Một chuyện về lời Bác dạy: Khôn khéo

0:00 / 0:00
0:00
Bác Hồ với Lê Giản (phải) và Phạm Hùng (trái) ở Việt Bắc năm 1950
Bác Hồ với Lê Giản (phải) và Phạm Hùng (trái) ở Việt Bắc năm 1950
TP - Những cuộc thăm thú trong những năm xa ấy với ông bạn viết Hữu Ước nên tôi có lắm dịp may được gặp nhiều vị tướng tài của ngành an ninh. Như lần ấy được hầu chuyện tướng Lê Giản.

Ở độ tuổi quá bát tuần đã vài năm mà tướng Lê Giản vẫn phong độ mẫn tiệp. Cặp mày bạc của tướng quân hình như mình chưa từng được gặp ở đâu cả? Cong vắt, xoắn bện ngự trên cặp mắt hơi bị dữ. Nhưng khi tướng Lê Giản cười thì lại ngó rất hiền.

Chuyện của ông như một thứ tổng tập đại thành mà trang nào cũng hấp dẫn, ấn tượng? Chuyện ông bị lưu đày ở Madagascar tham gia vào tổ chức chống phát xít cùng với quân Đồng Minh và được cơ quan tình báo Anh SOE tuyển mộ vào Lực lượng 136 (Force 136) và đưa sang Calcutta huấn luyện để tung về hoạt động ở Đông Dương? Hay chuyện ông nhảy dù xuống Cao Bằng đương đêm lọt vào ổ phục kích của Việt Minh? Hoặc chuyện ông được Bác Hồ chỉ đạo trực tiếp việc xây dựng sân bay Lũng Cò bí mật để đón quân Mỹ ở Cao Bằng năm 1945?… Nhưng có lẽ hấp dẫn hơn cả vẫn là thời gian Bác Hồ chỉ định ông giữ chức Phó giám đốc Sở Liêm phóng Bắc bộ và Nha Công an Trung ương để bảo vệ chính quyền non trẻ sau cách mạng Tháng Tám.

Một chuyện về lời Bác dạy: Khôn khéo ảnh 1

Cụ Lê Giản với Tướng Giáp

Thời ấy làm sao thì làm. Đoàn thể khéo một thì Công an các chú phải khéo mười. Bác luôn dặn đi dặn lại, là phải hết sức khéo léo làm sao tránh xích mích với bọn Tàu Tưởng.

Một chuyện về lời Bác dạy: Khôn khéo ảnh 2

Cụ Lê Giản tuổi 90

Hầu như ngày nào chúng cũng gây ra vụ cướp của giết người, bắt cóc tống tiền, thủ tiêu ám sát. Thế nước ngàn cân treo sợi tóc. Thù trong, giặc ngoài. Điều bất biến mà Bác luôn quán triệt cho lực lượng công an phải nhớ nằm lòng là phải nhẫn nhịn, phải hòa để tiến. Phải tuyệt đối khôn khéo để khỏi vướng vào vô vàn âm mưu khiêu khích của bọn Tàu Tưởng.

Chất giọng ông như nhẹ bỗng.

Buổi sáng hôm ấy, Bác cho gọi tôi lên. Thường bao giờ trước những cuộc gặp bàn việc, Bác cũng niềm nở. Nhưng sáng ấy, Bác ngó cứ đăm đăm.

Bác ngỏ ngay với tôi chuyện tướng Lư Hán vừa cho người đến tận đây to nhỏ một việc.

Đêm qua tại bến đò Chèm, một trung đội quân Tàu Tưởng qua sông nhưng bị ta đánh úp tiêu diệt hết.

Vừa nghe xong, trời mát mà tôi toát hết cả mồ hôi. Một việc đủ sức kích động mối hòa hoãn vốn lỏng lẻo lâu nay giữa lực lượng Việt Minh non trẻ và bọn Tàu Tưởng tàn ác nham hiểm. Chúng sẽ tìm cớ gây hấn trong lúc ta đang bấn bíu bao việc.

Thấy vẻ thẫn thờ của tôi, Bác mỉm cười nhẹ như trấn an, nhưng giọng nghiêm lạnh:

Chú phải khẩn trương cấp tốc điều tra rồi báo cáo ngay cho Bác…

Tôi hối hả lao vào việc. Cật vấn hỏi han các đầu mối phụ trách an ninh ngoại thành thì các cu cậu đều chối. Tôi cáu quá, gạn thêm một hồi thì cũng lòi ra.

Khi ấy tình trạng thiếu vũ khí, súng đạn lắm. Anh em mình ai ai cũng ngứa mắt căm tức trước những hành động cướp phá gây hấn của lũ quân Tàu Tưởng ô hợp. Có dịp thì dùng tiền mua rẻ súng ống. Có thời cơ thì không ít vụ vụng trộm kín đáo thủ tiêu cướp vũ khí của những tốp đi lẻ. Lâu nay không bị phát hiện bởi tình trạng quân hồi vô phèng của lính Tàu Tưởng. Nhiều tay chỉ huy ít nắm được quân số của đơn vị mình, nên có thiếu hụt cũng ít biết. Thậm chí chúng còn khai khống số quân, thêm những lính ma báo cáo lên trên để kiếm chác.

Và giữa đêm hôm khuya khoắt, mấy anh lính công an nhà mình thấy trung đội Tàu Tưởng đi ăn mảnh đánh chén say sưa qua sông… Thấy quá hớ hênh và ngon ăn nên quyết định xuống tay bất chấp lệnh cấm ngặt nghèo của trên.

Điều bất biến mà Bác luôn quán triệt cho lực lượng công an phải nhớ nằm lòng là phải nhẫn nhịn, phải hòa để tiến. Phải tuyệt đối khôn khéo.

Anh em mình không ngờ đến một điều là trên thuyền có một gã Hoa kiều lâu nay làm ăn ở bến đò Chèm đã bí mật lặn xuống sông trốn thoát. Hắn dông thẳng đến văn phòng Lư Hán tâu bẩm…

Tôi không biết Bác của chúng ta đã có những động thái gì để rút củi đáy nồi làm nguôi cơn điên của viên tướng Tàu Lư Hán kia. Bởi Lư Hán ban đầu muốn nắm ngay lấy thời cơ làm to, làm toáng chuyện lên. Sẽ có ngay công hàm phản đối quân đội Việt Minh tấn công quân Đồng minh vi phạm thỏa thuận đã ký kết. Rồi sau đó sẽ tức thời trình cấp trên đề nghị quân Đồng Minh can thiệp.

…Tướng Lê Giản kể đến đây, thì ông dừng lại cầm lấy cốc nước. Một cảm giác hồi hộp choán lấy mấy anh em chúng tôi. Chợt ai đó bật lên một câu nhắc nhớ đến câu chuyện thời ấy rằng, vì quốc sự mà có chuyện ta đành phải dùng tiền vàng để hối lộ hai tướng Tiêu Văn và Lư Hán.

Tại sao Bác đã dặn đi dặn lại là phải khôn khéo mà hồi ở Hà Nội chú bắt cả phạm nhân đưa vào Phủ Chủ tịch. Nếu bọn chúng phát hiện ra thì có phải rầy rà không?

Nghe vậy, tướng Lê Giản cười nhẹ. Ông lắc đầu nói ngay rằng chính ông và mấy anh em khi ấy cũng đã hấp tấp lẫn rụt rè đề nghị Bác cái ý đó… Nhưng ngó vẻ mặt của Người càng hằn thêm những nét buồn lo. Bác ôn tồn cho hay kế ấy, cách đó không còn hiệu nghiệm nữa, mà như Lư Hán giọng căng thẳng là chuyện này đã loang khắp trong quân!

Rồi một đề nghị bất ngờ của Lư Hán. Rằng thể theo nguyện vọng của quân đội Tàu Tưởng đang có mặt ở Bắc Kỳ là Việt Minh phải xử tử mấy người lính đã làm việc này. Phải tổ chức lễ cầu hồn cho đám lính bị thiệt mạng. Và phải có sự chứng kiến của chúng.

Một phương án do mấy anh em nhanh chóng đưa ra nghĩ phần nào có thể cải thiện được tình hình và làm yên lòng Bác? Ấy là cách dùng mấy tử tù hình sự và bọn phản động đương mang án tử trong nhà giam Hỏa Lò. Xin Bác cho phép bắt bọn này thế mạng các đồng chí của mình!

Nào ngờ, chất giọng Bác nghe càng buồn hơn.

Có thể nói, Bác đã làm chúng tôi choáng người. Các bạn có biết Bác nói như thế nào không?

…Các chú tưởng kế ấy là hay à? Bác luôn luôn quán triệt và dặn dò các chú quân đội ta là một quân đội có kỷ luật! Chúng ta đã phải đổ bao mồ hôi xương máu mới giành được độc lập và bằng mọi cách để bảo vệ giữ gìn nền độc lập ấy trong lúc chính quyền của ta còn hết sức non yếu. Thử hỏi giữ được độc lập và bảo vệ chính quyền cách mạng bằng những việc manh động vô kỷ luật như vậy à? Các chú thử nghĩ mấy khẩu súng gỉ ấy có đáng để phương hại đến chính quyền và độc lập hay không?

Và nữa, các chú có biết cái tên đi báo ấy đã kể vanh vách cho Lư Hán biết tường tận tên tuổi từng chiến sĩ tự vệ của ta. Nó đòi chụp ảnh, đòi đại diện của nó chứng kiến. Nếu theo cái cách các chú thì cái dở này sẽ kéo theo cái dở khác.

Rồi Bác quay đồng chí Nguyễn Văn Trân bấy giờ là Xứ ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Kỳ nãy giờ cùng họp với tôi và ôn tồn dặn đến ba lần rằng, Bác giao cho hai chú việc này đấy! Quân đội cách mạng là phải giữ nghiêm kỷ luật cách mạng!

Chúng tôi vội cáo lui bởi không dám chứng kiến thêm khuôn mặt đang hằn trĩu bao nét ưu tư của Bác!

Tướng Lê Giản kia, trong câu chuyện với mấy anh em ký giả chúng tôi trên khuôn mặt ông cũng đang vương vất những nét ưu tư buồn bã. Như chất giọng buồn của vị tướng đang thuật lại cái đêm ấy sao mà dài dặc. Cái đêm cho gọi mấy anh em chiến sĩ công an Bến Chèm lên để phân tích, đả thông cái tác hại vô kỷ luật và manh động đã làm tổn hại đến cục diện chung như thế nào…

Ban đầu anh em hồn nhiên rằng lính mình chỉ là đoạt lấy vũ khí Tàu Tưởng mà đánh giặc chứ có động cơ vụ lợi gì đâu? Nhưng cứ rỉ rả hồi lâu lẫn cởi mở thông tin những sức ép của quân Tàu Tưởng đối với thượng cấp ra sao với Chính phủ và Cụ Hồ như thế nào? Cuối cùng các chiến sĩ can dự vào vụ việc đã nhận ra khuyết điểm về hành động vô kỷ luật của mình và xin được tự nguyện nhận hình phạt!

Không khí như lặng đi sau câu nói của tướng Giản.

Vâng, kết thúc cuộc gặp chúng tôi đã ôm lấy nhau. Và khóc…

Tiếp chuyện, chất giọng vị tướng an ninh đã trở lại vang, vượng. Ông đang nói sau sự kiện đó tình hình an ninh trật tự Hà Nội và vùng phụ cận có khá lên rất nhiều. Khá chẳng phải là ta với phương châm hết sức tránh khiêu khích nhưng cứ mãi tiếp tục điệp khúc nín nhịn hữu khuynh trước nạn cướp bóc ám sát tống tiền của quân Tàu Tưởng và bọn phản động. Rất nhiều vụ quân Tưởng can thiệp ta lại phải thả ra. Không thả chúng gây bao khó khăn rắc rối. Rất khó giải thích cho quần chúng khi họ chất vấn! Anh em, đồng chí mình thì ấm ức. Nếu không kiên quyết chúng sẽ được đằng chân lân đằng đầu.

Bác cho phép dựa vào quần chúng kiên quyết nghiêm trị khi có bằng chứng cụ thể. Theo sáng kiến của Bác, ta nhanh chóng thành lập Ban liên lạc Việt - Trung. Ban ấy gồm đại diện quân đội Tưởng và đại diện chính quyền ta. Mỗi khi xảy ra vụ việc rắc rối nào đấy lập tức ta cho mời Ban liên lạc Việt - Trung tới. Ta cung cấp bằng chứng, cho lập biên bản. Trên cơ sở đó ta có lý do để trừng trị bọn tội phạm.

Cuối buổi gặp lần ấy tướng Lê Giản kể lại một hồi ức.

Những ngày bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ ấy cũng qua nhanh. Một bài học về nghiệp vụ an ninh mà Bác nhắc lại cho ông khi đã hơn 3 năm ở chiến khu Việt Bắc. Khi kể lại ông cứ băn khoăn không hiểu sao ông cụ lại biết được?

Chuyện ấy là cuối năm 1945, tổ công tác thực hiện bắt khẩn cấp một tên phản động nguy hiểm ngay trên đường phố Hà Nội giữa ban ngày. Nhưng bọn Tàu Tưởng phát hiện và tìm cách đánh tháo. Không thể để xảy ra việc can thiệp sẽ lôi thôi rắc rối to. Lê Giản cho xe vòng vèo đánh lạc hướng cắt đuôi rồi vuột thẳng vào Bắc Bộ phủ. Bọn đánh tháo chưng hửng.

Tại sao Bác đã dặn đi dặn lại là phải khôn khéo mà hồi ở Hà Nội chú bắt cả phạm nhân đưa vào Phủ Chủ tịch. Nếu bọn chúng phát hiện ra thì có phải rầy rà không?

Kết thúc câu chuyện Bác đã ngỏ với ông Lê Giản như vậy!

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.