Mong manh thanh khiết tựa tơ trời

Bà Thuận đang quay tơ
Bà Thuận đang quay tơ
TP - Chiều đông lạnh giá, trong cái rét tê tái, bóng người đàn bà nhỏ nhắn, tay ôm những bó tơ thoăn thoắt đi vào căn xưởng nằm bên bờ sông Đáy. Vóc dáng lam lũ, tảo tần ấy được ví như “huyền thoại sống”, người đã vực dậy một nghề truyền thống ngỡ như chỉ còn trong ký ức... Và cũng chính bà đã khởi tạo một nghề mới cho mảnh đất hình chữ S vốn trọng những giá trị được tạo ra từ khối óc và đôi bàn tay tài hoa.

Từ Hà Nội đi về phía Nam chừng 40km, làng Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) đẹp như một bức tranh phong thuỷ. Vẫn còn đây những ngôi nhà mái ngói 5 gian, những rặng rào hoa râm bụt, những cây trạng nguyên hoa đỏ rực bên những bức tường rêu phong, những bậu cửa trơ từng lớp gạch cũ. Tất cả đều mang nét đẹp thuần túy của làng quê Việt từ hàng trăm năm qua.

Để có ngày hôm nay, làng dệt Phùng Xá đã đi qua bao thăng trầm, có lúc ngỡ như lụi tàn nghề truyền thống được khởi nguồn từ 90 năm trước. Những người dân chân chất đời nối đời chỉ biết truyền nhau nghề dệt lụa từ những chiếc máy quay tơ, dệt sợi thô sơ, cũ kỹ. Dòng đời xô đẩy, nhiều người đã bỏ nghề, bỏ làng đi nơi khác kiếm sống. Nghề vì thế mà mai một đi nhiều. Nặng lòng với nghề cha truyền con nối, có một phụ nữ từ khi 18 đôi mươi đến nay tóc đã bạc vẫn đau đáu nỗi lòng phải làm sao để giữ lấy nghề dệt lụa tơ tằm. Và bà còn làm được nhiều hơn thế nữa...

Bắt sen “nhả” sợi

Trên gương mặt Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã hằn những nếp nhăn, làn da nâu sạm, mái đầu phủ màu khói bởi vô số sợi bạc nhưng trăn trở và khát khao với nghề dường như vẫn vẹn nguyên, trong trẻo. Từ ngày còn là cô bé 4-5 tuổi theo chân người cô đứng hóng bên những khung cửi dệt, từng thích thú khi được chạm tay vào ống suốt quấn sợi và không ít lần làm rối tung những cuộn tơ, cho đến giờ đã là người đàn bà bước vào tuổi 65, nghệ nhân Phan Thị Thuận vẫn giữ trọn vẹn tình yêu say đắm với nghề. Hễ hỏi một câu thôi, bà lại như tằm nhả tơ, rút ruột dốc bầu tâm sự về cuộc đời gắn với nghề dệt. Thanh âm cao, nhưng lại như ẩn trong đó tiếng cười, bà hỏi tôi: “Con thấy ai như cô không, gần thất thập cổ lai hi còn bắt đầu mày mò học nghề”. Nói rồi, bà đứng dậy bước lại chiếc tủ kính lấy chiếc khăn màu trắng ngà, nhẹ nhàng và nâng niu, đưa nó cho tôi: “Con cầm lấy, cảm nhận được gì không?”. Tôi khẽ khàng áp chiếc khăn lên má, cảm giác hơi ram ráp trên làn da, mùi hương sen dịu nhẹ lẩn quất. Thấy tôi còn ngỡ ngàng, bà cười nhẹ bảo: “Đây là chiếc khăn làm từ tơ sen đấy. Cô còn đang tết dở những sợi tua. Hoàn thiện xong, giặt qua một lần nước, khăn sẽ mềm mại và bám lấy người khi quàng lên. Cô vẫn từng ngày khám phá, mò mẫm để hiểu thêm về nó”. Tơ sen. Nghe lạ lẫm và mông lung. Nó lập tức cuốn hút tôi. Hẳn nó phải bí ẩn thế nào mới hấp dẫn được người đàn bà đã đi qua bên kia dốc cuộc đời, đã có cho mình hơn 50 năm làm nghề dệt lụa, đã được vinh danh là Nghệ nhân mà vẫn ngày đêm khám phá những kỳ lạ ẩn giấu sau sợi tơ mong manh như tơ trời...

Bà vốn là nghệ nhân nổi tiếng cả nước về dệt lụa từ tơ tằm, là người duy nhất trên thế giới sáng tạo, bắt con tằm trở thành những công nhân tay nghề cao tự dệt mền mà không có công nghệ tinh vi nào làm được. Phòng khách treo không biết cơ man nào là bằng khen, giấy chứng nhận và các loại cúp mà bà được thưởng suốt mấy chục năm. Nhưng đầu năm 2017, ở cái tuổi 63 bà không nghĩ mình sẽ bắt đầu lại học nghề mới mà ở Việt Nam chưa từng có ai làm. Hôm đó, đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đến thăm nghệ nhân Phan Thị Thuận và đề nghị bà nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống sen. Tò mò về lời đề nghị đó, bà lên mạng tìm hiểu thì được biết ở In Paw Khone (Myanmar) là ngôi làng duy nhất trên thế giới có nghề dệt lụa từ tơ sen độc đáo này. Là người ham học hỏi, thích khám phá những mới lạ trong nghề dệt, thêm những ấp ủ lâu nay về một loại vải mới, bà bắt tay vào nghiên cứu.

Trong cuộc trò chuyện, thi thoảng lại thấy người đàn ông vóc dáng nhỏ bé ghé ngồi cạnh bà khẽ cười. Ông là chồng bà Thuận, người hiểu hơn ai hết những đam mê cháy bỏng với nghề của bà. Họ nên duyên từ chính những lần đi hái dâu, ươm tơ, dệt lụa, bởi gia đình ông cũng 3 đời gắn bó với nghề này. Thế nên giờ đây thấy vợ nhẽ ra ở cái tuổi được nghỉ ngơi nhưng vẫn cực khổ để tìm hiểu công việc hoàn toàn mới, ông không cản mà nhất mực dõi theo, ủng hộ. Muốn làm phải có đầm sen để nghiên cứu. Bà Thuận mua một đầm sen cách nhà vài cây số giá 1,4 tỷ đồng với sự giúp đỡ tài chính từ những người họ hàng thân thiết. Nhớ lại quyết định của mình bà bảo: “Đúng là táo bạo, nhưng không liều thì không thể thành công”. Bà luôn nhắc đi nhắc lại: “Phải làm bằng cái tâm, cẩn trọng, tỉ mỉ, chỉn chu, không yêu nghề thì không thể làm được”. Những ngày đầu bà là người trực tiếp ra đầm sen chọn từng cuống, thứ xưa nay vốn được coi là vô dụng nhất của cây sen. Cuống sen sau khi ngắt về được rửa 2 lần cho sạch bùn và gai. Đây là công đoạn quan trọng vì cuống có sạch thì tơ mới đẹp. Sen trồng ở vùng nước càng sâu, cọng càng dài, càng nhiều tơ và sợi tơ cũng dẻo và bền hơn. Cọng sen sau khi được hái về, sẽ được cắt thành nhiều đoạn ngắn chừng 4 - 5cm. Người thợ khéo léo dùng tay kéo các sợi tơ, miết trên một chiếc bàn được lau bằng khăn ẩm giúp tơ bện vào nhau tròn sợi. Quy trình này lặp đi lặp lại khoảng ba lần để sợi tơ đủ dày. Những sợi tơ của các cọng sen sau đó được quấn tiếp vào sợi tơ trước, và cứ thế cho đến khi cọng sen hết nhẵn tơ. Tơ sau khi rút xong được bỏ vào một cái chậu, tiếp đó được quấn vào một con suốt lớn. Cuộn tơ này đã sẵn sàng để được nhuộm, dệt và cắt may…

Đưa tôi xem cuộn tơ sen mới se, bà bảo: “Một chiếc khăn quàng cổ dài 1,7m, ngang 25cm mà ban nãy con quàng thử phải cần tới 4.800 cuống sen. Những người thợ giỏi nghề ở đây chăm chỉ lắm thì một ngày chỉ làm được 200-250 cuống. Vì thế chiếc khăn này làm gần 1 tháng mới xong”. Nghe tôi hỏi giá thành chiếc khăn, Nghệ nhân Phan Thị Thuận trầm giọng: “Đắt lắm, 10 triệu một chiếc. Chính vì thế cô muốn nhân rộng nghề này cho nhiều nơi để hạ giá thành sản phẩm, có như vậy nhiều người Việt Nam mới được hưởng thụ”. Lụa tơ sen không được nhuộm nhiều mà thường hay để màu mộc, gồm hai màu trắng ngà và nâu. Khăn, áo từ lụa tơ sen thường không mịn, nhẵn, đẹp mắt như lụa tơ tằm, nhưng nhẹ, xốp và đặc biệt bởi hương thơm thanh khiết của sen. Những chiếc khăn từ tơ sen như kết tinh của trời đất được phật tử mua để dâng lên Phật.

Mãi vương tơ lòng…

Hình ảnh người phụ nữ đã lớn tuổi nhưng mắt vẫn tinh tường, đôi bàn tay khéo léo khứa khẽ xung quanh cuống sen, rồi dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời ve cho sợi tơ sen tròn lại vừa điêu luyện vừa cẩn trọng tôi càng hiểu hơn bà không chỉ cố làm ra sản phẩm đẹp mà còn dồn vào đó tất cả tình cảm, tâm trí. “Nếu khứa quá sâu sẽ làm đứt luôn phần sợi tơ bên trong”, câu nói của bà làm ngắt quãng mạch suy nghĩ của tôi, nó giúp tôi hiểu thêm vì sao những sợi tơ mềm mại, kiêu sa ấy phải từ sự khéo léo, tinh tế của bàn tay nghệ nhân.

Bà dẫn tôi sang xưởng, máy móc đơn sơ, liên tục vang lên tiếng thoi dệt lách cách rộn rã. Những người thợ lớn tuổi có, trẻ có, miệt mài với những cuộn tơ, ống suốt. Thấy có người lạ, họ chỉ ngửng lên cười thay cho lời chào rồi mải miết với công việc. “Tất cả các cuống sen lấy từ đầm lên phải được xử lý trong vòng 24 giờ. Nếu cuống bị khô lại, tơ sẽ hỏng hoàn toàn. Để sợi tơ không có chỗ to chỗ nhỏ, người ve sợi cần phải đều tay. Sau khi quay sợi thành ống, tơ sen được đưa vào máy se rồi mắc lên trục con thoi để dệt thành sợi ngang”, vừa nói bà vừa thực hành luôn trên khung cửi cho tôi xem. Chính bà thừa nhận mình là người khó tính, nghiêm khắc với nghề. Những người thợ cùng làm với bà Thuận đều hiểu được cái tâm của bà nên họ răm rắp làm theo đúng quy trình nghiêm ngặt mà bà đề ra để có được những sản phẩm đẹp đến tinh tế. “Ban đầu cô có tới 330 học trò nhưng rơi rụng dần còn 33 người, giờ chỉ còn 10 người. Họ là những người thợ rất giỏi và có tâm khi làm việc. Gọi là học nghề nhưng cô còn trả tiền cho họ, mỗi ngày 150 nghìn đồng. Nhờ có họ cô mới có thể lưu giữ nghề và nhân rộng nó ra, đó là ước mơ cả đời còn lại của cô”, Nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ.

Thời gian đầu bà Thuận liên tục gặp thất bại khi dệt lụa từ tơ sen vì không có kinh nghiệm. Không ít người thân trong gia đình và bạn bè can ngăn bà. Nhưng gạt phăng những lời bàn lùi đó, trong 3 tháng trời bà ở lì trong phòng một mình để nghiên cứu cho ra cách dệt lụa từ tơ sen. Vải tơ sen tuy có đẹp và nhiều ưu điểm song các công đoạn sản xuất rất cầu kỳ và hoàn toàn phải làm thủ công. Rất am hiểu và có nhiều kinh nghiệm với các công đoạn của nghề dệt tơ tằm truyền thống nhưng cũng phải mất hơn một năm bà Thuận mới có thể làm ra một chiếc khăn tơ sen hoàn chỉnh. Ngày cầm tấm lụa đầu tiên sau hơn năm trời gắn bó với những cọng sen trắng, sen đỏ, những sợi tơ sen mong manh cùng bao đêm thức trắng, bà nghẹn lời vì quá đỗi hạnh phúc…

“Trắng ngỡ mùa sen trắng cổ thành. Ngỡ như mùa hạ Huế chờ anh. Mượn ai tà áo bay màu lụa. Bọc lấy mùa hương ấy để dành” - những câu thơ của Chế Lan Viên như tia nắng ban mai, giúp tôi khám phá thêm một mùi hương trong mùa hương sen ngan ngát ấy.

Do những yêu cầu phức tạp và sự kỳ công trong các công đoạn nên giá thành các sản phẩm lụa tơ sen rất cao. Hiện nay, sản phẩm này chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng, hoặc phục vụ các dòng khách cao cấp, khách nước ngoài. Năm ngoái, xưởng sản xuất của bà chỉ làm được 12 chiếc khăn lụa tơ sen, ai muốn mua phải đặt trước vài tháng.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận là đời thứ 3 trong gia đình truyền thống theo nghề dệt. Năm 1984 ngành dâu tằm lao dốc. Nhưng bà không nản chí. Ngày lại ngày người phụ nữ ấy kiên trì đi xin lá dâu bờ rào về nuôi tằm. Nghe nói ở nông trường Thanh Hà (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) trồng dâu rất nhiều, bà không ngại ngần hàng trăm lần đạp xe 22km để mua lá dâu với khát khao giữ lấy nghề cha ông để lại. Nhìn cảnh bà bươn chải, tất bật giữ nghề, hồi ấy không ít người nói bà gàn dở.

Mong manh thanh khiết tựa tơ trời ảnh 1 Những cuộn tơ sen
Mong manh thanh khiết tựa tơ trời ảnh 2

Tơ sen sau khi được vê thành sợi

Mong manh thanh khiết tựa tơ trời ảnh 3

Bà Thuận thực hiện công đoạn vê sợi tơ sen

Mong manh thanh khiết tựa tơ trời ảnh 4

Công nhân đang dệt lụa tại xưởng của Nghệ nhân Phan Thị Thuận

MỚI - NÓNG