Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa: Lãng phí lớn

Sách giáo khoa nên sử dụng nhiều lần để đỡ tốn tiền của gia đình, xã hội ảnh: Như ý
Sách giáo khoa nên sử dụng nhiều lần để đỡ tốn tiền của gia đình, xã hội ảnh: Như ý
TP - “SGK thì nên sử dụng nhiều lần để đỡ tốn tiền của gia đình, xã hội. Không thể theo kiểu cạnh tranh SGK với nhau, vì lợi ích của một nhóm nào đó mà hàng năm phải biên soạn, in SGK để bán cho học sinh”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu khi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) chiều 8/11.

Không phải thích dạy gì cũng được

Đề cập câu chuyện sách giáo khoa (SGK), ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lo ngại, việc cho phép sử dụng nhiều bộ SGK nếu không có quy định chặt chẽ dễ dẫn đến tùy tiện trong chọn lựa và thiếu cục bộ, nơi thừa và nơi thiếu SGK. “Như tỉnh Đồng Tháp, vừa rồi thiếu sách Toán và Tiếng Việt của lớp 1, lớp 10.

Hỏi lên tận TPHCM  cũng không có , qua Hậu Giang, qua Cần Thơ, lên An Giang, Vĩnh Long tìm cũng không có. Vì đến lúc khai giảng, giáo viên nhà trường mới thông báo cho học sinh, phụ huynh biết là học theo chương trình này, SGK này, lúc đó ra thị trường mua không có nữa”, ông phản ánh và lưu ý nếu thực hiện 1 chương trình nhiều SGK thì phải có quy định hết sức chặt chẽ.

Đặc biệt đối với vấn đề sử dụng SGK 1 lần, ông Hòa cho rằng, còn rất nhiều bất cập. “SGK nên được sử dụng nhiều lần để đỡ tốn tiền của gia đình, xã hội. Không thể theo kiểu cạnh tranh SGK với nhau, vì lợi ích của một nhóm nào đó mà hàng năm phải biên soạn, in SGK để bán cho học sinh. Điều này  đã diễn ra nhiều năm nay rồi, không khắc phục được. SGK phải dùng nhiều năm chứ không thể mỗi năm lại bỏ thì lãng phí vô cùng lớn”.

Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) bày tỏ lo ngại về vấn đề biên soạn SGK. Ông phân tích, nếu thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì quy trình lựa chọn SGK phải là quy trình chuẩn. “Trong dự thảo luật (sửa đổi) này, vai trò quản lý nhà nước chưa thể hiện. Việc ổn định trong công tác giảng dạy rất khó đảm bảo vì không được quy định rõ. Nếu có chuyện vụ lợi thì không kiểm soát được”, ông Sinh băn khoăn.

Đại biểu mổ xẻ từ chuyện cụ thể - sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Ông Sinh nêu thực tế, phương pháp của GS Đại tỉnh này thì áp dụng, tỉnh kia bỏ, rất phức tạp. Chia sẻ trải nghiệm của cá nhân khi đi dự giờ dạy theo công nghệ giáo dục tại Hoà Bình, ông Sinh nhận xét, kết quả tiết học rất tốt.

Nhận xét chung là đưa phương pháp dạy tiếng Việt này vào giáo dục đại trà có nhiều ưu điểm tích cực nhưng đại biểu Nguyễn Tiến Sinh muốn phải có quyết định rõ ràng về việc có đi theo hướng này không, sau đó phải có quy trình chuẩn, xác định ai được quyền quyết định triển khai việc giảng dạy theo sách công nghệ giáo dục chứ không thể để cho hiệu trưởng mỗi trường tự quyết. 

“Ngành giáo dục cần chú ý quan tâm tới ý kiến của phụ huynh, không phải là thích dạy con nhà người ta cái gì cũng được”, đại biểu khái quát.

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tiếp thu ý kiến của Quốc hội, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Dự thảo luật quy định, trước mắt ưu tiên thực hiện chính sách này đối với người học ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.