dương Minh Long

Phát biểu tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM sáng 20-11, ông Bush cho biết:

“Tôi vô cùng biết ơn trước sự hoan nghênh mà Laura và tôi đã nhận được ở TP.HCM. Tôi chưa từng thấy nhiều người trên đường phố với thái độ thân thiện đến như thế”.

Có thể nói không ngoa, năm doanh nhân đến với cuộc gặp bàn tròn lần này là năm “đại sứ” với trọng trách quảng bá đến tổng thống Mỹ một diện mạo mới mẻ về môi trường kinh doanh ở VN.

Họ tự tin đối đáp với tổng thống bằng vốn tiếng Anh lưu loát, họ tự hào khi nói về hoạt động của doanh nghiệp mình, và họ trình bày thẳng thắn với tổng thống Mỹ những nguyện vọng, đề xuất đối với chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ.

Bà Lê Thị Phương Thủy, tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Trí Việt, là người “phát pháo” cuộc trò chuyện với Tổng thống Bush.

Biết doanh nghiệp của chị là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, vốn là một lĩnh vực mà VN bảo hộ rất chặt chẽ, Tổng thống Bush hỏi ngay: “Bà xin giấy phép để thành lập doanh nghiệp có dễ không?”.

Không chần chừ, bà Thủy đáp: “Nếu ngài hỏi tôi câu này cách đây mười năm, tôi sẽ trả lời là không. Tuy nhiên, tình hình bây giờ đã khác. Nhà nước VN đã mở cửa rất nhiều và thực hiện chính sách xã hội hóa truyền thông. Vì vậy, tôi đã không gặp khó khăn nào khi xin giấy phép thành lập doanh nghiệp của mình vào năm ngoái”.

Có mặt tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Khanh - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng kiến trúc AA - nhận xét: “Trong suốt buổi nói chuyện, Tổng thống Bush rất thân thiện, vui vẻ và thể hiện sự quan tâm chân thành, khiến cho không khí trở nên vô cùng thoải mái”.

Lựa chọn quan trọng của nhà đầu tư Mỹ

Có mặt trong buổi trò chuyện này, đại sứ VN tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến cho biết các doanh nghiệp Mỹ tham gia buổi tọa đàm đều đánh giá rất cao môi trường kinh doanh, chính sách thu hút đầu tư của VN. Mọi người đều nhận thấy rõ rằng bất cứ ngành nghề nào của VN cũng có khả năng mở rộng, với những cơ hội mới đang mở ra, từ thông tin đến xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trực tiếp vào các khu công nghiệp, đầu tư tài chính...

Đại sứ nhắc lại một nhận xét của các doanh nghiệp được tổng thống Mỹ đồng tình: điều cấp thiết nhất đối với VN hiện nay là phải chú ý đào tạo nhân lực để kịp thời đáp ứng nhu cầu mới, giúp VN nhanh chóng bước vào nền kinh tế tri thức, nền kinh tế dựa trên giá trị gia tăng chứ không phải chỉ buôn bán sản phẩm.

Nhân buổi trò chuyện này, các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động ở VN như Intel, Motorola... một lần nữa bày tỏ sự lo lắng và sốt ruột với Tổng thống Bush khi Quốc hội Mỹ chưa thông qua Qui chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với VN.

Bởi hơn ai hết, chính họ là người cảm nhận rõ nét những thiệt thòi mà mình phải gánh chịu khi PNTR chưa được thông qua. Tổng thống Bush đã khẳng định rằng việc thông qua PNTR cho VN sẽ sớm được thực hiện trong một thời gian ngắn nhất.

Ông Walter Blocker, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở VN (AmCham) kiêm giám đốc Công ty đóng gói và hậu cần (logistics) Gannon Vietnam, còn chuyển lời các giám đốc đến Tổng thống Bush rằng Mỹ nên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh sinh viên VN khi xin visa du học ở Mỹ.

Một giờ trò chuyện với tổng thống quả thật chưa đủ để các doanh nghiệp trình bày hết với tổng thống những vấn đề mà ông quan tâm. Tuy nhiên, đó là một giờ “quí hơn vàng” bởi nó giúp Tổng thống Bush có một cái nhìn thực tế về môi trường làm ăn sôi động ở VN.

Như nhận xét của đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, buổi nói chuyện bàn tròn này càng củng cố một nhận định mà cả tổng thống Mỹ lẫn phái đoàn doanh nghiệp cùng đi với ông đồng tình: “VN là một lựa chọn quan trọng trong quyết định đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ trong thời gian tới”.   

Năm doanh nhân VN tham gia buổi tọa đàm là ông Đặng Thành Tâm - tổng giám đốc Công ty cổ phần khu công nghiệp Tân Tạo; ông Trương Gia Bình - chủ tịch Công ty cổ phần phát triển đầu tư công nghệ FPT; bà Lê Thị Phương Thủy - TGĐ Công ty cổ phần truyền thông Trí Việt; ông Nguyễn Quốc Khanh - chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Xây dựng kiến trúc AA và bà Nguyễn Thị Mai Thanh, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Cơ điện lạnh REE.

Các doanh nghiệp Mỹ tham gia buổi tọa đàm: ông Walter Blocker - giám đốc Gannon Vietnam kiêm chủ tịch AmCham; ông Matthew P. Daley - giám đốc Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - ASEAN; ông Robert D. Knapp - giám đốc Motorola Vietnam; ông Bình Nguyễn - giám đốc FedEx Vietnam; ông Phúc Thân - giám đốc Intel Vietnam; ông Sesto Vecchi - giám đốc Russin and Vecchi.

Theo Thanh Trúc
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.