Xuất hiện cuối năm 2013 nhưng đến đầu năm nay, bệnh thủy đậu đã bùng phát dữ dội ở TPHCM. Tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM trong ngày hôm qua 17/2 có gần 100 bệnh nhân nhập viện, trong đó có nhiều trẻ dưới 10 tháng tuổi và nhiều người trong gia đình cùng mắc bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh- trưởng khoa Nội A cho biết số ca mắc đang gia tăng từng ngày. “Khoảng tháng 10 năm ngoái, chúng tôi bắt đầu tiếp nhận các ca mắc thủy đậu. Thời điểm đó chỉ có hơn 200 ca mắc nhưng hai tháng sau đó tăng lên hơn 300 ca/tháng”- bác sĩ Vinh nói.Theo thống kê của bệnh viện này, trong tháng 1/2014 có 600 ca và chỉ nửa tháng 2 đã có hơn 500 ca.
Dồn dập vào viện
Ngày 17/2, khoảng 10 bệnh nhi mắc thủy đậu buộc phải yêu cầu nhập khoa Nhiễm-Thần kinh của bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị. Bác sĩ Trương Hữu Khanh- trưởng khoa Nhiễm của bệnh viện cho biết, thông thường bệnh thủy đậu vào mùa từ tháng 2 – 6 và cao điểm bùng phát từ tháng 3 nhưng năm nay đỉnh dịch đến sớm hơn so với mọi năm. Trong số gần 50 trẻ đang điều trị tại đây, có nhiều trẻ bị biến chứng viêm phổi do bệnh gây ra.
Theo đại diện bệnh viện Nhi đồng 2, trong hai tuần đầu tháng 2 có hơn 520 ca thủy đậu.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, nguyên nhân số ca mắc gia tăng là khi thời tiết lạnh, ẩm chuyển sang nóng, sức đề kháng của trẻ giảm tạo cơ hội cho siêu vi gây bệnh phát triển.
Không chỉ trẻ nhỏ, nhiều người lớn cũng mắc căn bệnh này. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM từ đầu năm đến nay ghi nhận 20 trường hợp người lớn mắc bệnh, nhiều trường hợp trong số này cho biết đã được tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu từ trước đó. Chị Trần Thị Th, ở quận Thủ Đức mắc thủy đậu sau đó lây sang con trai mới 9 tháng tuổi. Theo chị Th. trước khi mang thai, chị đã đi chủng ngừa thủy đậu nhưng bây giờ vẫn mắc. Sau khi chị mắc bệnh, một ngày sau đã lây sang con.
Hết vắc- xin
Rất nhiều phụ huynh bức xúc khi trong những ngày qua đưa con đến viện Pasteur TPHCM chích ngừa vắc- xin thủy đậu đều nhận được cái lắc đầu. Ở phòng khám và chích ngừa tại đây dán thông báo: “Hiện tại viện Pasteur hết vắc-xin ngừa bệnh thủy đậu. Chúng tôi không rõ thời điểm nào có thuốc trở lại”. Khi chúng tôi liên lạc với số điện thoại của nhân viên ở đây để hỏi về vắc-xin thủy đậu, người này cho biết đã hết vắc-xin này cả năm nay.
“Phải qua đầu năm 2015 mới có vắc- xin thủy đậu trở lại”- người này nói. Tại bệnh viện Nhi đồng 1, 2 và bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM… vắc- xin ngừa thủy đậu cũng đã hết sạch từ nhiều tháng qua. Đại diện các bệnh viện đều khẳng định, đã đứt nguồn vắc- xin từ lâu và nhà phân phối vẫn chưa thông báo bao giờ có lại.
Liên lạc với phòng khám tư nhi đồng TPHCM trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, cũng gặp tình trạng tương tự…
Trong khi đó, khi chúng tôi liên lạc với phòng khám Family Medical ở TPHCM, điều dưỡng cho biết vẫn còn vắc- xin nhưng trẻ dưới 6 tuổi phải đưa đến bác sĩ khám trước khi chích vắc- xin. “Mỗi lần khám, phí được tính 25 USD, còn vắc- xin ngừa thủy đậu có giá 55 USD/mũi”- nhân viên phòng khám này nói.
Một bác sĩ ở viện Pasteur TPHCM cho biết, phòng khám này còn vắc-xin “có lẽ do nguồn trữ còn lại từ trước bởi hiện tại tất cả các cơ sở y tế công đều không còn vắc xin ngừa thủy đậu loại Varilrix và Okavax”. Tuy nhiên giá hơn 1 triệu đồng/mũi chích là quá cao so với quy định. Theo bác sĩ này vắc-xin Varilrix chỉ có giá 370.000đồng/mũi, còn Okavax là 480.000đồng/mũi.
Trao đổi với Tiền Phong hôm qua 17/2, bà Huỳnh Lan Anh- đại diện Công ty Sanofi VN cho biết hãng dược Sanofi Pasteur lâu nay nhập khẩu và phân phối vắc-xin ngừa thủy đậu Okavax do công ty Biken của Nhật sản xuất nhưng từ năm 2013 Sanofi Pasteur đã ngưng phân phối vắc-xin này.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus herpes là Varicella Zoster virus gây ra. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em nhưng người lớn, phụ nữ mang thai và người suy giảm miễn dịch cũng mắc phải với những biến chứng nguy hiểm.