'Mong được hỗ trợ một phần tiền lương'

Người lao động mong được hỗ trợ một phần tiền lương trong thời gian phải nghỉ việc
Người lao động mong được hỗ trợ một phần tiền lương trong thời gian phải nghỉ việc
TP - Chị Trần Thị Thúy (28 tuổi, Thanh Hóa) cho biết, chật vật mãi chị mới xin được vào làm công nhân tại Khu công nghiệp (KCN) Phúc Yên (Vĩnh Phúc) từ tháng 11/2019 với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ sau Tết, chị rơi vào tình cảnh giảm ca làm việc liên tục do công ty thiếu nguyên liệu sản xuất.

“Lương tháng 2 của tôi giảm gần một nửa. Mấy hôm nay, tôi phải đi vay tiền để chi tiêu. Sắp tới, nếu công ty cắt giảm lao động, những nhân viên mới như tôi sẽ không trụ nổi”, chị Thúy nói.
Chị Thúy cho rằng, trong trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, để lao động không bị chật vật mưu sinh, doanh nghiệp có thể đảm bảo một mức lương bằng khoảng 80-85% so với thu nhập thông thường cho người lao động. Ngoài ra, có thể nghiên cứu hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động ngoài tỉnh đến làm việc trong thời gian này. 

Chị Lê Thị Mai (34 tuổi, Hải Dương), công nhân Cty CP Dịch vụ thương mại Tân Việt Phát, cũng vừa phải nghỉ việc. Chị Mai cho biết, từ đầu tháng 3, công ty thông báo tạm ngừng hoạt động vô thời hạn. Lao động chỉ được hỗ trợ đóng tiền bảo hiểm, mà không được hưởng lương. “Nếu tình trạng này kéo dài, lao động của công ty sẽ rơi vào cảnh rất khó khăn, không có thu nhập để trang trải cuộc sống. Chúng tôi mong doanh nghiệp có hỗ trợ, chẳng hạn đảm bảo một mức lương cố định nào đó cho lao động”, chị Mai nói. 

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, nhiều công nhân tại các KCN ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… đang phải sống chật vật cả về vật chất lẫn tinh thần. Cuộc sống khó khăn phải tiết kiệm chi tiêu, trích một phần tiền để mua khẩu trang, nước rửa tay chứa cồn hay xà phòng diệt khuẩn; giá thực phẩm tăng, con nghỉ học ở nhà, không tăng ca, thiếu tiền trang trải cuộc sống… Nhiều lao động cho rằng, trong trường hợp phải nghỉ việc, phía doanh nghiệp có thể chi trả một phần tiền lương để lao động ổn định cuộc sống, hỗ trợ một phần phụ cấp sinh hoạt đối với lao động tạm thời nghỉ việc. 

Ông  Nguyễn Thế Hiệp, Tổng giám đốc Cty Cổ phần Tân Long cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty gặp khó khăn về xuất khẩu hàng hóa, một số lao động phải nghỉ luân phiên. Tuy nhiên, phía công ty vẫn trả lương đầy đủ cho công nhân. Theo ông Hiệp, trong bối cảnh này, các doanh nghiệp nên cố gắng tìm các phương án để hỗ trợ người lao động, có thể bằng lương, bằng các khoản phụ cấp, nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu, để sau khi hết dịch, nguồn nhân sự của doanh nghiệp không bị xáo trộn.

Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương cho biết, đến 16h30, ngày 19/3 ở tỉnh này, hầu hết các doanh nghiệp không tổ chức cho công nhân làm thêm giờ. Có 40 doanh nghiệp cho 10.025 công nhân nghỉ việc luân phiên, 12 doanh nghiệp cho 497 công nhân nghỉ việc. 

Đối với các trường mầm non tư thục trên địa bàn, có 9 trường cho 129 giáo viên nghỉ việc tạm thời. Hầu hết các đơn vị đều thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN 100%, và hỗ trợ khoảng 50% tiền lương cho giáo viên.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.