Moody’s nâng tín nhiệm cho nhiều ngân hàng Việt

Nhiều ngân hàng vừa được nâng hạng tiền gửi ngoại tệ, nội tệ và chất lượng tín dụng.
Nhiều ngân hàng vừa được nâng hạng tiền gửi ngoại tệ, nội tệ và chất lượng tín dụng.
TP - Tuần qua, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng mức xếp hạng tiền gửi nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ dài hạn của ACB, MBB và Techcombank. từ B2 lên B1 đồng thời xếp hạng tiền gửi ngoại tệ của ba ngân hàng này ở mức B2. Với hệ thống ngân hàng Việt Nam, đây là thông tin tích cực và cho thấy nỗ lực cải thiện chất lượng tín dụng và chất lượng tài sản của các ngân hàng đang tốt lên.

Gần 90% giới ngân hàng tin kinh doanh tiếp tục cải thiện

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng mức xếp hạng tiền gửi nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ dài hạn của Ngân hàng TCP Á Châu (Mã: ACB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank – Mã: MBB) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) từ B2 lên B1.Moody cũng xếp hạng tiền gửi ngoại tệ của ba ngân hàng ACB, MBBank, Techcombank ở mức B2. Bên cạnh đó, tín dụng cơ sở của ba ngân hàng được nâng từ b1 lên b2.

Bên cạnh đó, Moody’s đã thay đổi triển vọng của tiền gửi nội tệ và nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ của ACB, MBBank và Techcombank từ Tích cực sang Ổn định, và điều chỉnh triển vọng đối với VPBank từ Ổn định sang Tích cực. Moody’s đã nâng mức xếp hạng của ACB, MBBank và Techcombank lên B1 từ B2 dựa trên việc Moody nâng cấp BCA của ngân hàng lên b1 từ b2.

Với hệ thống ngân hàng Việt nam nói chung và 3 NHTM cổ phần nói trên, đây là thông tin tích cực. Điều này cũng cho thấy nỗ lực cải thiện chất lượng tín dụng và chất lượng tài sản của các ngân hàng đang thay đổi theo xu hướng tốt lên.

Cụ thể trước đó, theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Dự báo, thống kê) tiến hành, thực trạng và môi trường kinh doanh của đa số các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục có chuyển biến tích cực trong năm vừa qua.

Năm 2017, 85,5% TCTD nhận định tình hình kinh doanh cải thiện hơn so với năm 2016, trong đó 31,3% TCTD nhận định “cải thiện nhiều”. Dự kiến trong năm 2018, 88,6% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh của cả năm 2018 tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2017, trong đó 29,2% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều”.

Theo nhận định của giới chuyên gia tài chính – tiền tệ, lợi nhuận ngành ngân hàng được cải thiện trong năm 2017 là nhờ tăng trưởng tín dụng trong năm nay rất khả quan. Với mức tín dụng khoảng 19% năm qua, lợi nhuận của nhà băng cũng tăng trưởng theo là điều đương nhiên.

Đánh giá của giới chuyên gia, hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam đang dần được cải thiện sau quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu. Lợi nhuận của các ngân hàng năm nay tăng trưởng đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư đối với cổ phiếu “vua”, nhất là trước làn sóng lên sàn chứng khoán. Đồng thời, thị trường bất động sản ấm dần lên cũng tác động tích cực lên hoạt động tín dụng của các ngân hàng.

“Soi” 3 NH được Moodys nâng tín nhiệm xếp hạng

Đối với Techcombank, tín dụng cơ sở của ngân hàng được nâng lên nhờ sự cải thiện của các chỉ số thanh toán: vốn, chất lượng tài sản và khả năng sinh lời.

Ngân hàng đã cải thiện đáng kể bộ đệm vốn, đặc biệt trong 5 tháng qua. Mới đây nhất và cũng ấn tượng nhất là việc nhận được khoản đầu tư 360 triệu USD vào tháng 3/2018 từ quỹ ngoại Warburg Pincus. Moody’s ước tính tỷ lệ vốn lõi của ngân hàng (TCE) trên tổng tài sản đã điều chỉnh rủi ro (RWA) của ngân hàng tăng từ 9% vào năm 2016 lên 14,5% vào 201 , tạo cho Techcombank bộ đệm vốn lớn nhất trong số 16 ngân hàng Việt Nam được Moody’s đánh giá cao.

Tỷ lệ nợ xấu đã điều chỉnh của Techcombank năm 2017 đã giảm từ mức 7,3% năm 2016 xuống 4,2% vào năm 2017. Tài sản có vấn đề của ngân hàng giảm 37%, xuống còn 6.800 tỷ đồng trong năm 2017, chủ yếu là do việc trích lập dự phòng 2.900 tỷ đồng cho trái phiếu VAMC và khoản phải thu giảm đáng kể. Moody’s dự kiến Techcombank sẽ thu hồi được 1.900 tỷ đồng khoản phải thu vào năm 2018, góp phần cải thiện chất lượng tài sản của ngân hàng. Moody’s dự kiến rằng ngân hàng sẽ duy trì ROA tốt khoảng 2% vào năm 2018-2019.

Việc nâng xếp hạng Tín dụng cơ sở của MBBank từ b2 lên b1 nhờ vào sự cải thiện về chất lượng tài sản cũng như kỳ vọng Moody’s về tỷ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) của ngân hàng được cải thiện vào năm 2018 khi MBBank mở rộng sang phân khúc bán lẻ, và giảm mức trích lập dự phòng.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm từ 4,7% vào năm 2016 xuống 2,9% vào năm 2017, chủ yếu là do việc tất toán toàn bộ của trái phiếu đặc biệt VAMC là 3.400 tỷ đồng. Moody’s hy vọng rằng chất lượng tài sản của MBBank sẽ ổn định trong 12-18 tháng tiếp theo.

Đối với ACB, việc nâng cấp tín dụng cơ sở phản ánh chất lượng tài sản của ngân hàng được cải thiện, nhờ việc xử lý các tài sản bao gồm tài sản có vấn đề của nhóm 6 công ty liên quan tới bầu Kiên. Moodys điều chỉnh tỷ lệ nợ xấu của ACB, giảm từ 2,99% vào cuối năm 2016 xuống còn 0,95% vào cuối năm 2017. ACB đã trích lập dự phòng 1.500 tỷ đồng cho trái phiếu đặc biệt VAMC.

Moody kỳ vọng chất lượng tài sản của ACB sẽ ổn định trong vòng 12-18 tháng tiếp theo nhờ vào sự cải thiện trong môi trường hoạt động, từ đó sẽ hỗ trợ khả năng trả nợ của khách hàng vay ngân hàng.

MỚI - NÓNG