Một gia đình, hai thuyền trưởng tử nạn vì bão

Một gia đình, hai thuyền trưởng tử nạn vì bão
TP - Biển đông nghịt người, ai cũng cảm động, rơi nước mắt khi nghe tin vị thuyền trưởng già Lê Văn Bảy, 54 tuổi, cùng người con rể Nguyễn Văn Phùng, 1975, chết trong sáng Chủ nhật, 1/10.
Một gia đình, hai thuyền trưởng tử nạn vì bão ảnh 1

Báo Tiền phong tặng quà cho gia đình thuyền trưởng Lê Văn Bảy

Được dân đi biển vị nể bởi ông không những là người có kinh nghiệm nhất trong số không nhiều “già làng” chuyên đạp sóng dữ ngoài khơi mà còn là vị thuyền trưởng mưu mẹo, bản lĩnh, luôn biết cách đưa tàu của mình no mực trở về...

Con đường ven biển Nguyễn Tất Thành sáng 3/10, khi người dân TP Đà Nẵng hối hả ra đường thu dọn những tàn tích, hậu quả nặng nề mà cơn bão Xangsane để lại, một hình ảnh quen thuộc cách đây chưa lâu lại đập vào mắt người qua đường: Bàn thờ nghi ngút khói hương.

Ngửi mùi hương trầm lây lất bên biển, nhìn thấy những người phụ nữ chít vành khăn tang, nước mắt ngắn dài, vô hồn nhìn ra biển, 2 chữ “Chanchu” lại hiện về trong tôi.

Mới đó thôi, Chanchu đã làm cho Đà Nẵng nhuốm màu tang trắng, giờ đây, Xangsane lại tiếp tục đẩy trung tâm kinh tế miền Trung thành đống hoang tàn...

Dừng xe bên biển, một người đàn ông chép miệng: “Khổ thân ông Bảy, gần 40 năm vẫy vùng trên biển không hề hấn chi, nay vào bờ vẫn không thể thoát khỏi cái chết vì sóng gió”.

Một người khác chen vào: “Ông định giải nghệ, để vị trí thuyền trưởng cho thằng con rể, ai ngờ nó cũng đi theo ông luôn”. Biển đông nghịt người, ai cũng cảm động, rơi nước mắt khi nghe tin vị thuyền trưởng già Lê Văn Bảy (54 tuổi, tổ 12, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cùng người con rể Nguyễn Văn Phùng (1975) chết trong sáng Chủ nhật, 1/10.

Em Lê Thanh Cường, con trai thứ ông Bảy, bùi ngùi kể: “Khi nghe tin bão, cha và anh đã đưa tàu (ĐNa 6274) sang trú an toàn ở âu thuyền Thọ Quang, đến 9 giờ 30 sáng 1/10, cứ ngỡ tai qua nạn khỏi, ai ngờ một cơn gió giật khủng khiếp đã giật phăng dây neo, bứng luôn tàu ra biển.

Thời điểm đó là lúc gió giật kinh hoàng nhất, nhiều người trên bờ chứng kiến con tàu bị quần tả tơi trong bão nhưng cũng đành bó tay. Cha và anh chết thảm thương quá”.

Bà Hồ Thị Cho, vợ ông Bảy, nấc không thành tiếng: “Đau lòng quá, thà ông bỏ mạng ngoài khơi vì bão dữ, đằng này một người như ông lại chết trong bờ, lại không tìm thấy xác”.

Thuyền trưởng Phạm Văn Xinh (người hùng thoát nạn Chanchu trở về), xoa tay ngậm ngùi: “Những người như tui phải gọi ông Bảy là sư phụ trong nghề biển. Tui mới có kinh nghiệm 20 năm, nhưng ông đã quần thảo trên đại dương 35 năm rồi. Nhìn từng đám mây, từng con sóng biển, nghe từng ngọn gió thổi, ông có thể đoán biết bão xuất hiện ở đâu, đi hướng nào. Vì thế ông mới thoát nạn Chanchu, trú ẩn an toàn trở về. Ai ngờ lần này lại chết thảm ven bờ. Số mệnh thật khôn lường”.

Bà Cho nức nở: “Khi trở về trong chuyến câu mực cuối cùng, chồng tui đã tuyên bố lên bờ, truyền nghề và vị trí thuyền trưởng cho thằng con rể. Ai ngờ, ông và thằng con rể cùng gặp nạn. Coi như nghề biển từ nay chấm hết với gia đình”.

Những kinh nghiệm lâu năm trên nghề biển của ông Lê Văn Bảy đã đưa kinh tế gia đình ông từ chỗ hộ nghèo trở thành khấm khá trong phường Xuân Hà. 5 đứa con ông đều đã trưởng thành, 2 người đang học đại học.

Riêng ông Bảy được UBND phường Xuân Hà, UBND quận Thanh Khê tặng bằng khen, cờ thi đua cho gương Nông dân sản xuất giỏi từ năm 1998 – 2005. Ông và người con rể chết mất xác khiến người dân ven biển Đà thành không cầm được nước mắt...

MỚI - NÓNG