Món nợ năm cuối

Món nợ năm cuối
Thay vì tất bật với đồ án tốt nghiệp, chuẩn bị xin việc..., nhiều sinh viên (SV) năm cuối phải chạy đua với việc học lại, thi lại. 

Tính hết năm học 2006 - 2007, toàn trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) có 115 SV ĐH buộc phải ngưng học vì điểm kém (chiếm 4,3% tổng số SV), riêng hệ CĐ có 123 SV (chiếm 7,1% tổng số SV).

Đó là chưa kể số lượng không nhỏ những SV bị buộc thôi học do quá thời gian học tập tại trường.

Cũng trong năm học 2006 - 2007, tỷ lệ SV tốt nghiệp đúng thời hạn chỉ chiếm 65% trong tổng số những SV năm cuối, và chiếm 49,8% so với tổng số SV nhập học đầu vào. 35% SV còn lại chưa hoặc không thể tốt nghiệp, phần lớn là do bị nợ môn.

Riêng năm cuối của năm học 2007 - 2008, trường hiện có 68% SV của tất cả các ngành bị nợ ít nhất từ một học phần trở lên. Trong đó, chỉ riêng môn Xác suất thống kê của lớp Du lịch đã có tới 48% SV còn nợ môn, tính đến thời điểm này.

Trong số đó, K.T.A đã đạt kỷ lục của trường với 12 lần học và thi lại môn Xác suất thống kê. Trong khi đó, trường ĐH Văn Hiến có tất cả 642 SV hiện đang theo học năm cuối. Tính hết học kỳ 2 của năm thứ 3 thì còn tới 242 SV đang bị nợ môn (chiếm tỷ lệ 37,69% trên tổng số SV năm cuối của trường). 

Cũng theo thống kê từ một trường CĐ tại TP.HCM, tính hết năm thứ 2, các lớp của khoa Quản trị kinh doanh cũng có những con số đáng suy nghĩ về số lượng các môn học bị nợ.

Cụ thể, lớp C5KT1 có 54 SV thì có tới 88 lượt môn học bị nợ, lớp C5QT3 có 47 SV nhưng số lượt môn bị nợ lên tới 148 môn, hay như lớp C5QT4 có 48 SV thì tới 216 lượt môn đang bị nợ... Trong đó, có không ít những SV có số môn học bị nợ lên tới con số trên 10.

Vì đâu nên nỗi?

Lấy được tấm bằng kỹ sư sau gần 7 năm với Bảo Minh - SV ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ TP.HCM lý do cũng vì nợ môn. Chỉ có học kỳ đầu đạt danh hiệu SV khá, còn học kỳ sau nợ 3 môn, rồi thêm 5, 7 môn... món nợ không trả được ngày càng chồng chất.

Dù nợ nhiều nhưng tổng điểm cộng lại vẫn trên mức điểm quy định bị lưu ban. Hết năm thứ ba, Minh phải bảo lưu chương trình một năm để trả nợ, vì tổng số môn nợ đã lên tới đỉnh: 32 môn cả đại cương và chuyên ngành.

"Mới đầu cũng vì chủ quan cho rằng, một vài môn thì lúc nào trả cũng được, nhưng mỗi học kỳ qua đi lại rơi rụng thêm một số môn. Các môn học lại nhiều khi không canh kịp lịch học của khóa dưới. Đôi khi đi học lại cũng ngại vì mình là đàn anh mà học lại với tụi em út...", Minh thú thật. 

Bước vào năm cuối, Minh bắt đầu chạy đua trả nợ. Tham gia lớp học lại vào thời gian hè nên trả được 5 môn. Rồi học kỳ 1, 2 của năm cuối, thậm chí phải đến 2 đợt học và thi vét Minh mới trả hết nợ.

Minh giải thích thêm về đợt học thi vét rằng nhà trường tạo điều kiện cho những SV đã đến thời gian thi tốt nghiệp nhưng vẫn còn nợ môn.

Ngoài 2 buổi học bình thường vào sáng, chiều, tối tối Minh cùng với nhóm bạn đến lớp học thi. "Trả nợ môn cũng đồng nghĩa với trả nợ tiền, mỗi lần thi lại đóng từ 10 - 20 nghìn đồng/môn, đặc biệt học lại thì 80 nghìn đồng/đơn vị học trình... Tính ra, mình đã mất thêm khoảng 4 triệu đồng chỉ riêng cho việc học lại, thi lại". 

Theo học chế tín chỉ như trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM áp dụng thì việc trả nợ môn học cũng khác. Nếu thi rớt môn, SV phải học lại chứ không thi lại lần 2, 3.

Các môn thường bị nợ nhất là về lý thuyết chuyên ngành, như môn Lý thuyết động cơ đốt trong (1, 2), khoa Cơ khí động lực bị rớt gần 50% ngay trong lần học đầu. Những môn như Cơ học lý thuyết, Sức bền vật liệu... tỷ lệ SV dưới điểm trung bình của lớp cũng chiếm tỷ lệ từ 20 - 30%.

Có không ít SV học mãi nhưng không thể tốt nghiệp vì chủ quan với chuyện học hành. Ví như trường hợp của P.N.N - SV lớp Hán Nôm khóa 2002 - 2006 trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Trong khi bạn bè ra trường đi làm cả 2 năm thì N. vẫn đang lụi hụi học lại.

Dù còn chỉ 1 môn chuyên ngành nhưng N. thì đi học lại mấy lượt vẫn chưa qua, và đang phải chờ đến học kỳ sau học cùng với khóa mới. Không thể thi tốt nghiệp, chưa có bằng cử nhân nên N. cũng không thể tìm được việc đúng chuyên môn.

Trong thời gian chờ tốt nghiệp, N. xin việc tạm ở nhiều nơi, từ nhân viên đánh máy, phục vụ nhà hàng, nhân viên kinh doanh và hiện thì đang nộp hồ sơ xin vào nhà xuất bản.

Có SV lại nợ vì lý do chạy sô làm thêm. Ngay từ khi bước chân vào giảng đường, Quốc Khánh - SV ngành Công nghệ thông tin trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ TP.HCM đã làm nhiều công việc như: phục vụ quán ăn theo ca, rao báo vào sáng sớm, phát tờ rơi...

Thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng là số tiền đủ để trang trải cho việc học hành của SV. Tuy nhiên, kết quả, ngay học kỳ đầu tiên Khánh đã thi rớt cả 8 môn học.

Theo Hà Ánh
Thanh niên

MỚI - NÓNG